Trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xấu đi khi cả Washington và Bắc Kinh đều không thể tìm ra được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, thì chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vào tháng 6 vừa qua hầu như không đủ "tiếng nói" cần thiết để một trong hai nước chấp nhận xuống thang căng thẳng. Bởi bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ liên quan đến vấn đề an ninh mà còn cả thương mại song phương của cả hai vốn trị giá lên đến hàng trăm tỷ USD.
Mới đây, hãng thông tấn Reuters dẫn nguồn thạo tin ngày 31/7 cho biết, Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch đề xuất áp dụng mức thuế 25% đối với gần 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và có thể sẽ đưa ra tuyên bố chính thức về kế hoạch áp thuế vào ngày 1/8.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: ucpublicaffairs.com |
Trước đó, ngày 10/7, chính phủ Mỹ cho biết sẽ đề xuất áp thuế 10% lên hàng nghìn sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, từ thực phẩm và đồ nội thất đến hóa chất, thép và nhôm với tổng giá trị gần 200 tỷ USD. Động thái nâng hàng rào thuế quan từ 10 lên 25% có thể khiến đối đầu thương mại Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng nay lại tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.
Cũng trong tháng 7/2018, Mỹ đã thông báo đánh thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm nhiều mặt hàng như máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao. Ngay lập tức, Bắc Kinh đáp trả với mức thuế tương đương đánh vào hàng hóa Mỹ.
Những động thái áp thuế thương mại, trả đũa lẫn nhau liên tục giữa Mỹ và Trung Quốc khiến dư luận lo ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Và hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Donald Trump sẽ “hạ nhiệt” căng thẳng đối với các vấn đề gây tranh cãi trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Trên thực tế, ngay từ khi Tổng thống Trump nhậm chức hồi tháng 1/2017, giới phân tích đã dự đoán mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ đối mặt với nhiều "sóng gió".
Mời độc giả xem thêm video: Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng vì tin tức hồi năm 2013 (Nguồn: VTC14)
Tờ Diplomat dẫn nhận định của Tiến sĩ Liu Youfa, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Viện Pangoal cho biết, xét trên nhiều khía cạnh, mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ khó có thể được cải thiện sau khi ông Trump cầm quyền.
Cụ thể, xét theo góc độ chính trị, các Chính phủ Mỹ kế tiếp nhau vẫn nghi ngờ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Về kinh tế, Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cả hai đều là động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hai nền kinh tế này có sự chênh lệch về mức độ phát triển. Mặc dù là đối tác thương mại lớn của nhau, nhưng vẫn chưa đàm phán và ký kết được một thỏa thuận thương mại tự do.
Về an ninh, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không đủ khả năng để xây dựng một mối quan hệ hài hòa bởi họ có chiến lược toàn cầu khác nhau và Mỹ vẫn chưa quen với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Đáng chú ý, vấn đề Đài Loan luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm hàng đầu trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ-Trung.
Một nguồn tin mới đây cho biết, Quân đội Mỹ dự kiến sẽ triển khai lực lượng quân sự đến tòa nhà mới của Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) với mục đích để bảo vệ các nhân viên của Mỹ ở đó. Về phần mình, Bắc Kinh sẽ xem hành động này là “sự phá hoại chính sách Một Trung Quốc", đồng thời cảnh báo sẽ triển khai “ngày càng nhiều biện pháp đáp trả mà Washington sẽ phải đối mặt”.
Mặc dù chưa rõ Mỹ sẽ triển khai lực lượng đến tòa nhà AIT hay không nhưng thông tin này tiếp tục đẩy mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc chìm sâu trong khủng hoảng.
Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Renmin Trung Quốc ở Bắc Kinh và là cố vấn của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cho biết ông “không lạc quan” về triển vọng quan hệ song phương Mỹ - Trung.
Mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình từng đóng vai trò quan trọng để ổn định bước khởi đầu nhiều “sóng gió” trong mối quan hệ Mỹ-Trung nhưng theo Jie Dalei, Phó Giáo sư về Quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, điều đó không có nghĩa là có thể tác động tới quyết định ra chính sách của ông Trump.
Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu và cũng là hai quốc gia có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Chính vì vậy, bất kỳ một cuộc chiến thương mại hay đối đầu quân sự nào giữa hai nước đều gây ra những hậu quả khó lường, gây tổn hại đến nền kinh tế thế giới.