Đức Phật vì hạnh phúc con người

Google News

Từ khi Đức Phật thị hiên tại Ấn Độ, trong quá trình hoằng hóa độ sinh 80 năm, Ngài đã đem hạnh phúc đến cho dân tộc Ấn.

Đến nay đã hơn 2.600 năm, giáo pháp Đức Phật là hào quang chiếu sáng khắp thế gian để ban rải nguồn hạnh phúc đến cho nhân loại; trong đó, chúng ta - Tăng Ni và Phật tử Việt Nam - đã được ân hưởng niềm hạnh phúc lớn lao từ Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni.
 
Trên trời dưới đất, chỉ có Ta là tột cao hơn hết.
Trong vô lượng kiếp luân hồi cho đến hôm nay, Ta mới được trọn an vui
1. Thông điệp Đức Phật vào đời
Hôm nay nhân mùa Phật đản, chúng ta đón nhận thông điệp của Ngài. Khi ra đời, Đức Phật một tay chỉ trời, một tay chỉ đất. Ngài tuyên bố:
Thiên thượng thiên hạ,
Duy ngã độc tôn,
Vô lượng sanh tử,
Ư kim tận hỷ.
(Trên trời dưới đất, chỉ có Ta là tột cao hơn hết. Trong vô lượng kiếp luân hồi cho đến hôm nay, Ta mới được trọn an vui).
Trong kinh Pháp hoa, Ngài dạy: “Ngài sanh ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Đức Phật ra đời đem niềm hạnh phúc lớn cho nhân loại nói chung và cho đệ tử Đức Phật, người xuất gia cũng như người tại gia nói riêng. Ngài chỉ cho chúng sanh con đường quay về tìm và nhận ra chân tánh - Phật tánh của mỗi người. Khi chúng ta tìm gặp được đó là niềm hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Nếu ngày nào ta chưa tìm ra Phật tánh của mình thì nhất định chúng ta sẽ còn long đong trong biển khổ luân hồi sanh tử.
Thông điệp đầu tiên Đức Phật đã tuyên bố để chúng ta thấy rõ sự có mặt của Ngài trên thế gian này và đặc biệt là mục đích chỉ cho con người quay về nhân ra chân tánh hay Phật tánh của mình.
Ngài còn dạy:“Này chư Tỳ-kheo, hãy luôn luôn du hành vì an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”. Khi chúng ta thọ nhận thông điệp du hành của Đức Phật và luôn thực hành theo lời dạy của Ngài thì dù sinh ra ở bất cứ quốc độ nào nhất định niềm vui hạnh phúc sẽ hiện hữu bên ta.
Trong cuộc sống, nếu ta giữ được trong tâm thông điệp du hành của Đức Phật trong khi đi đứng, ngồi nằm, nói, cười… thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được niềm hạnh phúc an lạc. Khi ta đem an lạc đến cho mọi người từ hành động, lời nói, từ tấm lòng thì ngay lúc đó ta đã có hạnh phúc. Đức Phật đã thành tựu và Ngài ban rải niềm hạnh phúc đến cho thế gian. Thế nên, dù Ngài nhập diệt đã hơn 2.500 năm, chúng ta chỉ cần thọ nhận lời dạy của Đức Phật và hành theo chúng ta sẽ hạnh phúc. Thông điệp này luôn hằng hiện hữu nơi tất cả các Phật tử.
2. Hạnh phúc từ Tam quy và Ngũ giới mà Đức Phật truyền trao
Đức Phật dạy, Ngài có 7 tài sản cao quý truyền trao cho chúng ta: tín, giới, tàm, quý, đa văn, trí huệ, xả ly. Khi chúng ta có nhân duyên lớn và niềm tin sâu sắc đối với giáo pháp của Đức Phật, chúng ta thọ Tam quy và Ngũ giới là ta đang nương về Phật, Pháp và Tăng thì đi đâu chúng ta cũng thấy hào quang và bóng mát cua Ngài che chở, cảm nhận được hạnh phúc, an lạc.
Là người con Phật, chúng ta phải luôn tích lũy hạnh phúc trong thiện sự mỗi phút giây trong đời. Niềm an vui từ dòng suối pháp mà Đức Phật ban cho là Tam quy, Ngũ giới… chúng ta nương về với bóng mát của Đức Phật, của Giáo pháp, của Thánh Tăng và chư chân đức đạo sư.
Hãy gìn giữ Giới không sát sanh, không gây oan trái với chúng sanh trong đời. Không sát sanh là nhân tạo nên quả trường thọ.
Giới không trộm cắp: cách đây vài mươi năm, có những làng mạc, nhà ngủ không cần đóng cửa, xóm làng hạnh phúc, thanh thản. Chúng ta sống trong một tổ dân phố, ai cũng hiền hòa, thiện lành đời sống thường nhật bình an, hạnh phúc. Giáo pháp của Đức Phật đem lại cho chúng ta sự bình an và chúng ta từ sự bình an này tỏa ra cho mọi người xung quanh.
Giới không tà dâm: công chúa Da-du-đà-la luôn gìn giữ thủy chung khi Thái tử Sĩ-đạt-ta đi tu. Khi bà nghe tin Thái tử vào rừng, đổi hoàng bào mặc áo Sa-môn, ở nhà bà thay áo lụa đơn sơ. Tin Thái tử ăn mỗi ngày một hạt mè, bà cũng ăn mỗi ngày một bữa. Tin Thái tử sống trong rừng, màn trời chiếu đất; bà cũng nằm đất nơi nhà. Người phụ nữ không hạnh phúc trong lòng thì có thực hiện được những điều này không? Đây là nét đẹp tuyệt hảo nơi công chúa Da-du-đà-la.
Chúng ta hãy theo gương hạnh của công chúa Da-du-đà-la. Niềm hạnh phúc do tự mình sắp đặt, tự mình tạo dựng chứ không cần ai ban cho hay trao đổi với người khác ma co đươc.
Giới không nói dối: chúng ta phải xác lập được niềm tin không nói dối dù ta đi đâu hay ở bất cứ nơi nào. Từ trẻ đến già nếu chúng ta nói mọi người đều tin tưởng là do hạnh không nói dối. Ngược lại, nếu ta ưa nói dối thì từ gia đình đến bạn bè, xã hội... đi đâu người ta cũng không dám tin mình và họ còn dè dặt, né tránh mình.
Giới không uống rượu: giới cấm này mới nghe thấy có vẻ không quan trọng, nhưng xét kỹ thấy thật quan trọng. Bởi vì, rượu là chất men say nếu uống vào nó sẽ làm cho tinh thần mất sáng suốt minh mẫn, không còn phân biệt đúng sai, phải quấy. Một khi tinh thần của chúng ta mất sự kiểm soát thì rất dễ phạm bốn giới cấm trên và rất dễ tạo nghiệp bất thiện. Mặt khác, rượu là nhân làm cho chúng sanh mất hạt giống trí tuệ, gây nhiều bệnh tật, tiêu hao tài sản... Đồng thời, nó còn là tác nhân làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình trong đời hiện tại và vị lai.
Đức Phật trao cho chúng ta Ngũ giới đê mỗi ngươi tự giữ gìn, tự tịnh hóa, tự trong sạnh các nghiệp trong đời sống nhăm kiên tao niêm hạnh phúc miên viễn nơi bản thân mình. Từ tâm thức sáng suốt, chúng ta có được hạnh phúc. Phật tử hãy nhận ra điều này và thành tựu Tam quy, Ngũ giới.
3. Hạnh phúc khi chúng ta được thọ nhận từ sự tu tập Tứ vô lượng tâm của Đức Phật truyền dạy
Giáo pháp của Đức Phật có 84.000 pháp môn. Nói ngắn gọn là 37 phẩm trợ đạo, gọn hơn nữa là: Tứ vô lượng tâm, tức Từ Bi Hỷ Xả.
Từ tâm thể hiện tình thương
Từ thân, từ khẩu, ý thường an vui
Từ hành động, từ nụ cười
Từ đức, từ ái… thương đời độ sanh!
Mỗi người chúng ta có một biệt nghiệp, ta hãy tu tập đức Đại từ của Đức Phật để thương yêu cuộc đời. Chúng ta là hạt giống của Đức Phật, nên khi sống trong cuộc đời hãy thương yêu mọi người. Vì thế, khi ai gặp chúng ta họ sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc an lạc.
Quán Thế Âm là một vị Đại Bồ-tát, đức từ bi của Ngài rộng lớn bao trùm khắp nơi nơi. Chúng sanh ở nơi nào tối tăm khổ sở mà niệm đến danh hiệu Ngài là được Ngài soi rọi ánh sáng đến tiếp độ. Phật tử nên nuôi dưỡng đức từ ái, từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm. Khi ai gặp chúng ta như họ nhìn thấy con cháu của Bồ-tát Quán Thế Âm, họ kể ta nghe niềm hạnh phúc hay chia sẻ nỗi khổ đau.
Bi tâm, bi tánh thiện lành
Bi trí, bi đức thường dành thương yêu
Bi chúng sanh, xót trăm chiều…
Bi tuệ nhẫn pháp hóa nhiều phúc ân.
Hỷ lạc hiện tướng hiền nhân
Hỷ mừng ban tặng hóa thân nhiệm mầu
Hỷ tánh, hỷ ý… xưa sau
Hỷ thường - lạc - tịnh… muôn màu pháp thân.
Xả nghiệp chướng, xả trầm luân
Xả oan gia, xả khổ nhân nhiều đời
Xả lỗi, xả tội… cho người
Xả mầm an tịnh vui tươi cho mình.
Khi biết tu gặp người hiền thiện ta vui, gặp người xấu quấy ta cũng phải nhẹ nhàng vì ta hiểu rằng, trong đời không ai không có khuyết điểm. Đời này khéo tu ta sẽ có quả thật tốt trong đời sau, an lạc từ trong lòng mẹ đến khi hiện hữu và tới khi kết thúc cuộc đời bằng cách hóa giải oan gia, oán hờn trong đời.
4. Đức Phật vì hạnh phúc cho con người
Trong suốt quá trình thuyết pháp độ sinh, Đức Phật luôn dùng mọi phương tiện giáo huấn để san bằng tất cả giai cấp đã gây khổ đau cho con người nhằm mang ánh sáng giác ngộ đến với tất cả mọi giai cấp. Trong gia đình hoàng tộc, Đức Phật độ vua cha tỏ ngộ chơn lý, chứng đắc đến tam quả A-na-hàm; Ngài ban hạnh phúc đến hoàng hậu Ma-ha-ba-xà-ba-đề, công chúa Da-du-đà-la, La-hầu-la, Nan-đà, A-nan-đà... tất cả được xuất gia tu học, về sau đều trở thành những vị thánh Tăng, thánh Ni là bậc mô phạm, làm gương giáo hóa để chúng sanh có duyên nương tựa tu học. Ngay cả người anh em cô cậu với Ngài là Đề-bà-đạt-đa đã nhiều lần sát hại Đức Phật, âm mưu phá hoại sự thanh tịnh hòa hiệp của Tăng đoàn chẳng những Ngài không buồn phiền mà còn trải lòng từ bi đến ông, ca ngợi ông là bậc thiện tri thức. Trong kinh Pháp hoa, phẩm Đề-bà-đạt-đa thứ 12, Đức Phật khẳng định nhờ có Đề-bà-đạt-đa mà Ngài mau thành tựu đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, từ bi hỷ xả, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp,… thành bậc Đẳng Chính Giác rộng độ chúng sanh và Phật còn thọ ký trong tương lai Đề-bà-đạt-đa sẽ thành Phật hiệu là Thiên Vương.
