Hơn hai tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai nước này vẫn chưa đạt được bất cứ kết quả khả quan nào và thậm chí ngày càng rơi vào bế tắc.
Trước tình hình trên, Triều Tiên đã nhiều lần bày tỏ ý định và có những động thái thiện chí với hy vọng sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 với nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh hôm 12/6 tại Singapore. Ảnh: Reuters. |
Đầu tháng 9, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Trump đã nhận được một lá thư "rất tích cực" từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nội dung bức thư bày tỏ mong muốn sẽ có cuộc gặp tiếp theo giữa hai nhà lãnh đạo sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore tháng 6/2018.
"Mục đích chính của lá thư là lên lịch một cuộc họp khác với ngài tổng thống", bà Sarah nói.
Trong cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 từ ngày 18-20/9 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng bày tỏ hy vọng sẽ sớm được gặp lại Tổng thống Mỹ và cùng làm việc để nhanh chóng hoàn tất quá trình phi hạt nhân hóa. Cũng tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều này, Triều Tiên tuyên bố sẽ đóng cửa bãi thử động cơ tên lửa Tongchang-ri và sẵn sàng đóng cửa các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon nếu Mỹ có các bước đi tương xứng.
Đáp lại, ngày 24/9, Tổng thống Trump cho biết cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ sớm diễn ra. Phát biểu tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump khẳng định mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đã được cải thiện đáng kể.
Và trong cuộc phỏng vấn với tờ Fox News hôm 25/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiết lộ, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 có thể sẽ diễn ra vào cuối năm 2018.
Mời độc giả xem thêm video: Ông Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ (Nguồn: VTC1)
Có lẽ hơn ai hết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump là những người mong chờ nhất cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 để có thể tháo gỡ bế tắc, trao đổi cụ thể hơn về vấn đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên cũng như đạt được những mục tiêu riêng của mình.
Có thể thấy, sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore, uy tín của Tổng thống Mỹ dường như đã được tăng lên nhờ việc ông giảm nguy cơ xung đột vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên và thuyết phục Bình Nhưỡng trao trả những hài cốt được cho là lính Mỹ tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953).
Điều này rất cần thiết trong bối cảnh nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa niệm kỳ vào tháng 11/2018.
Được biết, theo truyền thống, Đảng của Tổng thống Mỹ đương nhiệm thường bị mất ghế nghị sĩ nhiều hơn trong các kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ. Năm nay, Đảng Dân chủ đứng trước thời cơ thuận lợi khi chỉ cần thắng ít nhất 23 ghế Hạ nghị sĩ để giành quyền kiểm soát Hạ viện trong Quốc hội khóa mới.
Giới quan sát nhận định, thành công của cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều lần 3 đã mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 và có thể giúp ông Trump đảo ngược tình thế trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới, mang lại chiến thắng cho Đảng Cộng hòa.
Về phía Triều Tiên, nước này khẳng định sẽ tập trung vào phát triển kinh tế thay vì chương trình hạt nhân tên lửa. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt kinh tế khắt khe mà Washington khẳng định là sẽ không nới lỏng cho tới khi Bình Nhưỡng có các bước đi cụ thể hơn để chứng minh ý định phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mặc dù Tổng thống Trump đã đưa được vấn đề hạt nhân Triều Tiên vào đúng lộ trình nhưng phải mất rất nhiều thời gian mới nhận được kết quả rõ rệt.
“Việc thiết lập một mối quan hệ kiểu mới giữa Mỹ và Triều Tiên không dễ dàng xảy ra chỉ trong một đêm. Điều này cũng đúng với phi hạt nhân hóa. Nó là một tiến trình chứ không phải một sự kiện”, ông John Delury, Giáo sư trường Đại học Yonsei ở Seoul, Hàn Quốc, bình luận.