Hãy đọc câu chuyện này:
"Mao Nghĩa người Lô Giang và Trịnh Quân người Bình Đông đều là những bậc quân tử trung hậu chính trực, quang minh chính đại, được coi là tấm gương sáng tại địa phương.
Chuyện kể rằng, Trương Bổng người Nam Dương rất ngưỡng mộ danh tiếng của Mao Nghĩa. Vì để gặp được Mao Nghĩa, Trương Bổng bèn rời khỏi quê nhà, không quản đường xá xa xôi ngàn dặm gấp rút tới Lô Giang bái kiến.
Khi Trương Bổng vừa tới nơi, đúng lúc ấy trong phủ truyền công văn tới, mời Mao Nghĩa tới An Dương làm huyện lệnh. Mao Nghĩa đọc xong thư nhậm chức lộ rõ vẻ vui mừng. Điều này khiến Trương Bổng như bị giáng một đòn nặng. Chẳng phải Mao Nghĩa ưa thích chốn quan trường, cầu công danh lợi lộc hay sao! Một bậc quân tử danh tiếng lẫy lừng xưa nay thực ra lại dung tục như vậy, thế nên Trương Bổng lập tức cáo từ, không còn thiết tha gặp lại Mao Nghĩa nữa.
Vài năm sau, khi mẫu thân vừa qua đời, Mao Nghĩa xin triều đình cho phép được từ chức. Mặc dù hoàng đế hết lần này tới lần khác níu giữ, thậm chí còn thăng chức cho ông làm Thái Thú, nhưng ông kiên quyết cáo quan về nhà.
Khi Trương Bổng biết chuyện, trong lòng ông vô cùng cảm khái: “Tấm lòng của bậc hiền nhân quân tử thì kẻ phàm phu tục tử không thể đo lường được. Năm đó Mao Nghĩa vui mừng như vậy, ta lại cho rằng ông ấy thích làm quan, đâu biết được rằng ông làm quan là để phụng dưỡng mẹ già!”
Lại nói về Trịnh Quân người ở Bình Đông. Lúc ấy, khi anh trai của Trịnh Quân đang làm sai nha trong huyện, y thường nhận quà biếu (hối lộ) của người khác để giúp mở cửa sau, đi đường tắt cho người ta. Việc làm này trái với đạo lý và dĩ nhiên là đều không hợp pháp.
Trịnh Quân thấy vậy, đã nhiều lần khuyên can nhưng anh trai ông chỉ coi lời nói như gió thoảng qua tai. Ông rất đau lòng, làm thế nào đây? Nghĩ tới nghĩ lui, ông quyết tâm bỏ nhà đi làm thuê làm mướn cho người ta, cuối năm được bao nhiên tiền công ông đều mang về đưa hết cho anh trai, thành khẩn nói với anh trai rằng: “Tiền dùng hết thì còn kiếm ra được, nếu tham ô hối lộ mà bị bắt vào nhà lao thì cả nhà đều mất. Tiền làm sai nha thì huynh dùng, đệ làm mướn để bù thêm cho huynh”.
Anh trai của Trịnh Quân nghe vậy vô cùng xúc động, từ đó trở nên công chính liêm minh, không chiếm một chút lợi lộc gì của người khác nữa. Trịnh Quân từng làm đến chức Thượng thư, sau này ông đã chủ động từ chức về quê, cùng anh trai sống những tháng ngày đơn sơ, đạm bạc và cần cù.
Hoàng đế Đông Hán là Hán Chương Đế vô cùng tôn trọng nhân cách của cả Trịnh Quân và Mao Nghĩa nên đã hạ chiếu ban thưởng, mỗi người được ban cho 10 nghìn đấu ngô, mùa thu hàng năm còn sai sứ giả tới thăm hỏi vấn an.
Trương Bổng do đó lại càng thêm tôn kính Mao Nghĩa, ông vẫn thường thở dài tự nói với mình rằng: “Thật là hổ thẹn! Hiểu lầm một người rất dễ, thấu hiểu một người mới thật gian nan”.
|
Cố nhân ngộ nhận: Hiểu lầm một người rất dễ, thấu hiểu một người mới thật gian nan”. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Trong cuộc sống, cõ lẽ hiểu lầm một ai đó chỉ là chuyện của giây của phút, nhưng thấu hiểu họ thì lại là chuyện của cả kiếp cả đời.
Bạn nói một người sao sầu não, tiêu cực, yếu đuối nhưng bạn lại không biết họ đang trải qua những gì.
Bạn nói một người phải nghĩ thoáng, đừng buồn nữa, phải buông bỏ, sao ngu ngốc khờ dại, nhưng bạn lại không biết họ đang cảm nhận thế nào.
Cảm giác và suy nghĩ khi đứng trong một nỗi đau, nỗi buồn, sẽ hoàn toàn khác. Cảm giác đánh mất đi một điều gì đó rất quan trọng, điều mà mình đã đặt rất nhiều yêu thương, hi vọng, điều mà mình nuôi dưỡng, không dễ nguôi ngoai.
Mỗi người trong cuộc đời đều sẽ có những ngày, có những giai đoạn như thế. Như một kẻ nhỏ bé, yếu ớt, luôn hoang mang không ổn định và cần chỗ dựa.
Cuộc sống của người khác phát sinh việc gì, họ đang trải qua khó khăn và trắc trở gì, đứng tại lập trường của mình, chúng ta cũng không biết được, những điều chúng ta nhìn thấy chỉ là bề ngoài mà thôi…
Chúng ta có từng trải qua khổ đau mới hiểu được nỗi đau của người khác. Chúng ta có trải qua con đường đời gập ghềnh nhấp nhô như thế nào mới hiểu được người khác cũng trải qua như vậy.