Cổ nhân dạy: Nhìn tướng không bằng nhìn tâm

Google News

Cổ nhân dạy rằng: nếu tâm của 1 người là tĩnh lặng như nước, trong suốt như pha lê thì tướng của người ấy cũng sẽ toát lên được điều ấy.

Tâm nguyện chân thành của tiểu công chúa xấu xí bẩm sinh
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia tại nước Ba Tư có một vị vương hậu sinh hạ được một nàng công chúa tên là Posano. Da trẻ con thường mềm mịn như tơ, trông chúng giống như một thiên sứ vậy. Nhưng nàng công chúa này lại rất đặc biệt, da nàng thô ráp như vỏ cây, khuôn mặt vô cùng ảm đạm, trông không giống với khuôn mặt người.
Quốc vương nhìn thấy tiểu công chúa cũng phải giật mình. Vì để giữ gìn thể diện cho hoàng thất, quốc vương bèn để cô gái bé nhỏ sống trong một căn phòng tối và không cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Nên có rất ít người biết đến sự tồn tại của nàng.
Sau khi công chúa Posano lớn lên, quốc vương gả nàng cho một thư sinh và để nàng sống trong một lâu đài lộng lẫy. Từ trong ra đến ngoài có đến 7 cái cửa và 7 chiếc chìa khóa đều được phò mã mang theo người. Người ngoài khó lòng nhìn trộm được dung nhan của công chúa.
Mỗi lần cung đình tụ hội đều chỉ có một mình phò mã tham gia. Lâu dần mọi người cũng bắt đầu bàn luận, đoán già đoán non rằng có lẽ công chúa là cô gái xấu xí nhất thiên hạ, nên phò mã mới không tiện dẫn nàng ra mắt với mọi người.
Co nhan day: Nhin tuong khong bang nhin tam
Ảnh minh họa. 
Một hôm, một đám người trẻ hiếu kỳ chuốc cho phò mã say khướt, rồi lấy trộm những chiếc chìa khóa trên người chàng và mở cổng của tòa lâu đài 7 tầng. Khi mở đến cánh cửa thứ 7 thì đám người nhìn thấy một cảnh tượng khiến họ vô cùng kinh ngạc.
Hóa ra sau khi phò mã đi khỏi, công chúa lặng lẽ ngồi một mình nhớ về những chuyện xưa cũ. Tâm nàng hướng về Thần Phật mà sám hối sâu sắc rằng: “Thưa Thần Phật tôn kính, đời trước con gây nên nghiệp vô tri nên đời này mới bị phụ vương và phò mã ghét bỏ. Từ khi sinh ra đến nay con chưa từng được một lần nhìn thấy khung cảnh ngoài căn phòng”.
Công chúa nói xong thì khóc rất thương tâm. Nhưng nàng lại đột nhiên xoay chuyển suy nghĩ của mình: “Mình bị nhốt trong phòng tối chưa hẳn đã là chuyện xấu. Có lẽ trước kia mình đã phạm đại tội chốn tụ họp đông người nên kiếp này mới phải hoàn trả”.
“Nghe nói Phật Đà đã chuyển sinh, mình có thể sinh cùng thời với Phật Đà cũng là điều vinh dự vô ngần khi làm người ở kiếp này rồi!” Công chúa nói xong thì chắp tay hợp thập và cầu nguyện rất chân thành. Nàng quỳ xuống dập đầu khấu lạy Phật Đà ở nơi xa xôi ngút ngàn.
Thiện tâm biến hung tướng thành phúc tướng
Thời xưa có một thư sinh tên là Tiêu Danh Hùng. Anh ta cùng một số người bạn lên kinh thành dự thi. Hôm ấy đang trên đường vào kinh, lúc thuyền của họ bị dừng lại ở bên bờ sông thì vừa hay gặp một ông thầy tướng nổi tiếng trong vùng. Ông thầy tướng nhìn thấy Danh Hùng liền nói: “Ánh mắt của cậu nhìn rất thất thần, mũi nổi rõ những tia máu màu đỏ, sắc mặt và màu da giống như màu gan lợn. Đây đều là điềm xấu. Cậu lần này vào kinh dự thi không những không đỗ đạt mà e rằng còn bị mất mạng. Ta nghĩ chi bằng cậu nên hồi hương thì hơn.”
