Obon là một lễ hội truyền thống ở Nhật Bản. Chữ Obon là hình thức viết giản lược của Urabon. Urabon được dịch từ Ullambana (Vu-lan-bồn) trong tiếng Sanskrit, có nghĩa đen là “treo ngược”. Từ này có ý đề cập đến những nỗi khổ đau khó lòng chịu đựng được mà con người phải chịu đựng, dù là về tinh thần hay thể xác.
|
Thả hoa đăng trong dịp lễ hội Obon. |
Nguồn gốc của lễ hội Obon là xuất phát từ lễ hội Vu lan bồn của Phật giáo ở Trung Quốc, và được truyền sang Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ VII. Vì những lý do tôn giáo, người ta tin rằng, linh hồn của người quá cố sẽ về thăm nhà trong suốt thời gian diễn ra lễ hội Obon.
Nghi thức cử hành lễ Obon được thực hiện theo lời Đức Phật Thích Ca đã dạy trong kinh Vu-lan-bồn. Nội dung kinh Vu-lan-bồn đầu tiên là được lưu truyền ở Ấn Độ, sau đó truyền sang Trung Hoa, rồi từ Trung Hoa truyền sang Nhật Bản. Trong kinh Vu-lan-bồn diễn tả sự tích ngài Mục Kiền Liên, một vị Đại đệ tử thần thông đệ nhất của Đức Phật, cứu mẹ mình thoát khỏi cảnh khổ của kiếp ngạ quỷ đói khát nhờ vào pháp Vu-lan-bồn.
Ý nghĩa khởi thủy của lễ hội Vu-lan-bồn là để bày tỏ lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, để báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục cao dày của cha mẹ và tổ tiên. Khi truyền sang Nhật Bản, bên cạnh ý nghĩa chính đó, lễ hội Obon còn là một thời điểm để mừng sự đoàn tụ của gia đình, là dịp để thắt chặt tình thân giữa những người thân trong gia đình với nhau. Bên cạnh đó, lễ hội Obon còn là dịp để bày tỏ lòng kính trọng đối với ông bà, tổ tiên đã quá cố, thăm viếng mộ phần của tổ tiên, ông bà và cũng để mọi người tặng quà đến người thân, bạn bè và cả những ân nhân, những người cấp trên.
Lễ hội Obon ở Nhật Bản thường được tổ chức kéo dài trong ba ngày, có khi kéo dài cả tuần lễ, nên được gọi là Tuần lễ Obon. Ngày đầu tiên là ngày đón mừng lễ hội, còn ngày cuối cùng được xem là ngày tạm biệt lễ hội.
|
Mọi người quây quần trong vũ điệu Bon Odori. |
Vào dịp lễ hội Obon, mọi người dù có đi đâu cũng đều trở về quê hương của mình, đoàn tụ với người thân trong gia đình để cùng bày tỏ lòng thành kính tri ân, lòng hiếu thảo đến tổ tiên, ông bà. Cũng trong những ngày này, người Nhật dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, dâng cúng hoa quả, phẩm vật lên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên ở trong nhà.
Trong ngày đầu tiên của lễ hội Obon, người ta treo và thắp sáng các lồng đèn ở phía trước căn nhà, đi thăm viếng lăng mộ của người thân đã quá cố và quét dọn vệ sinh, tu sửa lăng mộ và mời linh hồn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã quá vãng về đoàn tụ với con cháu. Ở một số vùng, lồng đèn không những được treo ở trong nhà mà còn được treo dọc theo các con đường dẫn vào nhà để hướng dẫn linh hồn người quá vãng.
Vào ngày cuối cùng của lễ hội Obon, người ta đem lồng đèn đến thả ở các sông, hồ, các bờ biển, xem như là để tiễn đưa linh hồn của người quá cố về với thế giới của họ. Thông thường, trong đêm thả lồng đèn, người ta còn đốt pháo hoa.
Cũng trong dịp này, tín đồ Phật tử thường dâng cúng phẩm vật lên chư Tăng để nhờ chư Tăng cầu nguyện và hồi hướng phước đức cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã quá vãng, cầu nguyện cho họ được thoát khỏi chốn khổ đau, thoát khỏi cái khổ bị treo ngược, thác sinh về những cảnh giới an lành.
Mặc dù lễ hội Obon là để bày tỏ lòng tôn kính với người đã khuất, nhưng cũng là một dịp lễ vui nhộn trong không khí đoàn tụ của gia đình. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, người ta thường tổ chức nhiều hội chợ, nơi có nhiều trò chơi để công chúng tham gia vui chơi giải trí.
Thường thấy nhất là cảnh mọi người quy tụ lại ở những nơi có tổ chức chương trình ca múa theo những vũ điệu dân gian Bon Odori. Người dân mặc trang phục yukata (kimono mùa hè) và nhảy múa xung quanh sân khấu ngoài trời. Bất cứ ai cũng có thể tham gia Bon Odori.
Ngày nay, lễ hội Obon không chỉ được tổ chức ở trên đất nước Nhật Bản mà còn được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, ở đâu có cộng đồng người Nhật sinh sống thì ở đó người ta tổ chức lễ hội này.