Nói cho đủ, thì đây gồm cả kinh Phật và sách Phật giả. Kinh Phật, sách Phật giả là những quyển sách không phải kinh Phật, sách Phật, không có nội dung Phật giáo, hoặc thậm chí công kích Phật giáo, nhưng để nhằm vào công chúng Phật tử, nên được thể hiện về hình thức và ngôn từ sao cho có vẻ là kinh Phật, sách Phật, làm cho người đọc khi mới tiếp xúc thì ngỡ là kinh Phật, sách Phật.
|
Kinh Phật, sách Phật giả được phát hành bằng cả 2 phương thức: phát không và bán. |
Việc “giả” ở đây có nhiều mức độ khác nhau. Có khi giả hẳn, làm như là kinh Phật thuyết thực sự. Có khi chỉ giả ở một mức độ nhất định, chỉ dùng một số từ ngữ, hình ảnh.
Kinh Phật, sách Phật giả được phát hành bằng cả 2 phương thức là phát không hay bán. Thường sách phát, cho không lấy tiền được ghi là “ấn tống”, hay “kinh ấn tống” giống như dạng kinh sách ấn tống thực.
Thường, kinh sách Phật giáo giả được phát không trước cửa chùa. Kinh sách giả có người đem phát trực tiếp, hoặc được đặt trong giỏ xe, trên yên xe gắn máy, xe đạp của người đi chùa.
Kinh giả, sách Phật giáo giả được bày bán thì thường có cả ở nhà sách lẫn phòng phát hành kinh sách nhà chùa, được bày lẫn trong kinh sách Phật giáo thật (có khi không phải là do người bán cố ý, mà chỉ vô tình bày trí như thế), nên càng có vẻ thật hơn. Sách của Duy Tuệ thuộc loại này.
Một số sách như thế có bìa màu nâu, màu dà, trang trí hình hoa sen như dạng thường thấy trong kinh sách Phật, có tượng Bồ Tát hay nhắc đến Phật hoàng, cố ý dùng nhiều từ ngữ Phật giáo ở những trang đầu. Thế nhưng, nội dung bên trong lại bài bác, đả kích Phật giáo. Bạn đọc mua về, đọc kỹ mới biết. Xem sơ thì vẫn tưởng là sách Phật. Rất nhiều người bị lầm, cả người bán lẫn người mua.
Kinh Phật, sách Phật giả rất đa dạng. Sách phát không đến bạn đọc thường mỏng, in ấn đơn giản, có khi chỉ là sách photocopy, khổ nhỏ. Nhưng có khi cũng lại là sách dày, có đến vài trăm trang, in đẹp, giấy láng, có ảnh màu, đóng bìa cứng, bọc nhựa. Về loại này có thể kể đến quyển “Bí quyết để được tức khắc khai ngộ hiện đời giải thoát” của “Thanh Hải Vô thượng sư”.
Sách đóng bìa cứng màu nâu, chữ vàng nghệ, dạng thường thấy ở kinh sách Phật giáo. Bìa sách in hình Thanh Hải mặc áo tràng vàng hình tướng ni phía trước là hoa sen kết thành đài, phía sau có biểu ngữ với nội dung như tên sách, có thêm cụm từ “Pháp môn Quán Âm”. Những trang đầu sách là một loạt ảnh màu Thanh Hải trong hình tướng tu sĩ ni, đắp y, khất thực, thọ giới đốt liều, thuyết pháp, tắm Phật, tọa thiền, cử hành các nghi lễ Phật giáo khác. Sách ghi “Printed in Taiwan, ROC” (được in ở Đài Loan, ROC) nhưng có lẽ đã được phát hành tại Việt Nam với số lượng lớn, vì được thấy nhiều ở các tiệm sách cũ.
Một số quyển kinh Phật sách Phật giả lại được in lụa, có lẽ vì điều kiện in lậu nên phải in bằng phương thức đơn giản. Nhưng phần lớn kinh Phật, sách Phật giả in lụa cũng đều đóng cuốn tươm tất, thậm chí có phụ bản màu. Về dạng này có thể kể quyển “Chuyển Pháp luân” (Pháp Luân Công) của Lý Hồng Chí được phân phát khá nhiều. Sách có phụ bản ở những trang đầu hình chữ vạn Phật giáo và được mở đầu bằng rất nhiều chữ Phật: “Phật pháp tinh thâm nhất”, “Vậy Phật pháp đúng ra là gì?” v.v… Nội dung bên trong, vừa nói nhiều đến “Công pháp Phật gia”, vừa lại phủ nhận “Một số cư sĩ, nghe thấy đây là công pháp Phật gia, liền lôi kéo học viên của chúng tôi lên chùa quy y. Tôi nói với chư vị rằng, các học viên chúng ta đang ngồi đây, chớ có ai làm điều đó” (trang 93).
