Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng có lần "than vãn" về điều này.
"Chúng tôi đã có cơ hội tiếp xúc tại Peru sau khi hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru kết thúc. Khi chúng tôi chờ đợi để bắt đầu hội nghị, tôi quan sát Tổng thống Putin và thấy ông ấy rất hiếm khi mỉm cười", nhà lãnh đạo Philippines nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
Lý giải về điều này, các nhà nghiên cứu Ba Lan trong một nghiên cứu hồi năm 2016 chỉ ra rằng, Tổng thống Nga - Putin giống như nhiều người người Nga không mấy tin tưởng vào những người hay cười.
|
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik) |
Người Nga thường quan niệm, nụ cười là biểu hiện của sự thiếu thành thật. Nếu ở Thụy Sĩ, người ta vẫn coi nụ cười là dấu hiệu của sự trung thực thì ở Nga, nụ cười được coi là có liên quan đến sự dối trá.
Tục ngữ Nga có câu: "Cười mà không cần lý do. Đó là dấu hiệu của sự ngu ngốc". Chính vì vậy, với người Nga, cười nhiều chưa chắc đã thể hiện bạn là một người thân thiện.
Người Nga hiếm khi cười với người lạ, không cười đáp lễ và cũng phải kiếm đủ các lý do mới khiến họ mỉm cười.
Vì vậy sẽ chẳng có gì lấy làm lạ nếu một cô bán hàng sẽ chẳng bao giờ cười với bạn nếu bạn không phải là khách quen hay một người đi đường sẽ hiếm khi cười với bạn nếu bạn chủ động mỉm cười bắt chuyện.
Bên cạnh đó, những người hay cười ở Nga bị xem là ngốc nghếch. Không chỉ Nga quan niệm như vậy, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng ở Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Hàn Quốc và Pháp, những người hay cười được coi là những người có chỉ số thông minh thấp.
Mặc dù vậy, người ta thi thoảng vẫn bắt gặp những khoảnh khắc nhà lãnh đạo Nga không nhịn được cười ngay cả trong những cuộc họp căng thẳng.
Trong cuộc họp về sự phát triển ngành nông nghiệp Nga diễn ra hồi tháng 10, Tổng thống Putin đã phải ôm mặt cười khi nghe đề xuất bán thịt lợn sang quốc gia Hồi giáo Indonesia của Bộ trưởng Nông Nghiệp Alexander Tkachev.