Theo đó, những ai muốn làm đệ tử của Phật thì cần phải giữ cho được năm giới cấm này, điều này khiến đời sống họ được an lành hạnh phúc.
Theo giáo lý nhà Phật, khi quy y Tam bảo, người phật tử phải hành trì ngũ giới trong đời sống hàng ngày. Việc thực hiện ngũ giới sẽ mang lại cho bản thân nhiều tác dụng, lợi lạc và ngay từ thời đức Phật, Phật đã nhấn mạnh ngũ giới làm giới đức căn bản cho các đệ tử tại gia khi bắt đầu bước chân trên con đường học đạo.
Đối với giới không sát sinh quy định, phàm ai là đệ tử của Phật thì không được giết hại mạng sống của đồng loại hay những sinh linh có sự sống. Việc giết hại có ba dạng đó là trực tiếp giết, xúi bảo người giết, tùy hỉ trong việc giết hại. Cả ba dạng trên, người Phật tử không được phạm vào. Ngoài ra giới không sát sinh không chỉ đề cao việc quí trọng mạng sống của con người, mà ngay đối với những con vật cũng cần được quí trọng mạng sống. Chính vì thế người Phật tử cũng cần giảm bớt giết hại sinh mạng của những sinh vật sống xung quanh.
|
Lễ Quy y Tam bảo tại chùa Đình Quán (TP Hà Nội). |
Với giới không trộm cướp, người Phật tử cần hiểu trộm cắp là do lòng tham lam ác độc, chỉ nghĩ lợi cho mình mà quên nổi đau khổ của người khác. Chính vì thế nếu ai giựt lấy hay lén lấy đồ vật của người khác thì là phạm giới.
Riêng giới không tà dâm thì đức Phật quy định, người Phật tử tuyệt đối không phạm đến sự trinh bạch của kẻ khác, chỉ nên sống chung thủy một vợ một chồng.
Trong phạm vi giới này, những vị xuất gia khác với đệ tử tại gia ở chỗ không được có quan hệ tình cảm nam nữ. Vì nó chỉ làm cho thân tâm người tu không còn được thuần khiết trên con đường học đạo.
Kế đến là giới không nói dối. Đó là nói lời trái với sự thật để mưu cầu lợi mình, hoặc hại người, sự kiện xảy ra thế này lại nói thế khác, sửa trái làm phải, đổi trắng thành đen, khiến người khác mắc họa thì những người nói thế này là phạm giới. Trừ trường hợp vì lợi người lợi vật, không nỡ nói thật để người bị hại hoặc khổ đau, do lòng nhân cứu người cứu vật nói sai sự thật thì được xem là không phạm.
Cuối cùng là giới không uống rượu. Một người nếu uống rượu vào sẽ khiến ruột gan nóng bức, tâm trí quay cuồng, mất hết bình tĩnh. Không chỉ thế, khi uống rượu vào chắc chắn không có tội lỗi nào mà họ cũng dám làm, xấu xa gì cũng không sợ, mất hết lương tri.
Bên cạnh đó, người uống rượu nhiều còn gây nên bệnh tật cho thân thể, di hại cho con cái sau này. Với những tác hại như vậy thì người phật tử sao lại uống rượu.
Có trường hợp cho phép đó là khi người phật tử mắc bệnh, bác sĩ cho phép sử dụng để điều trị thì người này được uống thuốc rượu đến khi lành bệnh thì chấm dứt, nhưng cần phải trình cho chư Tăng biết trước khi uống. Ngoài chất rượu nói trên, những chất kích thích khác nếu không cần thiết người phật tử cũng không nên uống.
Tuy nhiên, nếu người phật tử không hành trì ngũ giới thì sẽ gây ra những hậu quả, thậm chí còn bị tổn phước. Theo lời Phật dạy, hậu quả của việc sát sinh bao gồm: Thân thể bị khuyết tật hay bị dị dạng; khuôn mặt xấu xí; người xanh xao yếu ớt; đầu óc trì trệ; dễ bị hoảng sợ khi phải đối diện với hiểm nguy; bị người khác sát hại hoặc chết yểu; chịu nhiều bệnh tật; có ít bạn bè; phải xa cách người mình thương yêu.
Hậu quả của việc trộm cắp bao gồm: Trở nên nghèo khó; chịu nhiều đau khổ cả về tâm và thân; bị đói khát hành hạ; không thực hiện được các ước nguyện; cơ đồ không ổn định và dễ bị đổ bể; tài sản bị 5 kẻ thù phá huỷ, đó là lụt lội, hoả hoạn, trộm cắp, con cái thuộc hạng phá gia chi tử và chính quyền tịch thu.
Hậu quả của việc tà dâm bao gồm: Bị người khác khinh rẻ; có nhiều kẻ thù; không được giầu có thịnh vượng; hạnh phúc bị tan vỡ; bị sinh ra làm người nữ; bị sinh ra là người có giới tính lệch lạc; sinh ra là người trong gia đình hạ liệt; bị ghét bỏ; phải xa cách người mình thương yêu; chịu đau khổ về thể chất.
Hậu quả của việc nói dối bao gồm: Bị nói ngọng; răng không đều; bị hôi miệng; dáng vóc yếu ớt; chức năng mắt và tai kém; bề ngoài trông khiếm khuyết; không có ảnh hưởng đối với người khác; nói năng cộc cằn; khó định tâm.
Hậu quả của việc dùng đồ kích thích bao gồm: Kém thông minh; lười nhác; thiếu khả năng tập trung; là người vô ơn; không có tâm tàm quý (hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi); bị điên loạn; có xu hướng làm điều bất thiện.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU