Tại sao già khổ? Vì già không biết làm gì cứ đi tới đi lui, nhớ con, nhớ cháu, buồn ủ rũ, hết trách người này tới trách người kia, thành ra thấy tuổi già lê thê, đen tối. Nên già là khổ.
Già không khổ, phải làm sao?
Người già nên biết dùng tuổi già trong công việc. Những vị không có trách nhiệm cứ ở tại nhà, tìm những gì hay, những gì đẹp dạy con, dạy cháu. Đem bài kinh hay, đoạn sách tốt để dạy con cháu, đó là vui rồi, đâu phải làm việc gì nhiều. Cũng như chúng tôi, một ngày sống là một ngày phải làm được cái gì cho mình cho người.
|
Hình minh họa. |
Lợi ích được cho mình cho người thì vui chớ đâu có khổ. Như vậy nói già khổ hay vui? Già thế nào cũng có kinh nghiệm nhiều hơn người trẻ, tại sao chúng ta không đem những kinh nghiệm ấy dạy lại cho người sau. Vì vậy tuổi già không phải là thừa, không phải là bỏ. Mỗi ngày chúng ta sống đều có giá trị thì cuộc đời già là vui, chớ không phải khổ.
Nhìn thấu cái đau
Điều này đa số chấp nhận. Có người nào đau mà không rên đâu? Rên tức là khổ chớ gì! Nhiều người than “sao tôi bệnh hoạn lê thê, kéo dài năm này qua năm nọ, chán quá!” nên vị đó thấy bệnh là khổ.
Nhưng với con mắt nhà Phật, bệnh cũng không khổ. Vì sao không khổ? Vì Phật dạy thân này do nhân duyên hợp, trong đó có đất, nước, gió, lửa. Kinh Niết Bàn nói tứ đại là bốn con rắn, con rắn nước, con rắn lửa, con rắn đất, con rắn gió.
Tôi xin nói cụ thể hơn, con rắn nước là rắn hổ ở dưới nước, con rắn lửa là rắn hổ lửa, con rắn đất là rắn hổ đất, con rắn gió là rắn hổ mây. Bốn con rắn hổ này nhốt trong một cái giỏ thì chúng phải cắn nhau, chống chọi nhau thôi. Người nuôi rắn thấy bốn con cứ chống nhau, làm cho con này con nọ cứ bất an hoài, thì phải can thiệp cho chúng hòa với nhau mới yên được.
Chúng ta mang thân đất - nước – gió - lửa, bốn chất đó có hòa hợp với nhau không? Ít hôm thì lửa thắng nước, lúc đó nóng quá phải kiếm cái gì uống cho mát, đó là điều hòa rắn hổ lửa. Ít hôm nước thắng lửa thì bị lạnh run rẩy, phải kiếm cái gì uống cho ấm, đó là điều hòa con rắn nước.
Ít hôm nữa lại thấy rắn đất bị hổ mây cắn, lúc đó chúng ta kêu trúng gió, phải đánh gió hay tìm cách này cách kia làm cho gió ra thì thân mới nhẹ, nên nói: “Gió thổi mạnh thì đất rung rinh”. Chúng luôn luôn chống chọi nhau, chúng ta phải điều hòa chúng, như vậy nhàn hạ hay khổ?
Ai cũng có bệnh, nếu không bệnh nặng thì cũng bệnh nhẹ, không bệnh nhiều cũng bệnh ít, chứ không ai hoàn toàn không bệnh. Vì bệnh là khổ chung của tất cả mọi loài! Nhiều vị bệnh lăn lộn rên, rên là khổ.
Nhưng giờ đây biết tu, khi bệnh chúng ta phải làm sao? Chúng ta nhìn bốn con rắn này, xem đứa nào thắng, đứa nào bại. Biết rõ bốn con rắn độc đang chống chọi với nhau, chúng ta không chấp thân này là thật. Tứ đại tụ họp nên có thân, nhưng vì tụ họp trong sự chống chọi nên thân này khổ.
Chúng ta biết rõ nó không chắc, không bền, không có gì quan trọng nên bớt khổ. Thường bệnh đau, chúng ta thấy khổ vì thấy thân là hơn hết, vì sợ chết. Nếu biết rõ nó là tướng duyên hợp thì hợp cũng tốt, mà tan cũng vui. Nếu nó còn thì chúng ta dùng vào việc hữu ích, nó mất thì chúng ta ra đi một cách thảnh thơi, có gì đâu mà sợ. Nếu không sợ chết thì đau mặc đau, nó đâu có thiệt.
