Bộ Tài chính Mỹ cho biết đang lên kế hoạch bán khoảng 294 tỷ USD trái phiếu chính phủ. Đây là khoản trái phiếu có giá trị lớn nhất từng được bán trong 1 tuần từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nguồn thu chính phủ Mỹ đang giảm sút nghiêm trọng sau quyết định cắt giảm thuế của Tổng thống Trump. Bất chấp lãi suất vay tăng nhanh, Washington buộc phải tăng lượng trái phiếu bán ra nhằm chi trả cho các khoản sắp đáo hạn vào cuối tuần này.
Thời điểm nhạy cảm
Việc Mỹ đẩy mạnh bán các loại trái phiếu chính phủ diễn ra trong thời điểm tương đối nhạy cảm. Mới tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố áp đặt hàng loạt dòng thuế nhắm vào các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ nợ hiện nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ hơn bất cứ quốc gia nào khác.
|
Tổng thống Trump công bố quyết định đánh thuế nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ với tuyên bố sẽ đáp trả tới cùng nếu chiến tranh thương mại nổ ra. Khi được hỏi liệu Trung Quốc có cân nhắc bán ra trái phiếu chính phủ Mỹ nhằm đáp trả Washington, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cho biết nước này sẽ xem xét "mọi lựa chọn".
Trung Quốc hiện nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 1.170 tỷ USD. Trong tháng 12/2017 và tháng 1/2018, lượng trái phiếu này đã giảm khoảng 1,4%.
"Chúng ta phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư quốc tế từ châu Á để đảm bảo luôn có nguồn ngân sách tài chính dồi dào. Rất nhiều người hiện theo sát tình hình ngân sách của chúng ta", Rick Rieder, trưởng bộ phận đầu tư toàn cầu của tập đoàn quản lý tài sản BlackRock, nói với CNN.
Chi phí vay nợ của Mỹ đang tăng cao
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED hiện đã dừng mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Cơ quan này dự định ban hành chương trình tài chính với mục tiêu giữ chi phí vay mượn của Mỹ ở mức thấp. Các nhà đầu tư hiện lo ngại lạm phát có thể buộc FED phải tăng tỉ lệ lãi suất ngắn hạn, khiến tất cả các trái phiếu trở nên đắt đỏ hơn.
Washington dự kiến sẽ chi tiêu nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Tuần trước, Tổng thống Trump đã ký dự luật chi tiêu 1,3 nghìn tỷ USD, đồng nghĩa với nhu cầu vay mượn của Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng.
|
Chuyên gia kinh tế Guy LeBas. Ảnh: Bloomberg. |
Thâm hụt ngân sách của Mỹ đạt 215 tỷ USD riêng trong tháng 2 vừa qua, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Ủy ban Ngân sách liên bang nhận định có khả năng thâm hụt ngân sách sẽ vượt quá 1.000 tỷ USD trong năm tới. Các tổ chức giám sát tài chính cảnh báo Mỹ có thể sẽ phải chi hơn 1.000 tỷ USD để chi trả cho lãi suất của các khoản vay vào năm 2028 nếu chính sách hiện nay vẫn được duy trì.
"Các nhà đầu tư sẽ không từ bỏ trái phiếu của Mỹ, nhưng họ có thể yêu cầu mức lãi suất cao hơn", ông LeBas nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Rieder dự đoán chi phí vay mượn của chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt trong nửa cuối năm 2018. Tuy nhiên, ông Rieder cho rằng sẽ vẫn có nhu cầu rất lớn đối với trái phiếu chính phủ Mỹ từ các công ty bảo hiểm nhân thọ và các quỹ hưu trí.
"Nhu cầu đối với các tài sản thu nhập cố định là rất lớn. Điều này giúp hạn chế phần nào trần tăng của lãi suất trái phiếu", ông Rieder cho biết.