Thời điểm này, Phật giáo cả nước đang trong thời đầu của ba tháng An cư kiết hạ - thời gian chư Tăng Ni - người xuất gia đệ tử Phật tập trung tu học, tránh tối đa công việc xã hội, cả Phật sự của Giáo hội, để chăm sóc và nuôi lớn đạo lực qua việc học tập Phật pháp, tụng kinh bái sám, nỗ lực hành trì thiền định…
Nói một cách khác, đây là giai đoạn cao điểm trong năm mỗi Tăng Ni tập trung trau dồi Giới - Định - Tuệ, với mong muốn tiến bộ trên con đường tu tập, trên lộ trình tâm linh hướng đến mục tiêu giải thoát và tỉnh thức hoàn toàn.
|
Là Tăng/ Ni, chắc chắn phải nỗ lực để có một học lực tương đối, bắt buộc phải có sự thâm nhập Phật pháp và nhận thức xã hội, khoa học khả dĩ. Ảnh minh họa.
|
Phải xác định rằng, mục tiêu thực sự của người xuất gia là đạt đến sự giải thoát và giác ngộ, trở thành một người tỉnh thức trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Tuy nhiên, trong mối tương quan của một đời sống theo tinh thần duyên sinh của xã hội hiện tại, mỗi Tăng Ni còn có trách nhiệm gắn bó mật thiết với tổ chức Giáo hội, trách nhiệm với quê hương xứ sở, với quần chúng Phật tử...
Vô hình trung, Tăng Ni là biểu tượng sinh động nhất của Phật giáo, đó là quan niệm dường như mặc định trong xã hội. Tăng/ Ni cũng là biểu tượng của đạo đức, đặc biệt hơn là đạo đức giải thoát và tỉnh thức. Do vậy, mỗi hành vi của Tăng/ Ni đều được dư luận quan tâm, mỗi tác phong của Tăng/ Ni luôn được số đông để ý và nhận xét, đánh giá, bình phẩm. Và theo lẽ thường, dư luận bao giờ cũng có sự khắt khe đối với những hành vi/ tác phong không phù hợp của Tăng/ Ni trong đời sống xã hội là điều dễ hiểu.
Chúng ta dễ dàng thấy gần đây trên các phương tiện truyền thông trong nước cũng như quốc tế có sự quan tâm đặc biệt đến một số vụ việc liên quan đến người tu sĩ Phật giáo, tất nhiên ở phương diện tiêu cực. Những thông tin kiểu như vậy được xem là “nóng”, “hot”… có số lượng người theo dõi rất đông. Và theo đó, đôi khi chỉ vài vụ việc cá biệt nhưng có sự ảnh hưởng rất xấu tới hình ảnh của đạo Phật, hình ảnh của người tu sĩ Phật giáo trong xã hội. Những ảnh hưởng xấu ấy, theo người viết, tác hại là không hề nhỏ.
Trách nhiệm phản ứng và điều chỉnh thông tin là ở các ban ngành của Giáo hội, cụ thể là ở người phát ngôn mà Giáo hội đã ban hành quy chế hoạt động. Tuy nhiên, thiết nghĩ thực tế nhất là mỗi Tăng/ Ni cần phải ý thức trách nhiệm của mình trước lý tưởng mà mình đã phát nguyện dấn thân thực hành, tu tập và phụng sự. Nếu chưa có thể góp phần truyền bá Phật pháp thì hãy thận trọng đừng làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh đạo Phật chỉ vì những nhu cầu tầm thường, hoặc sự vô ý thức, dễ dãi của cá nhân.
Là Tăng/ Ni, chắc chắn phải nỗ lực để có một học lực tương đối, bắt buộc phải có sự thâm nhập Phật pháp và nhận thức xã hội, khoa học khả dĩ.
Song song đó, mỗi Tăng/ Ni không thể không có tư cách, oai nghi xứng đáng với người xuất gia, có nếp sống phù hợp với tinh thần giới luật Phật chế và truyền thống Phật giáo Việt Nam.
Trên tất cả là chí nguyện, tinh thần vô úy, ý thức trách nhiệm với đạo và xã hội, đất nước, với truyền thống Phật giáo dân tộc đã hình thành hai ngàn năm qua.
Đó là những điều căn bản làm nên nhân cách tương đối của Tăng/ Ni mà cuộc đời cần, và đồng thời là điều kiện để người tu sĩ Phật giáo tiến bộ trên lộ trình tâm linh, đạt đến sự giải thoát và tỉnh thức như hoài bão đã phát nguyện.