Chuyện ít biết về Di Mẫu của đức Phật

Google News

(Kiến Thức) - Đức Tổ sư Kiều Đàm Di là người phụ nữ đầu tiên xuất gia, đồng thời là một bậc thượng thủ, lãnh đạo Ni đoàn thời Phật tại thế.

Đức Kiều Đàm Di tên đầy đủ theo Pàli ngữ Mahàpajàpati – Gotami. Hán ngữ phiên âm Ma Ha Ba Xà Ba Đề, nghĩa là Đại Ái Đạo, sinh trưởng tại Devadaha, nước Câu Ly - một nước nhỏ đối diện với Ca Tỳ La Vệ, con của vua Thiện Giác. Sau khi hạ sanh thái tử Tất Đạt Đa được bảy ngày, Hoàng hậu Ma Da viên tịch, Kiều Đàm Di trở thành Di Mẫu, trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng Thái tử khôn lớn.

 Di Mẫu Kiều Đàm Di nuôi dưỡng Thái tử Tất Đạt Đa

Đến tuổi trưởng thành, Thái tử xuất gia và thành Phật. Sau khi thành đạo khoảng ba năm, lần đầu tiên đức Thế Tôn quyết định trở về hoằng pháp tại cố hương, đồng thời thăm viếng phụ thân và hoàng tộc.

Trong lần này, Di Mẫu được Thế Tôn giáo hóa, sau khi nghe thuyết pháp, đã chứng đắc Sơ quả Tu đà hoàn. Lần thứ hai, năm năm sau ngày thành đạo, Thế Tôn trở về Ca Tỳ La Vệ để độ cho vua cha đang hấp hối. An táng vua cha xong, Thế Tôn ở lại quê nhà một thời gian ngắn rồi tiếp bước du phương hóa độ.

Chính trong thời điểm này, tại vườn Ni câu Luật, Di Mẫu đã xin phép Phật được thế phát xuất gia làm Sa Môn. Qua ba lần thưa thỉnh nhưng Thế Tôn không chấp nhận. Sau đó, Thế Tôn cùng Tăng chúng rời Ca Tỳ La vệ tiếp tục bộ hành đến Tỳ Xá Ly.

Liền đó, Di Mẫu quyết tâm rời bỏ cung son điện ngọc, ngôi cao mẫu nghi thiên hạ, cùng với năm trăm Thích nữ Hoàng tộc tự xuống tóc, đắp áo cà sa, đầu trần chân đất, băng rừng lội suối theo chân Phật bộ hành đến Tỳ xá Ly.

Tại Đại Lâm, ở những ngôi nhà có nóc nhọn, nơi Thế Tôn đang trú ngụ, Di Mẫu và các Thích nữ đi đến, chân sưng vù, tiều tụy, hốc hác, mình mẩy lấm lem bụi đất, nước mắt đầy mặt, sầu muộn khóc than, đứng ngoài cửa chính.

Tôn giả A Nan khởi đại bi tâm đã ba phen khẩn cầu đức Phật và cuối cùng Phật bằng lòng cho người nữ xuất gia với điều kiện bắt buộc phải thọ trì Bát kỉnh pháp (tám pháp mà Phật dạy chư Ni phải cung kính tôn trọng chư Tăng - PV) đến suốt đời.

Từ đây, giáo đoàn Tỳ kheo Ni được thành lập, Di Mẫu đứng đầu, tuân theo sự lãnh đạo của Thế Tôn cùng với sự trợ duyên của chư Tăng. Sau khi được xuất gia, Di Mẫu đến yết kiến Phật, nghe Phật thuyết pháp rồi tinh cần tu tập chứng đắc quả vị A la hán với trí tuệ trực giác và phân tích.

Nhờ vào đức Kiều Đàm Di, Ni đoàn phát triển nhanh chóng và thực sự lớn mạnh. Nhiều Tỳ kheo Ni chứng đắc quả vị A la hán, có uy tín trong quần chúng, được cư sĩ và dân chúng ca ngợi, ngưỡng mộ.

Khi nghe tin Đức Thế Tôn ba tháng nữa sẽ nhập Niết bàn, đức Kiều Đàm Di cùng 500 Tỳ kheo Ni đã vội vàng đến đảnh lễ Phật, xin phép được nhập diệt trước Ngài. Bấy giờ, tại Cao Đài Lan Nhã, đức Kiều Đàm Di và 500 vị Thánh Ni đã bay lên hư không hiện đủ các tướng thần biến rồi trở về hương thất và nhập vô dư Niết bàn.

Đích thân Thế Tôn một tay đưa nhục thân Di mẫu đến chỗ hỏa thiêu, lấy gỗ chiên đàn chất lên trên thân tôn giả, chủ trì lễ trà tỳ. Đại tướng Gia Thâu Đề đã thâu lấy xá lợi của chư vị Thánh Ni, phân bố để xây tháp phụng thờ.

 Lễ tưởng niệm đức Kiều Đàm Di tại Diên Khánh Tự (TP.HCM)

Tại Việt Nam, ngay từ thời Ni Bộ Bắc Tông thành lập, Sư trưởng Như Thanh cùng quý Ni trưởng, Ni sư đã họp bàn để chọn một ngày trong năm có ý nghĩa để tưởng niệm đức Kiều Đàm Di. Rất nhiều bậc tri thức Ni thời bấy giờ đã tra cứu Kinh, Luật, Luận để tìm kiếm tư liệu nói về ngày Đức Kiều Đàm Di viên tịch. Thế nhưng họ không tìm thấy một tư liệu nào đề cập vấn đề thời gian Ngài nhập Niết bàn.

Về sau, quý Ni trưởng, Ni sư nhất trí chọn mồng 8 tháng 2 là ngày Phật xuất gia để làm lễ tưởng niệm Đức Kiều Đàm Di. Chư Tôn Đức Ni cũng đã dựa vào các tư liệu có được để phác thảo hình ảnh và tạc tượng của Tổ sư, tôn trí tại chùa Từ Nghiêm (TP.HCM) vốn là trụ sở của Ni Bộ Bắc Tông thời ấy. Hình ảnh của Đức Kiều Đàm Di lan rộng khắp nơi từ đó.

Hàng năm đến ngày mồng 8 tháng 2, chư Ni khắp nơi đồng quy tụ về chùa Từ Nghiêm, để làm lễ tưởng niệm Tổ sư. Nhân dịp này, chư vị trưởng lão ni đã sách tấn, động viên các thế hệ ni trẻ tiếp nối sự nghiệp tu hành và hoằng dương Chánh pháp.

Tưởng niệm Đức Tổ Sư Ni Kiều Đàm Di là trách nhiệm chung của chư ni và ngày 8 tháng 2 âm lịch hàng năm giờ đây đã trở thành ngày truyền thống của Ni giới trong toàn quốc. 

(*): Bài viết có sử dụng tài liệu trong Tăng Chi Bộ III, phẩm Gotami; Trung A Hàm II, Kinh Tăng Nhất A Hàm, Kinh Cù Đàm Di…

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU


Tịnh Phương

Bình luận(0)