Tự lợi là chọn một pháp môn tu phù hợp với mình nhằm thanh lọc tâm thanh tịnh và thăng hoa tuệ giác để thành tựu giải thoát. Lợi tha là tùy duyên làm lợi ích cho chúng sanh trong khả năng có thể. Trong vô vàn công hạnh lợi tha thì bố thí là hạnh nguyện dễ thực hành và phổ biến nhất.
Một người đệ tử Phật tại gia, ngoài việc lo cho bản thân và gia đình, thường dành dụm chút tài sản hay vật thực để sẻ chia với người nghèo khó hơn mình, nghĩa cử này thật cao cả và đẹp đẽ, phước báo vô lượng. Thế nhưng, người đệ tử Phật xuất gia, trong quá trình thực thi hạnh nguyện lợi tha bằng các Phật sự từ thiện nói chung, lại không được Thế Tôn khuyến khích, dù Ngài không nghiêm túc la rầy nhưng xem ra Ngài không hoan hỷ lắm. Vì sao như vậy? Có thể vì sai chức năng. Lý ra người xuất gia thực hành lợi tha bằng bố thí pháp sẽ phù hợp và lợi ích thiết thực hơn bố thí tài vật nhiều lần.
|
Ảnh minh họa.
|
Sinh thời, Đức Phật đã mạnh mẽ khuyến cáo các Tỳ-kheo “hãy nhớ pháp thí, chớ quen theo tài thí” hẳn có căn nguyên sâu xa của nó. Đoạn kinh dưới đây cho chúng ta thấy rõ điều này:
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Thường nên thí pháp, chớ tập thí thức ăn. Sở dĩ như thế vì ngày nay các thầy có phước báo. Nếu đệ tử Ta cung kính đối với pháp thì không tham lợi dưỡng. Nếu người tham lợi dưỡng thì có lỗi lớn với Như Lai. Vì sao? Vì là chúng sanh không phân biệt pháp, phá hủy lời dạy của Thế Tôn. Ðã hủy lời dạy của Thế Tôn, về sau không đến đạo Niết-bàn được, Ta bèn phải hổ thẹn. Vì sao thế? Vì đệ tử Như Lai tham đắm lợi dưỡng, chẳng hành đúng pháp, chẳng phân biệt pháp, hủy lời dạy của Thế Tôn, chẳng thuận theo Chánh pháp. Ðã hủy lời dạy của Thế Tôn lại chẳng đến đạo Niết-bàn.
Nay Tỳ-kheo các thầy, hãy nhớ pháp thí, chớ nghĩ dục thí, liền được danh dự nghe khắp bốn phương. Cung kính pháp, không tham tài vật, thì không bị xấu hổ. Sở dĩ như thế vì ưa pháp thí, không tham nghĩ về dục thí. Ðó là, này Tỳ-kheo, hãy nhớ pháp thí, chớ quen theo tài thí.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Tàm quý,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.262)
Rõ ràng, theo quan điểm của Thế Tôn, những Phật sự liên quan đến từ thiện hẳn sẽ thích hợp hơn cho hàng cư sĩ nhằm giúp họ vun bồi công đức. Còn hàng đệ tử xuất gia nên chọn pháp lợi tha theo sở trường của mình là bố thí pháp, không nên quá chú trọng đến bố thí tài vật.
Thế Tôn xác quyết rằng bố thí pháp là quan trọng hơn hết. Bởi chúng sanh không hiểu pháp thì “tham đắm lợi dưỡng, chẳng hành đúng pháp, chẳng phân biệt pháp, hủy lời dạy của Thế Tôn, chẳng thuận theo Chánh pháp. Ðã hủy lời dạy của Thế Tôn lại chẳng đến đạo Niết-bàn”. Và như thế, nếu một Tỳ-kheo lấy việc phụng sự tài vật cho chúng sanh làm đạo nghiệp thì không thuận theo lời dạy của Thế Tôn, bỏ sở trường mà chọn sở đoản, khác nào người vào rừng lấy lõi cây mà chỉ mang về cành lá mà thôi.
Trong bối cảnh tu học hiện nay, người tu thì rất nhiều nhưng người bố thí pháp đúng như Chánh pháp lại không nhiều. Trong khi, người xuất gia với các dự án “từ thiện xã hội” đã và đang triển khai, ngày càng được nhiều người ủng hộ. Lẽ tất nhiên làm thiện thì được phước hữu lậu, làm được cái gì hay cái nấy, nhưng làm việc thiện nhiều mà thiếu sót chức năng sở trường là bố thí pháp cũng là điều mà các Tỳ-kheo cần phải xem xét lại.
Bởi làm từ thiện, bố thí tài vật chỉ giúp chúng sanh bớt khổ, còn bố thí pháp sẽ giúp chúng sanh thoát khổ. Mặt khác, thực thi trực tiếp những việc từ thiện thì hàng Phật tử tại gia có thể làm rất tốt, không cần người xuất gia. Tỳ-kheo chỉ tham gia chứng minh chỉ đạo, hỗ trợ về mặt tinh thần cho hàng cư sĩ làm tốt Phật sự, còn lại phải dành thời gian cũng như công sức lo tu tập và nghiên tầm kinh pháp để trao truyền cho Phật tử. Nếu làm được như vậy là thực hành theo lời dạy Thế Tôn: “Này Tỳ-kheo, hãy nhớ pháp thí, chớ quen theo tài thí”.