Sáng sớm 27/5 (giờ Thụy Sĩ), bóng đá thế giới đã rúng động với sự kiện hàng loạt quan chức đương nhiệm và cựu quan chức của Liên đoàn bóng đá thế giới - FIFA bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt giữ tại Zurich khi họ đến đây tham dự cuộc họp của đại hội đồng FIFA diễn ra trong hai ngày 28 và 29/5.
|
Ba quan chức cao cấp nhất bị bắt giữ (từ trái sang) Jack Warner, Eugenio Figueredo và Jeffrey Webb - Ảnh: Reuters. |
Một số nguồn tin nói cảnh sát Thụy Sĩ đã bắt giữ bảy người (có nguồn tin nói 9, 8 hoặc 6 người) vì tội nhận hối lộ tổng số tiền lên tới 150 triệu USD. Hãng tin Reuters cho biết trong số những quan chức bị bắt có phó chủ tịch đương nhiệm FIFA Jeffrey Webb, 50 tuổi, người Quần đảo Cayman. Tám người còn lại theo Reuters gồm Eugenio Figueredo (phó chủ tịch FIFA, 83 tuổi), Jack Warner (cựu chủ tịch CONCACAF, 72 tuổi), Rafael Esquivel (thành viên ủy ban kỷ luật FIFA, 68 tuổi), Jose Maria Marin (83 tuổi, cựu chủ tịch LĐBĐ Brazil), Nicolas Leoz (cựu chủ tịch CONMEBOL, 86 tuổi), Eduardo Li (chủ tịch LĐBĐ Costa Rica), Julio Rocha (cựu chủ tịch LĐBĐ Nicaragua) và Costas Takkas (cựu tổng thư ký LĐBĐ Quần đảo Cayman).
Chiến dịch vây bắt này do Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thực hiện trong ba năm qua. Tất cả những nghi can bị bắt giữ vì bị nghi ngờ liên quan các vụ hối lộ để ủng hộ Nga đăng cai World Cup 2018 và Qatar đăng cai World Cup 2022. Bên cạnh đó họ cũng bị cáo buộc tham nhũng và nhận tiền “lại quả” có hệ thống từ các công ty tiếp thị ở Nam Mỹ và Mỹ để giúp những công ty này có được bản quyền truyền thông và tiếp thị ở các giải bóng đá quốc tế. Theo Hãng tin RT (Nga), các nghi can bị bắt có thể bị dẫn độ sang Mỹ xét xử.
Theo mô tả của Hãng tin BBC, quá trình bắt giữ diễn ra rất bất ngờ tại khách sạn Baur au Lac (Thụy Sĩ) - nơi các thành viên FIFA tập trung để chuẩn bị tham dự Hội nghị đại hội đồng FIFA lần thứ 65. Lực lượng cảnh sát ập vào bàn tiếp tân, lấy chìa khóa các phòng và đi thẳng lên lầu. Việc dẫn giải cũng diễn ra lặng lẽ, một số không bị còng tay, số khác thậm chí được phép mang theo hành lý. Các bức ảnh tung trên mạng cũng được xử lý để không làm tiết lộ danh tính họ.
Ngay sau khi hàng loạt quan chức bị bắt giữ, FIFA đã tổ chức một cuộc họp báo tại Zurich với sự tham gia của đông đảo giới truyền thông. Trong cuộc họp báo, ông Walter De Gregorio - giám đốc Cơ quan Truyền thông và quan hệ công chúng của FIFA - cho biết ông không hề hay biết cuộc bắt giữ và chỉ được thông báo về vụ việc này khi “còn đang ngủ”.
Ông Walter De Gregorio khẳng định chủ tịch đương nhiệm Sepp Blatter - người đang tìm kiếm nhiệm kỳ chủ tịch FIFA thứ năm - không hề liên quan cuộc điều tra và bắt giữ trên. Cũng theo ông De Gregorio, World Cup 2018 vẫn diễn ra ở Nga và World Cup 2022 vẫn diễn ra tại Qatar. Ông Walter De Gregorio nói trong cuộc họp báo: “Ông Blatter rất bình tĩnh và đánh giá những gì đang diễn ra. Ông ấy sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan chức năng. Thật ngạc nhiên khi cuộc vây bắt xảy ra trước thời điểm bầu cử, nhưng chúng tôi không ngạc nhiên khi cuộc vây bắt này xảy ra”.
Ông Walter De Gregorio nhấn mạnh vụ bắt giữ diễn ra trước cuộc bầu cử đã ảnh hưởng đến thanh danh và uy tín của FIFA, nhưng cho rằng điều này là cần thiết để làm trong sạch bóng đá. “Đối với FIFA, chiến dịch vây bắt này thì tốt. Tuy nhiên, nó không tốt xét về khía cạnh hình ảnh và thanh danh” - ông De Gregorio nói trong cuộc họp báo.
Phản ứng sau vụ bắt giữ này, nhiều nhân vật nổi tiếng của bóng đá thế giới nói đây là ngày xấu hổ của FIFA. Tuy nhiên, FIFA cho biết cuộc bầu cử chủ tịch FIFA vẫn diễn ra như kế hoạch vào ngày 29/5 và ông Sepp Blatter sẽ không từ chức. Người duy nhất đua tranh với ông Blatter trong cuộc bầu cử ngày 29/5 là hoàng tử Jordan Ali bin al-Hussein. Nếu chiến thắng, ông Blatter sẽ lãnh đạo tổ chức lớn nhất của bóng đá thế giới trong bốn năm tới và đây là nhiệm kỳ thứ năm liên tiếp của ông.