Ngày xưa có một vị Thiền sư bị bệnh, thầy Tri sự lên thưa: “Bạch Hòa thượng, Hòa thượng bệnh có cái không bệnh chăng ?” Ngài đáp: “Ôi da, ôi da !” Cái biết rên đó nó không có hình tướng nên không bị bệnh, còn bệnh là thân này bệnh. Như vậy chúng ta biết ngay nơi thân này là duyên hợp tạm bợ, có hợp thì phải có tan, không có gì quan trọng, không quan trọng thì bớt khổ.
Đồng thời chúng ta cũng biết ngay trong thân này có cái chân thật, không hình tướng, nó chính là chủ trì của thân. Biết rõ cái đó thì thân có đau, có nhức là chuyện của thân, nhìn được cái đau tức là chúng ta không đau.
“Tử như cởi áo hạ”
Ai cũng thấy người sắp chết thở hổn hển, trăn trở bứt rứt hết sức khổ nhọc, nên nói chết là khổ.
Người nếu khéo tu, nhất là tu thiền sẽ thấy khác. Khi ngồi thiền từ một giờ, lần lần tới một giờ rưỡi, hai giờ, càng tiến lên chân đau vô kể nhưng ráng chịu đựng, thắng được nó rồi thì sẽ qua luôn, không còn đau nữa. Thắng được là có gan dạ, vì có gan dạ nên mới thắng được.
Khi chúng ta chết, thân tứ đại rã rời tan nát, làm sao không đau đớn. Trong khi đau đớn chúng ta nhìn nó biết nó là bại hoại, còn cái “biết” bại hoại đó không bại hoại, không đau đớn. Biết rõ như vậy thì chết không phải khổ nữa.
Cho nên ngày xưa Thiền sư Từ Minh ở Trung Hoa có nói câu kệ: Sinh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ. Mùa đông lạnh lẽo được đắp chăn ấm là vui. Mùa hè nóng bức, mồ hôi tươm ướt áo, được cởi áo đi chơi là khỏe. Với người biết tu thì sinh tử như trò chơi, không có gì quan trọng nên không có gì khổ hết.
Chỉ người không biết tu, sống lo bảo vệ, săn sóc, cung dưỡng thân này, nên khi thân này bại hoại, chới với không biết nương tựa vào đâu, vì vậy mà khổ. Khổ hay vui là tại người biết tu hay không biết tu mà thôi. Thân này tuy có hợp có tan nhưng ông chủ không mất thì còn gì khổ. Vì vậy, chết cũng không phải là khổ.
Ái biệt ly khổ
Tức là người mình thương yêu mà phải xa lìa nên khổ. Nếu chúng ta biết thương yêu là gốc của đau khổ nên bớt thương yêu đi thì bớt khổ.
Nói hết thương yêu, người ta lầm tưởng đạo Phật khô khan quá, không biết thương ai hết. Tôi thường thí dụ, như một dòng suối nhỏ, nước từ đầu nguồn tuôn chảy rất mạnh, vì dòng suối nhỏ mà nước nhiều nên nó chảy xiết. Còn biển cả mênh mông, thấy như không chảy mà thật ra nó chảy ngầm. Nếu không thì làm sao có nước ròng, nước lớn.
Cũng vậy, thế gian cột trói mình trong tình thân thuộc, tình bè bạn, nên khi xa cách phải đau khổ; còn người tu thì mở rộng lòng thương hết chúng sinh, nên ai chúng ta cũng thương. Vì thương tất cả nên như biển, không chảy xiết nên không khổ.
Tình thương có cột trói là khổ, còn lòng từ thương hết mọi người thì không khổ. Người này đi vắng thì còn bao nhiêu người khác chúng ta phải lo cho, có rảnh đâu nhớ thương một người.
Như vậy tâm từ bi là tâm tràn trề lai láng, không có hạn cuộc. Còn ái kiến là cột trói, mà cột trói riêng biệt thì khổ, vì vậy nên nói ái biệt ly khổ. Nếu chúng ta dứt được lòng ái thì tự nhiên khổ theo đó dứt hết, sẽ được vui ngay..
Mời quý độc giả xem video về thiền sư Thích Nhất Hạnh (nguồn BBC):