Hành hương về nơi đức Phật thành đạo

Google News

(Kiến Thức) - Trong sử sách có ghi lại, cách đây hơn 2500 năm Bồ đề Đạo tràng là nơi đức Phật thành đạo sau 49 ngày đêm Thiền định dưới cội Bồ đề. 

Bồ đề Đạo tràng ngày nay có một đại Bảo tháp, được xây dựng khá lâu, bảo tháp đó đánh dấu nơi đức Phật tọa thiền thành đạo. Trong đại Bảo tháp có tượng đức Phật dung mạo tuyệt đẹp đang ngồi tọa thiền. Các phái đoàn các nơi thường cúng dường y nên tượng đức Phật trong đại Bảo tháp này luôn được thay y liên tục.

Hằng năm, cứ bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 là mùa hành hương của Phật tử khắp bốn phương đã đem lại sự sầm uất cho khu vực quanh Di sản văn hóa thế giới này.

 Cây Bồ đề ở Bồ đề Đạo tràng ngày nay

Xung quanh khu vực Bồ đề Đạo tràng là hằng trăm ngôi chùa của các nước có văn hóa Phật giáo như Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Bangladesh, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng, Sri Lanka…cho nên được coi là nơi tập trung nhiều ngôi chùa quốc tế nhất thế giới. Nhưng không vì chuyện thu hút được nhiều khách quốc tế đến như thế mà ngôi làng xung quanh Bồ đề đạo Tràng giàu khá lên.

Nhưng 20 năm trước cảnh vật và cuộc sống thế nào thì 20 năm sau y như thế ấy. Người nghèo vẫn đầy ra, sự ô nhiễm ngày càng trầm trọng, ít được cải thiện và có lẽ người nghèo tập trung tới nơi này mỗi lúc một đông hơn.

Ví dụ như trước chùa Viên Giác cách đây 6 năm không có nhà cửa, giờ người nghèo tới lập trại, lấy bao ni lông quây lại thành nhà chỉ để xin tiền những ai từ chùa đi ra. Từ việc không biết câu Nam mô A Di Đà Phật bằng tiếng Việt, sau vài năm giờ họ đã biết câu niệm danh hiệu đó chỉ để xin tiền. Và trong kinh đức Phật có dạy rằng: “Hễ ai dù chỉ xưng câu Nam mô Phật thì chắc chắn có ngày họ cũng sẽ thành Phật. Vậy mình cũng nên mừng cho họ vậy”.

Thời đức Phật còn tại thế, cảnh vật nơi đây chắc đẹp hơn giờ nhiều, lúc ấy có lẽ thanh bình và nhiều cây cối, khí hậu ôn hòa, trong lành. Trong kinh sách có ghi lại dòng sông Ni Liên nơi đức Phật xuống tắm và quăng bình bát phát nguyện, nước sông tràn đầy và không ô nhiễm.

Qua hơn hai thiên niên kỷ, dòng sông lịch sử ấy vẫn còn nhưng nước thì đã cạn trơ đáy. Không biết vào mùa mưa có được cải thiện hơn không chứ thời gian từ tháng 9 trở đi, nhiều năm tới chỗ này vẫn thấy chỉ có ít nước còn sót lại ở giữa dòng, còn lại là cát.

Người ta nói, những nơi nào đức Phật đi tới thì nơi ấy toàn là nơi nghèo khổ. Có đi thực địa thì mới thấy đức Phật quả giàu lòng từ bi. Ngài không chọn cho mình nơi sung túc để dưỡng thân, Ngài đi tới nơi nào người ta cần phương pháp cứu khổ để giúp họ thoát khỏi căn nhà "ta bà lửa cháy" này.

Đền Mahabodhi là bảo tháp được đặt tại Bồ Đề đạo tràng. Nơi đây được cho là nơi mà Đức Phật đã đắt quả giác ngộ tại một gốc cây bồ đề linh thiêng. Bởi sự linh thiêng tại đây mà vua Asoka đã xây dựng một ngôi đền tại đây vào khoảng thế kỉ thứ 5 - thế kỉ thứ 6.

Xung quanh khu vực Bồ đề Đạo tràng, nhà cửa bây giờ san sát, môi trường vệ sinh ô nhiễm, có lẽ chính quyền địa phương đã không tích cực cải thiện để mang lại một địa chỉ sạch và hấp dẫn cho du khách bốn phương. Và hầu hết các nơi có Thánh tích đều như thế. Thế nhưng, những điều đó không cản được bước chân của người con Phật khắp nơi vân tập để lễ lạy cúng dường.

Tới mùa đông, hình ảnh từng đoàn người con Phật tập trung lễ lạy, dâng hoa, ngồi thiền, tụng kinh, kinh hành rất sống động và thánh thiện. Khiến ai đó, dù không muốn tu, ít tin vào Phật pháp bất giác cũng chấp tay niệm một câu Nam mô Phật, Nam mô Pháp và Nam mô Tăng.

Nếu ai đó muốn tìm hiểu về văn hóa Phật giáo các nước có lẽ đây là nơi thích hợp nhất. Y màu đỏ, lạy Phật nằm dài xuống đất, tiếng tụng kinh ồ ồ là văn hóa Phật giáo Tây Tạng.

Áo màu nâu hay lam, y màu vàng, lạy Phật kiểu gập người xuống là Việt Nam. Phật tử bận áo toàn màu trắng, đội đồ cúng dường trên đầu, có người dùng cây dù để che đồ cúng dường, đi chân đất từ xa vô chùa, đó là Phật tử Sri Lanka.

Hay Y màu xám hay màu nâu, chỉ bận áo kiểu tàu khi ra đường thì đó là chư tăng Hàn Quốc hay Nhật Bản v.v.. nhiều màu nhiều sắc như thế chúng ta không thể tìm thấy ở nơi nào khác trừ nơi này.

Ngày nay, Bồ đề Đạo tràng nơi đức Phật thành đạo đã trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, được tổ chức UNESCO công nhận; và là một trong bốn Tứ Động Tâm hay bốn Thánh tích quan trọng nhất của người Phật tử khắp năm châu.

Tâm Đức Hậu

Bình luận(0)