Viết báo Phật giáo để… trẻ lâu
Vào năm 2005 khi đến dự khánh thành trụ sở tòa soạn Báo Giác Ngộ, lần đầu tiên tôi gặp chị Xuân Loan cũng là cộng tác viên từ Hà Nội vào. Lúc đó tôi đoán chị chưa đến 30 tuổi, vì nhìn gương mặt rất trẻ. Thế rồi trò chuyện, tôi ngỡ ngàng khi biết chị đã ngoài 50 và đã có cháu ngoại.
|
Báo chí luôn được ưu tiên tác nghiệp trong các sự kiện Phật giáo quốc tế
(trong ảnh là tại Đại lễ Vesak LHQ 2013 ở Thái Lan) - Ảnh: H.Độ.
|
Thời gian gần đây, tôi cũng thường xuyên nhận được lời khen từ những người xung quanh rằng quá trẻ so với tuổi. Quả vậy, nhiều người lần đầu làm quen thường xưng “anh” với tôi, nhưng đến khi so năm sinh thì họ ngượng nghịu vì tôi hơn họ cả chục tuổi.
Gặp những nhà báo là Phật tử, những cây cây bút chuyên viết về Phật giáo cũng chợt nhận ra một điều, hầu như gương mặt của ai cũng trẻ hơn tuổi của họ. Không ít người đã bước sang tứ tuần, nhưng nhìn bề ngoài chỉ giống như những thanh niên chưa lập gia đình. Chẳng như Phật tử Phạm Lan Anh (pháp danh Diệu Hoa) công tác ở Tạp chí Đẹp, Phật tử Trần Kim Hậu công tác ở Cục Báo chí, phóng viên Nguyễn Phương ở truyền hình An Viên, cây bút Âu Thiên Sơn, Phật tử Diệu Thái…
Thường xuyên gặp Trần Kim Hậu (pháp danh Diệu Phúc), tôi cứ tưởng Hậu mới chỉ 25 tuổi, nhưng gần đây mới biết tuổi thực đã 40. Hỏi về bí quyết để trẻ, Hậu chia sẻ: “Có lẽ là do từ khi trở thành Phật tử, mình ăn chay thường xuyên. Ăn chay giúp cho tâm hồn được thanh tịnh, thân thể được nhẹ nhàng, nhờ đó mà cuộc sống tốt đẹp hơn, yêu đời, sống khỏe mạnh và trẻ lâu hơn”.
Nghề báo vốn rất bận bịu, nhưng từ khi viết báo về đạo Phật, chúng tôi không còn thấy nghề báo vất vả, mà trái lại lúc nào cũng thấy vui trong công việc, luôn thong dong khi tác nghiệp. Mỗi lần đến các ngôi cổ tự để tìm kiếm tư liệu thông tin, viết bài đều coi như là một cơ hội được đi… du lịch. Mỗi sự kiện để tác nghiệp luôn là một sự trải nghiệm và viết bài cũng là để thư giãn tâm hồn. Dường như không bao giờ tôi còn thấy mệt mỏi khi làm việc, cuộc sống và công việc lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, có lẽ vì vậy mà những nếp nhăn khó có cơ hội hằn lên gương mặt.
Phật tử Diệu Thái, thường phản ánh tin tức Phật sự ở phía Bắc với bút hiệu Cẩm Vân tâm sự: Đến với nghiệp này không đơn giản chỉ vì yêu nghề mà có lẽ còn do lòng tín kính Tam bảo, nhân duyên từ kiếp trước…
Xuân Hùng, phóng viên Báo Lao Động cho hay: “Từ khi biết đến đạo Phật mình “hiền” đi nhiều. Trước đây viết bài toàn theo kiểu “đánh đấm”, cứ thấy doanh nghiệp nào có sai phạm là nhảy vào viết “móc máy” đủ điều. Giờ mình viết bình tâm hơn, đứng trước mỗi vấn đề phải suy xét rất kỹ rồi mới quyết định nên viết theo hướng nào. Điềm tĩnh giúp kiểm soát bản thân tốt hơn, là điều kiện để phát huy sức mạnh to lớn của lý trí trong cuộc sống”.
Nhà báo Phật giáo phải hiền?
Thạc sĩ Lê Thị Hồng Hạnh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), trong luận án “Báo chí Phật giáo tại Việt Nam: Thực trạng và vấn đề” do chị thực hiện, nêu lên nhận xét rằng: “Điểm nổi bật của báo chí Phật giáo hiện nay là làm rõ các vấn đề tín ngưỡng trong đời sống xã hội, tạo điều kiện cho những người đang trăn trở với đức tin, với duyên Phật có cái nhìn đúng đắn, khách quan hơn về tôn giáo. Dòng báo chí này cũng phát huy ý thức, truyền thống dân tộc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và sự đoàn kết giữa các tôn giáo. Bên cạnh đó, đóng góp một phần không nhỏ trong việc cổ xúy, định hướng cho việc xây dựng nền kinh tế quốc gia vững mạnh nhưng không xa rời truyền thống, đạo đức dân tộc”.
Tuy nhiên theo tác giả Lê Thị Hồng Hạnh, nhược điểm lớn nhất của báo chí Phật giáo Việt Nam là: hình thức trình bày còn sơ sài, so với các lĩnh vực khác, các vấn đề thời sự đưa lên còn nghèo nàn, ít thông tin… nên chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Đội ngũ phóng viên viết về Phật giáo cũng chưa thật “chuyên nghiệp” và hay né tránh những sự kiện thời sự của tôn giáo có liên quan đến ý thức hệ, quan điểm tư tưởng, chính trị… Đa số người viết là nhà nghiên cứu các bài viết có giá trị khoa học về lĩnh vực này, nhưng khi đề cập đến những mặt trái, góc khuất, bất cập của đời sống Phật giáo thì lại dè dặt hoặc lảng tránh.
Làm nghề báo thường không tránh khỏi sự "đụng chạm" đến những vấn đề nhạy cảm, viết về đề tài Phật giáo cũng không ngoại lệ. Trong giới báo chí Phật giáo, có lẽ Giác Ngộ là tờ báo duy nhất dám nêu lên những yếu kém, mặt trái trong đời sống Phật giáo, những thói xấu của người dân khi đến chốn già lam cổ tự. Tôi cũng may mắn được tòa soạn sử dụng một số bài theo hướng phản biện như vậy. Nếu như viết ngợi ca nét đẹp văn hóa luôn nhận được sự cổ vũ, thì những bài viết theo hướng trái chiều đôi khi vấp phải phản ứng không hài lòng từ phía chư Tăng, Phật tử.
Đơn cử như mới đây khi viết về những bất cập trong lễ hội, một Thượng tọa gọi điện thoại trách móc: “Sao anh cứ kể xấu về chùa tôi trụ trì thế?”. Tôi phân trần: “Bạch Thầy, hàng trăm tờ báo đã nêu lên những bất cập đó, chứ có phải chỉ mình con viết đâu ạ”. “Nhưng các báo ngoài Phật giáo phê phán thì được. Anh viết đăng trên Giác Ngộ mà phê phán “người trong nhà” thì không nên” - vị Thượng tọa kia nói.
Một số người có quan niệm là Phật tử thì phải nhẫn nhịn, chỉ nên viết mặt tốt, đừng nói lời chê ai. Viết về những nét đẹp văn hóa của Phật giáo chính là một phương thức góp phần hoằng pháp. Còn những vấn đề nhạy cảm trong Phật giáo thì phải tránh xa, đừng viết kẻo sẽ thành ra “vạch áo cho người xem lưng”.
Tôi cũng nhiều lần tự trăn trở với câu hỏi, viết về Phật giáo có nên cứ phải hiền, không được viết những vấn đề trái chiều?
Một đồng nghiệp “ngoại đạo” chia sẻ cùng tôi: Trong thế giới Phật giáo cũng không thiếu gì những mặt thiếu sót, thế nhưng báo chí Phật giáo, các websites của Phật giáo thường rất ít nêu lên, trong khi các báo chí ngoài Phật giáo thì cứ thấy có vấn đề gì nổi cộm là đưa lên tuốt. Chẳng hạn, những bất cập trong việc trùng tu di tích, những hình ảnh phản cảm ở các lễ hội Phật giáo, vấn đề dâng sao giải hạn xâm lấn vào chốn thiền môn…
Tuy nhiên, các nhà báo “ngoại đạo” xông xáo “vào cuộc” thì phần lớn thiếu kiến thức chuyên môn về tôn giáo nên nhiều bài viết không khách quan, có phần phiến diện, thiếu chiều sâu. Trong tình huống như vậy, báo chí Phật giáo, các nhà báo am hiểu về đạo Phật không nên đứng ngoài cuộc, mà cần phải thẳng thắn viết các vấn đề nhạy cảm đó dưới góc nhìn và kiến thức Phật giáo để đem đến cho độc giả cái nhìn khách quan, đúng đắn, định hướng được dư luận.
Mặt khác, nếu báo chí Phật giáo chỉ đưa thông tin một chiều về những điều hay trong thế giới Phật giáo, né tránh những mặt trái, sẽ khiến độc giả dần mất niềm tin vào sự khách quan của dòng báo chí này.