Duyên phận là điều gì đó rất kì lạ, không ai có thể thực sự nói rõ về nó. Có thể hữu duyên vô tình quen biết nhưng lại hiểu thấu nhau. Có thể hài hòa với nhau, mà không thể gần nhau. Không cố ý theo đuổi thì có, bỏ tâm cố gắng lại chẳng thành. Như là “có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu, liễu lại xanh”.
Mọi người thường nói, duyên do trời định, phận do nhân định. Đúng là như thế, gặp nhau là ý trời, bên nhau là ý người. Dựa vào đôi bên gìn giữ, phát triển thì duyên một lần gặp gỡ mới thành mối phận trăm năm. Nhưng duyên phận dài ngắn thế nào lại chẳng ai hay, ai biết? Một năm, năm năm, cả đời? Hết thảy chúng ta đều không đoán được.
Hôm nay có duyên phận không có nghĩa là vĩnh viễn sẽ có duyên phận. Phật bàn về nhân duyên rằng, cái gì cũng chỉ có thời điểm, duyên phận cũng vậy. Bởi thế mà phải nắm thật chắc, giữ thật chặt, hết lòng quý trọng. Đó là món quà trời ban, chỉ trong một giây, một khắc, một đoạn.
|
Duyên phận không nên cưỡng cầu. |
Mất đi rồi cũng không nên ủ rũ, càng không thể cảm thấy cả thế giới sụp đổ vì duyên đã hết, phận đã đứt, cưỡng cầu chỉ thêm đau lòng. Người mất đi nhất định không phải người thích hợp nhất, vật mất đi nhất định không phải vật tốt đẹp nhất. Mất đi chỉ chứng minh rằng ta với người chẳng qua là cùng nhau đi một đoạn đường, gặp rồi chia, li rồi hợp.
Kỳ thực, trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều điều là không thể lý giải. Chính bởi điều này mà khiến cho con người ta lúc nào cũng tràn đầy suy tưởng. Con người sống trên thế gian dường như là theo sự an bài sẵn vậy! Một người, trong cuộc đời của mình, đến thời điểm nào sẽ gặp ai, sự tình gì đều là đã được định sẵn.
Cổ nhân có câu “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu”, có ý rằng, khi điều gì đó đã được sắp đặt sẵn thì nó sẽ đến đúng thời điểm. Còn nếu điều gì không được sắp đặt trước rồi thì không ai có thể làm nó xảy ra, vậy cần gì phải cố sức để thay đổi nó?
Làm người học được cách điềm nhiên đối đãi với hết thảy, dùng bình tĩnh để đối đãi với mọi sự công bằng và bất công bằng trong cuộc sống, thản nhiên tiếp nhận mọi sự an bài hợp ý và không hợp ý mình. Ấy mới là cách đối đãi của bậc trí huệ.
Duyên đến không cần phải vui mừng quá đỗi, duyên đi cũng không cần phải khóc lóc thảm thiết.
Không có tình yêu thì bên cạnh bạn vẫn có bạn bè.
Không có bạn bè tri kỷ thì bên cạnh bạn vẫn còn có gia đình
Không có gia đình thì bạn vẫn còn sinh mệnh của chính mình.
Duyên hợp, duyên tan đều lưu lại một điều gì đó tốt đẹp và một chút tiếc nuối. Trong sinh mệnh mỗi người, điều gì là của bạn thì sẽ không mất, còn như điều gì không là của bạn thì cuối cùng cũng không thuộc về bạn.
Mọi sự tùy duyên, điều gì qua đi thì hãy buông bỏ để nó qua đi, nên bình tĩnh đối diện, quý trọng hết thảy những gì đang có ở hiện tại, như vậy mới sống được tự nhiên, thản đãng. Còn nếu như cố gắng níu giữ thì chỉ khiến bạn sống triền miên trong vô vọng và tâm linh bị đè nặng mà thôi.
Con người thế gian, nếu như so đo, tính toán quá nhiều thì sẽ tạo thành một loại ràng buộc, bị mê lạc quá lâu thì sẽ tạo thành một loại gánh nặng. Vì vậy, không cần quá để ý, khi có được điều gì hãy thật lòng trân quý, khi mất đi điều gì cũng đừng đau khổ tiếc nuối. Để ý quá nhiều, quá sâu sẽ khiến bạn mất đi một nửa hạnh phúc, xem nhẹ hết thảy sẽ khiến cuộc sống thăng hoa hơn, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
“Có duyên mà không có phận, có phận mà không có duyên” đều là một phần trong sinh mệnh, nó không nên trở thành bước đệm dẫn bạn đến bước đường cùng của cuộc đời. Đừng vì “duyên đi” mà sinh ra tâm oán thù, lòng oán hận.
Sống trên đời, điều gì đến thì hãy quý trọng, điều gì phải đi thì nên buông tay, như thế mới sống được tự do tự tại thực sự. Sống thuận theo tự nhiên là một loại trí tuệ, cũng là một loại cảnh giới cao của người giác ngộ.
Duyên đến, duyên đi, duyên như nước chảy!
Mời quý độc giả xem video về thiền sư Thích Nhất Hạnh (nguồn BBC):