Kinh Phật sách Phật giả có khi là sách in lậu, từ nguồn nhập khẩu hay in trong nước (như sách của Thanh Hải, Lý Hồng Chí…) có khi là sách được nhà xuất bản cấp phép, phát hành chính thức (như sách Duy Tuệ). Nếu đã có giấy phép thì thường người ta không cho không, mà cố sức phát hành qua những kênh hợp pháp: nhà sách, phòng phát hành, có khi với giá rất cao nữa.
Kinh Phật sách Phật được phổ biến, phát tán từ nhiều động cơ. Dạng những sách mà chúng tôi điểm qua ở trên là nhằm tuyên truyền cho các giáo phái “tôn giáo mới”, “giáo chủ” mới. Việc giả, dùng hình thức Phật ở bề ngoài là nhằm làm người đọc Phật tử dễ dàng tiếp nhận nó. Nhưng cũng có thể là nhằm vào nhiều mục tiêu khác. Có khi việc in, phát tán là từ những hình thức tín ngưỡng lai tạp, người ta tin làm thế thì có phước. Dạng này, có “kinh Long Hoa”, ghi là do Phật Di Lặc thuyết, “Kinh Cứu khổ” ghi là do Phật Quan Âm thuyết… Hình thức những quyển kinh Phật giả loại này thường giống kinh Nhật tụng, chữ to, nét đậm, có in hình Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Quan Âm. Có quyển in các thần chú, không thể biết đó là thần chú thật hay không, và cũng có thể là có cả thật cả giả lẫn lộn.
Kinh Phật sách Phật giả thường thấy với dạng như trên và phát hành theo những cách thức như đã nói. Nhưng cũng có những dạng đặc biệt và cách phát hành qua những tiệm cơm chay. Ở TPHCM và một số tỉnh, có những tiệm cơm chay phát sách, dĩa “pháp môn Quán Âm” của Thanh Hải. Một số tiệm cơm chay phát hành những loại kinh Phật sách Phật giả, có thể cả dưới dạng dĩa kinh tụng, như dĩa tụng kinh Phật Địa Mẫu, tụng Kinh “Nước mắt mẹ hiền”, tụng kinh “Phật Quan Âm xuống bút”. Cũng có trường hợp thật giả lẫn lộn, khi tiệm cơm chay vừa tặng dĩa tụng kinh Phổ Môn, vừa tặng luôn dĩa tụng “Quan Âm xuống bút”, cùng một người tụng!.
Cái khó để phận biệt kinh Phật, sách Phật giả là ở chỗ có quá nhiều kiểu giả, cách giả, động cơ để giả, mục tiêu để giả, mức độ giả…, đòi hỏi người phân biệt phải có trình độ Phật học nhất định.
Điều trước tiên là Phật tử chúng ta hãy trước hết cảnh giác là có kinh Phật, sách Phật, dĩa tụng kinh Phật giả… Không phải quyển sách nào có in hình Phật, có từ ngữ Phật hay ghi hẳn kinh Phật là sách Phật, kinh Phật.
Nếu có ai đó kêu gọi chúng ta cùng tham gia tài chính ấn tống một quyển kinh Phật hay cùng photocopy, nhân bản, rồi phân phát…, thì chúng ta hãy hết sức thận trọng trong việc trước hết là thẩm định quyển kinh. Xin nhắc lại, không phải có hình Phật, danh hiệu Phật, từ ngữ nhà Phật, có vẻ giống như các quyển kinh Phật đã thấy thì cho rằng ngay đó là kinh Phật. Góp phần nhân bản phổ biến những quyển kinh Phật, sách Phật giả, chúng ta chẳng những không có được phước, mà còn tạo tội. Tốt hơn hết, cần thỉnh ý chư vị tôn đức.
Nói kinh sách, nhưng là loại được phân phát trước cửa chùa, để trên yên xe, giỏ xe như những tờ rơi, tờ bướm, thì cũng cần hết sức thận trọng. Sách kinh không có thông tin xuất bản thì khả năng đó là sách in lậu rất lớn. Mà kinh sách giả thường là chỉ in lậu.
Phật giáo không có kinh “xuống bút”, “giáng thi”. Nếu gặp những kiểu kinh sách như thế mà nói là kinh Phật thì chắc chắn là kinh Phật giả.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU: