Làm sao để phân biệt được kinh Phật thực hay giả?

Google News

Những loại ngụy kinh giảng về lý thì phủ định lý nhân quả, giảng về hữu thì đắm trước chuyện thế sự, lẫn lộn Phật, Bồ Tát với quỷ thần nhập cục làm một.

Vấn đế thực hay giả của kinh Phật có thể được bàn trên hai phương diện: thứ nhất là có những kinh được phiên dịch, nhưng không ghi rõ ở đời nào và ai dịch. Thứ hai là có những kinh Phật được truyền lại qua lời ông đồng, bà cốt, qua người nằm mộng v.v… Loại thứ nhất là kinh Phật chính thức, không có gì trái với Phật Pháp. Loại kinh thứ hai rõ ràng là giả mạo, là sản vật của tín ngưỡng dân gian.

 Kinh sách Phật giáo

Trong thời kỳ đầu của lịch sử Phật giáo Ấn Độ, trong hàng học giả có nêu thuyết kinh Đại Thừa không phải là do Phật thuyết, vì các kinh Đại Thừa xuất hiện và lưu truyền hàng mấy trăm năm sau khi Phật nhập diệt. Thế nhưng Phật giáo Đại thừa có căn cứ "Trong Phật giáo nguyên thủy" và về mặt tư tưởng thì được đề cao, từ phạm vi nhân gian mở rộng đến chỗ vô hạn. Có thể nói, đối tượng của kinh điển Đại thừa là Bồ Tát.

Thế nhưng, kinh điển Đại thừa tuyệt đối không tách rời những nguyên lý căn bản của Phật Pháp nguyên thủy, dựa vào lý nhân duyên mà giảng các thuyết không, vô, thực tướng, vô tướng, dựa vào lý nhân quả để giảng các thuyết hữu, chân hữu, diệu hữu. Kỳ thực, đó là hai mặt của một thực thể. Không và hữu không tách rời nhau. Đó là chỗ tận cùng của lý nhân duyên và nhân quả, vì vậy, giáo Pháp Đại thừa, dù là do Phật nói hay không, hay là do Bồ Tát nói, hay do chúng sinh nào khác nói đều phải dựa vào tiêu chuẩn có phù hợp với nguyên lý căn bản của Phật Pháp hay không mà xác định.

Còn loại kinh thứ hai là sản vật của tín ngưỡng dân gian là do quỷ thần ngoại đạo truyền thọ, thường là những bộ kinh ngắn, như "Cao Vương Quan Thế Âm Kinh", "Huyết Bồn Kinh", "Thái Âm Kinh", "Thái Thượng Cảm Ứng Thiện". Có kinh gần với Phật, có kinh gần với đạo. Có kinh dung hợp cả Phật, Lão và Nho. Các loại kinh đó theo tiêu chuẩn đạo đức nhân gian mà giáo hóa, khuyến thiện, dạy ân nghĩa cho nên đều có tác dụng nhất định.

Vì vậy, tuy không phải là chân kinh mà là ngụy kinh nhưng vẫn được các Phật tử trong dân gian truyền tụng và chúng không có hậu quả gì xấu.

Ngoài ra cũng có những ngụy kinh thuộc loại thứ hai mà nội dung đi ngược lại lý nhân quả và quan điểm nhân duyên. Những loại kinh đó giảng về lý thì phủ định lý nhân quả, giảng về hữu thì đắm trước chuyện thế sự, lẫn lộn Phật, Bồ Tát với quỷ thần nhập cục làm một. Đó là lý luận gọi là "ngũ giáo hợp lưu", "tam giáo bình đẳng", "Phật Phật đồng đạo, đạo đạo tương thông" v.v…

Thực ra, chúng bác cả Phật, bác cả Nho, cả Lão, bác cả Gia Tô và Hồi giáo. Tuy chúng cũng dùng kinh Phật và giải thích kinh Phật nhưng chúng bao giờ cũng có một cuốn "Chân Kinh" làm căn bản, gọi là được Thần Khải thị. Loại "Chân Kinh" này không phải là kinh Phật, chỉ là mạo danh kinh Phật.

Lại còn một loại nữa, do một số người tạp tu, nắm bắt được một số kinh nghiệm thần bí, cảm ứng được quỷ thần. Rồi để tìm căn cơ nhằm mục đích giáo hóa và lôi kéo tín đồ, họ cũng đọc kinh Phật, giải thích kinh Phật. Nhưng thực ra, họ dựa vào chuyện hiểu biết sai lầm của họ để giải thích tùy tiện kinh Phật, nhưng mục đích của họ là lừa kinh phản đạo, hủy báng chính pháp. Đó là điều mà các Tổ sư xưa nay nói : "Lìa Kinh một chữ, là giống như Ma nói".

Dựa vào điều trên đây, nếu muốn phán đoán là kinh Phật hay không phải là kinh Phật, tốt nhất là tra cứu mục lục kinh tạng trong Đại tạng. Nếu có trong mục lục thì dù có bị xếp loại "nghi ngờ" đi nữa, thì cũng thuộc loại có thể tin, có thể đọc. Nếu không có trong mục lục kinh, thì phải xem nội dung có phù hợp với nguyên lý cơ bản của Phật pháp hay không ? Cuối cùng, ngoài những sách Phật, sách giải thích kinh thuật lại những lời đạo đức xa xưa thì tốt nhất ít đọc những sách không phải là sách Phật là an toàn hơn cả.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

HT. Thánh Nghiêm

Bình luận(0)