Ở giai cấp thương gia lúc bấy giờ có Trưởng giả Cấp Cô Độc và bà Visakha… cùng nhiều tín chủ khác đều được thọ nhận niềm hạnh phúc từ giáo pháp của Phật. Ngay sau khi ánh sáng chơn lý soi rọi từ kim khẩu của Đức Phật, họ đều phát tâm quy y Tam bảo, nỗ lực tu tập chuyển hóa tâm thức và đều nhập vào dòng Thánh.
Những giai cấp bị khinh thường, cùng tên sát nhân trong xã hội lúc bấy giờ như: kỹ nữ Ambapali, người gánh phân Sunita, chàng Angulimala… cũng đã được Đức Phật hóa độ, chứng nghiệm niềm an lạc hạnh phúc.
Ambapali nguyên là một kỹ nữ hạng sang sống tại thành Tỳ-xá-li bị mọi người khinh bỉ, lăng mạ. Thế nhưng, sau một lần diện kiến Đức Phật, được nghe giáo pháp của Ngài, cảm được lòng từ bi và trí tuệ vô hạn đã bao dung, thấu hiểu nên giờ đây, nàng đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Nàng đã rũ bỏ những tập khí nhiều đời của mình, biết thanh lọc cấu uế, ô nhiễm của thân tâm, phát tâm quy kính Tam bảo. Nàng phát khởi niềm tin trong sạch thỉnh Phật và chư Tăng về nhà thọ trai. Đối với nàng, đây là niềm hạnh phúc không có gì so sánh được, không có gì có thể mua được dù đó là vàng bạc hay cả thành Tỳ-xá-li cũng không thể mua được. Sau đó, nàng xuất gia và trở thành vị A-la-hán phạm hạnh, đoan chánh.
Trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, gánh phân được xem là một trong những công việc hạ tiện nhất, chỉ dành cho những người thấp hèn. Phật tánh vốn bình đẳng không phân biệt giai cấp, Đức Phật đã độ chàng Sunita xuất gia. Người gánh phân ra sức nỗ lực tinh tấn tu tập, không bao lâu chứng quả Vô sanh.
Tại thành Xá-vệ, Đức Phật đã độ chàng Angulimala, một kẻ sát nhân chặt ngón tay người xâu thành chuỗi. Vì nghe theo lời dạy của người thầy bảo phải giết 100 người và mang về ngón tay cái từng người để trả học phí về việc dạy chàng, nên Angulimala từ một người hiền lành nhân hậu đã trở thành một kẻ sát nhân chuyên giết người. Nhưng khi nghe Phật giáo huấn, Angulimala bừng tỉnh, ném vũ khí xin Phật thâu nhận làm đệ tử xuất gia và được Ngài chấp thuận. Do nỗ lực tư duy thiền quán, không bao lâu Angulimala liền chứng quả A-la-hán.
Đến khi sắp nhập Niết-bàn, Đức Phật cũng không vì thế mà quên hạnh nguyện độ sanh của mình. Ngài mang lại niềm hạnh phúc cho Tu-bạt-đà-la. Đó người đệ tử cuối cùng của Phật được xuất gia tu học trong giáo pháp của Ngài.
Có thể nói rằng, đó là sự mầu nhiệm trong giáo lý của Đức Phật, sự mầu nhiệm của việc chuyển hóa tâm thức theo chiều hướng tích cực. Khi đã tu tập và thực hành lời dạy của Đức Phật sẽ làm cho con người vượt thoát mọi phiền não khổ đau, vượt thoát giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội dù đó là tầng lớp nào, giai cấp nào đi nữa cũng không làm chướng ngại sự chứng nghiệm niềm an vui, hạnh phúc trong tâm thức con người. Chính Đức Phật và giáo pháp của Ngài luôn đem ánh sáng từ bi và trí tuệ để soi rọi tâm thức, xua tan mọi khổ đau hệ lụy trong cuộc đời này. Giáo pháp ấy làm chúng sanh phát khởi niềm tin, biết lựa chọn cách sống, lối sống cho chính mình, để từ đó vững tin vào khả năng thành Phật, sự giác ngộ giải thoát luôn sẵn có nơi mỗi người.
Theo Giác Ngộ

Bình luận(0)