Tại Liên Xô cũ, Ngày Chiến thắng 9/5 được coi là ngày quốc lễ và là ngày nghỉ. Trong ngày này, các lễ hội kỷ niệm được tổ chức tại Moscow, thủ đô các nước cộng hoà liên bang và nhiều thành phố lớn. Tại những năm kỷ niệm tròn 5 và tròn 10 năm (so với năm 1945), các lễ hội được tổ chức với quy mô lớn - bao gồm các cuộc duyệt binh, diễu binh của quân đội và các cuộc diễu hành của quần chúng nhân dân.
|
Diễu binh trên Quảng trường Đỏ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5.
|
Lịch sử Ngày chiến thắng phát xít Đức
Đêm 8 rạng sáng ngày 9/5/1945, ở các thành phố lớn của tất cả các nước cộng hoà trong Liên bang Xô viết và ở Đông Âu, các công dân Liên Xô hầu như không ngủ. Cũng giống như ngày 22/6/1941 (ngày phát xít Đức tấn công Liên Xô), họ tụ tập quanh các loa phóng thanh công cộng chờ nghe tuyến bố của Chính phủ Liên Xô. Đúng 1 giờ 45 phút ngày 9/5/1945, Yuri Levitan - phát thanh viên nổi tiếng của Đài phát thanh Moscow, người từng bị Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã Joseph Goebbels dọa sẽ treo cổ trước tiên khi quân Đức chiếm được Moscow - đã trực tiếp đọc bản nhật lệnh đặc biệt của Bộ Tổng tư lệnh tối cao Hồng quân Liên Xô và tuyên bố đặc biệt của Chính phủ Liên Xô về việc nước Đức Quốc xã đã ký văn kiện đầu hàng không điều kiện và cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô đã thành công.
Đúng 2 giờ ngày 9/5, Moscow chào mừng Ngày Chiến thắng bằng màn pháo hoa lớn nhất để mừng chiến thắng. Từ 2 giờ đến 2 giờ 45 phút, bầu trời Moscow rực sáng hàng vạn quả pháo hoa được bắn từ 1.000 khẩu đại bác, mỗi khẩu bắn 30 loạt đạn.
Mặc dù sự kiện Ngày Chiến thắng được ghi dấu ấn đầu tiên trong năm 1945 nhưng đến năm 1947, ngày 9/5 mới được Nhà nước Liên Xô công nhận là một ngày kỷ niệm cấp quốc gia.
Buổi lễ mừng chiến thắng đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 24/6/1945 tại Quảng trường Đỏ với đại diện 11 phương diện quân. Hơn 200 chiến sĩ Hồng quân Liên Xô mang theo hơn 200 lá quân kỳ thu được của các sư đoàn quân đội Đức Quốc xã và lực lượng SS với tư thế cầm chúc mũi cờ xuống đất. Lần lượt 200 lá quân kỳ Quốc xã diễu qua mặt đường đá đẫm nước mưa của Quảng trường Đỏ và cuối cùng, được ném xuống thành một đống trước cửa lăng Lenin. Nhà báo Liên Xô Boris Polevoy cho biết sự kiện này làm ông nhớ đến Nguyên soái Mikhail Kutuzov sau khi đánh đuổi quân đội của Napoléon Bonaparte khỏi biên giới Nga đã ra lệnh thu các quân kỳ của người Pháp và hạ chúc mũi trước con ngựa bạch của ông.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, lần đầu tiên Chính phủ Nga tổ chức lại cuộc diễu binh kết hợp với diễu hành quần chúng ngày 9/5/1995 tại Quảng trường Đỏ. Năm 2001, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra sắc lệnh về Ngày Chiến thắng 9/5 là ngày lễ cấp quốc gia hàng năm của Liên bang Nga.
|
Cựu binh Liên Xô và người lính trẻ trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng.
|
Ngày 9/5/2005, lần đầu tiên, các cựu chiến binh Liên Xô cũ đến dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng được bố trí ngồi trên những chiếc xe diễu qua Quảng trường Đỏ như gần 60 năm trước đó, họ tham gia cuộc duyệt binh lịch sử ngày 7/11/1941 ở Quảng trường Đỏ và đi thẳng ra mặt trận trong Chiến dịch Moscow.
Ngày 9/5/2008, một lễ kỷ niệm với quy mô hoành tráng nhất kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ được tổ chức tại Quảng trường Đỏ với sự xuất hiện của hàng loạt các vũ khí như tên lửa xuyên lục địa RT-2PM Topol, tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa BM-30 Smerch, hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M1, hệ thống phòng không liên hợp di động 9K22 Tunguska, xe thiết giáp chiến đấu dành cho bộ binh cơ giới BMP-3, pháo tự hành 2S19 Msta, máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95, máy bay tiêm kích MiG-29, máy bay tiếp dầu trên không Ilyushin Il-78. Đoàn xe quân sự không chỉ diễu qua Quảng trường Đỏ mà còn diễu binh qua đại lộ Arbat mới, đại lộ hiện đại nhất của Moscow.
Ngày 9/5/2009, toàn bộ cựu chiến binh Nga và các nước SNG trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại được mời đã đến Moscow. Tại cuộc diễu binh này, người Nga tiếp tục giới thiệu các vũ khí mới như các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 và S-400 Triumf SAM, tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn 9K37 Buk, xe tăng chủ lực T-90.