Tiêu Hùng đột nhiên nghe được những lời nói này của thầy tướng nhưng trong lòng không tức giận. Bởi vì trước đây anh ta từng đọc rất nhiều sách thánh hiền nên biết rằng tâm tướng còn tương xứng với thiện ác. Vì thế, anh ta vội cảm ơn ông thầy tướng và không ghi nhớ những lời ấy.
Hôm sau, ở tầng trên của chiếc thuyền có một người tỳ nữ hắt nước xuống sông thì không may làm rơi chiếc vòng tay bằng vàng. Chiếc vòng tay bằng vàng ấy rơi đúng vào khe hở của chiếc thuyền và bị một người phụ thuyền nhặt được, giấu vào trong ngực.
Một lát sau, trên thuyền xảy ra một trận huyên náo. Nữ chủ nhân trách mắng người tỳ nữ kia lấy trộm chiếc vòng tay vàng ấy nhưng người tỳ nữ một mực không nhận. Cuối cùng, không còn cách nào khác, tỳ nữ nhảy qua cửa sổ của thuyền xuống dòng sông tự vẫn.
Tiêu Hùng vốn là người bơi giỏi nên vừa nhìn thấy có người nhảy sông tự vẫn thì vội vàng nhảy xuống ứng cứu. Anh ta không những vớt được người tỳ nữ mà còn âm thầm tìm hiểu và khuyên người phụ thuyền kia trả lại vòng vàng cho họ. Nhờ thế chẳng những tỳ nữ được minh oan mà người phụ tàu cũng không bị mang tiếng ác. Thật là một công đôi việc.
Bởi vì sóng gió quá lớn nên thuyền của họ bị dừng ở đó hơn mười ngày. Vừa khéo Tiêu Hùng lại gặp được ông thầy tướng mấy ngày trước. Nhưng lần này vừa nhìn thấy Tiêu Hùng, ông chăm chú nhìn anh ta một hồi rồi đột nhiên chắp tay chúc mừng, nói: “Công tử có thiện hạnh! Gặp dữ hóa lành, đã đem toàn bộ ác khí hóa thành ánh sáng cát tường hết. Thật sự là đáng mừng!”
Tiêu Hùng hỏi: “Vì sao ông lại nói như vậy?”
Ông thầy tướng trả lời: “Chiếc mũi của tướng công trước có màu đỏ nhưng hiện giờ đã biến thành màu vàng nhạt. Hai hàng lông mày lúc trước có màu tía nhưng hiện giờ đã trơn bóng, hai con mắt hiện ra ánh sáng như mắt long lân vậy. Sắc mặt hiện ra ngũ sắc, ngài nhất định đỗ đạt trong kỳ thi này.”
Tiêu Hùng lắc đầu nói: “Thuyền của chúng tôi đã bị gió làm trì hoãn nhiều ngày nay, không thể đi được, cho dù hôm nay có đi được thì ngay cả đến nơi cũng chưa chắc kịp, nói gì đến công danh đây?”
Ông thầy tướng nhìn kỹ lại một lần rồi ngắt lời nói: “Tôi quan sát khí sắc của công tử, đã cải họa thành lành. Công tử kỳ này nhất định đỗ đạt, tiền đồ rộng mở. Cho dù không tới được trường thi thì cũng có thể gặp được hoàng ân đặc biệt. Vì vậy, công tử nhất định không thể không đi tiếp!”
Tiêu Hùng bởi vậy đã quyết tâm tiếp tục vào kinh. Khi anh ta đến kinh thành thì nghe thấy tin trường thi bị cháy, toàn bộ bài thi bị thiêu rụi. Vì vậy, Hoàng Đế hạ lệnh tổ chức thi lại, Tiêu Hùng nhờ đó mà có thể được tham dự. Quả nhiên trong kỳ thi ấy, Tiêu Hùng đỗ trạng nguyên. Trước khi yết bảng, trẻ con cùng nhau hát câu đồng dao: “Trường trung bất thất hỏa, na đắc trạng nguyên tiêu?” ý tứ chính là “Nếu trường thi không bị cháy, thì nơi ấy sao có được trạng nguyên họ Tiêu được đây?”
Bởi vậy có thể thấy rằng, tướng chính là “quả” của tâm, một khi thiện tâm khởi lên có thể biến hung tướng thành phúc tướng, gặp dữ hóa lành.
Theo Min/Khỏe & Đẹp

>> xem thêm

Bình luận(0)