Gần nhà tôi có một cậu bạn chừng hơn 30 tuổi, gia cảnh bình dân. Tài sản của cậu ấy nhìn đi nhìn lại thấy chỉ có bộ sưu tập chim là đáng giá: mấy con cúc cu (chim gáy), chích chòe và nhiều chim sâu…
Suốt ngày cậu ấy chú tâm vào đấy: cho ăn, tắm rửa, dời tới dời lui mấy cái lồng chim. Dường như đấy là phần lớn những gì cậu có, và hạnh phúc ở đấy. Có lần tôi hỏi: Độ chừng bao nhiêu tiền hết thảy mấy lồng chim? Cậu đáp một cách hãnh diện: Ít ra cũng mười mấy triệu! Một con số ấn tượng nếu so với gia cảnh của cậu.
|
Ảnh minh họa.
|
Thực ra thì ngồi trước hiên nhà cậu, nghe tiếng chim và nhìn chúng nhảy nhót tung tẩy trong lồng cũng lạ, có chút thư giãn. Song suy nghĩ kỹ thì tội cho tụi chim, bị nhốt, tiếng kêu thảm thiết chứ vui thú gì. Và những bước nhảy kia là mong tìm lối thoát. Chỗ của chúng là ở trời cao gió lộng, trên các cành cây giữa thiên nhiên. Người ta bỏ tiền mua và nhốt cái đẹp, nhốt tiếng chim vào lồng và hãnh diện về điều đó. Mà cậu trẻ này còn ít, dân đại gia chơi chim gấp mấy chục mấy trăm lần về tiền cũng như cách thức. Họ lùng sục, tìm kiếm, ngã giá đến mức khó tin để có con chim vừa ý về tiếng hót hay hình dạng, hoặc sự hiếm hoi. Khi ấy, chim trở thành biểu tượng của năng lực chiếm hữu, đẳng cấp của chủ nhân tương tự như có điện thoại hay xe cộ đẹp, lạ và đắt tiền. Cái đẹp không còn đúng ý nghĩa của chúng, giá trị lệch.
Suy diễn thêm, ham thích ẩm thực động vật hoang dã với các cung cách chế biến, hưởng thụ kỳ lạ cũng có nét tương đồng với chuyện chơi chim ở trên về khía cạnh tâm lý. Không thuần là các món ấy ngon, bổ dưỡng, mà còn - hay chủ yếu - do chúng “độc”, lạ, đắt, khẳng định đẳng cấp của người dùng. Chính từ khía cạnh tâm lý ấy, mà quê tôi, một vùng quê tận cùng miền Tây vốn dập dìu cánh cò cánh vạc trên đồng mênh mang, giờ vắng bặt. Trước hấp lực của đồng tiền, người ta săn bắt bằng mọi cách cho tiệt chim chóc, phần để ăn nhậu, phần để nhốt vào lồng nhìn nghe cho... vui! Người nông dân ít đất không nghề, săn bắt chim chóc, mua bán chúng để kiếm chút cơm, họ chẳng thấy hứng thú gì. Còn dân chơi lắm tiền thì khác, họ vui thú lắm khi tậu được một tiếng kêu “sống”, một đĩa chim thú tươi ngon. Có lần tôi dừng lại bên mấy chiếc lồng chim to đùng của dân quê bán chim đang đụt nắng dưới chân cầu vượt, tiếng kêu của hàng trăm con chim bị nhốt điếc cả tai. Ngồi đấy mà nghe mới thấy thảm thiết, lý thú gì. Tôi “phỏng vấn” hai anh nông dân đang lau mồ hôi, chủ “hàng”: Nghe chim kêu có hay không? Hai anh bực dọc: Vui gì cha nội ơi, mệt muốn chết, nghe kêu muốn bể đầu. Vậy đó.
Đạo Phật nhấn mạnh cấm sát sanh và khuyên nên mua thả phóng sinh chim thú thay vì ăn tươi nuốt sống hay nhốt để… nghe kêu. Còn nhà nước, và cả thế giới, đã đang và sẽ tiếp tục kêu gọi khẩn thiết bảo vệ động vật hoang dã nhưng khó quá…
Thực ra thì việc khát thèm tiếng chim kêu thánh thót, nhìn những bước nhảy tung tăng vui vẻ của chúng, thấy sự sinh động của tự nhiên là bản chất của con người nói chung, là tự nhiên. Thơ nhạc hội họa một phần cũng từ đấy mà ra, cái đẹp nằm ở đấy. Tôi có lần ra đồng, vô tình chứng kiến mẹ con bầy le le đủng đỉnh băng ngang con mương nhỏ. Tôi đứng nhìn mải mê, thấy tự nhiên tuyệt quá. Rồi có lần nghe bầy chim sâu ríu rít trong bụi mắm gần nhà, bao nhiêu là chim, tung tẩy trong ấy, như lồng chim tự nhiên. Đi học về là ra đấy “rình” nghe chúng hót… Tôi thấy ở chúng sự thảnh thơi, hoang dại, lòng buông xả hết sự đời… Tôi cũng yêu tiếng chim hót, song chẳng bao giờ tốn tiền “mua” tiếng hót ấy bao giờ. Nhưng chưa chắc rằng tôi có ít hơn cái hay cái đẹp từ tiếng chim hót líu lo, so với những người “mua” chúng.
Nhưng cái hay cái đẹp không thể bị nhốt, bị trói như chuyện chơi chim. Tiếng kêu từ trong lồng kia không phải là tiếng hót, mà là kêu cứu. Nó khác xa, trái hẳn với thanh âm thánh thót từ trời cao, hay trên cành. Người ta bỏ rất nhiều tiền song chưa hẳn mua được cái hay cái đẹp, mà chỉ có thể thỏa mãn lòng mình - tâm lý khẳng định cái tôi - theo cách riêng nào đấy. Tôi nghĩ vậy. Có tiền, nhiều tiền, chưa chắc làm được tất cả, có khi còn ngược lại không chừng…