Sau 6 năm, trào lưu dội nước đá chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến nay, số tiền quyên góp thông qua hoạt động này đã chạm mốc 220 triệu USD với hơn 20 triệu lượt tham gia, theo Yonkers Times.
|
Nữ ca sĩ Rita Ota tham gia "Ice Bucket Challenge".
|
Trong báo cáo công khai tài chính năm 2015, Hiệp hội ALSA cho biết đã sử dụng 77 triệu USD phục vụ cho công việc nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị bệnh, 23 triệu USD hỗ trợ các bệnh nhân và dịch vụ cộng đồng. Hiệp hội cũng mở rộng, nâng tổng số trung tâm và phòng khám của mình từ 100 lên 156.
Có thể nói, đây là một trong những thử thách thành công và đem lại nhiều tiền nhất trên thế giới.
Thử thách ý nghĩa nhất, thành công nhất
“Ice Bucket Challenge” lần đầu xuất hiện vào tháng 6/2014. Đây là một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức xã hội về bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), hay còn biết đến với cái tên “bệnh Lou Gehrig”, đồng thời khuyến khích quyên góp tìm cách chữa trị.
Trong thử thách, một người đăng video lên cảnh bản thân bị dội xô nước đá lạnh lên đầu lên Internet, đính kèm hashtag #icebucketchallenge. Sau đó, người này đề cử tối thiểu 3 cá nhân khác làm điều tương tự trong thời hạn 24 tiếng.
Người nào bị gọi tên mà không tham gia sẽ phải đóng góp 100 USD. Còn những ai đã dội nước đá thì chỉ cần đóng tối thiểu 10 USD.
“Ice Bucket Challenge” nhanh chóng trở thành một hiện tượng vào mùa hè năm 2014. Chỉ tính riêng từ 1/7-17/8, trào lưu đã tiếp cận gần 28 triệu người trên nền tảng Facebook với hơn 2,4 triệu video quay cảnh dội nước đá.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng góp mặt trong chiến dịch dội nước đá.
|
Theo AdNews, 10 quốc gia có lượng người tham gia đông đảo nhất gồm: Mỹ, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Brazil, Đức, Philippines, Puerto Rico và Ấn Độ.
Hàng loạt người nổi tiếng cũng góp mặt vào trào lưu này, bao gồm tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush…
Sự thành công của trào lưu dội nước đá còn là tiền đề cho những thử thách về sau như thử thách Hipster Challenge - chống lại lao động trẻ em, thử thách ăn rau mầm (Brussel Challenge) - chấm dứt nạn đói trẻ em, thử thách ăn tương ớt Sriracha (Sriracha Challenge) - quyên góp cho các cựu chiến binh vô gia cư…
Tuy vậy, dù đây là một trào lưu đơn giản, dễ thực hiện, không ít trường hợp gặp chấn thương, thậm chí tử vong khi tham gia chiến dịch “Ice Bucket Challenge”.
Ngày 27/8/2014, một nam thanh niên 18 tuổi chết đuối khi nhảy xuống mỏ đá ngập nước ở Scotland. Tại Mỹ, ít nhất hai lính cứu hỏa thuộc bang Kentucky bị giật điện khi đứng gần nguồn điện trong lúc đổ nước đá.
|
Mặc dù được gọi tên nhiều lần, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama kiên quyết từ chối tham gia "Ice Bucket Challenge".
|
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cấm đại sứ và nhân viên ngoại giao cấp cao tham gia chiến dịch dội nước đá lên đầu.
"Quy định đạo đức của chính phủ cấm quan chức sử dụng vị thế vì lợi ích riêng, cho dù mục tiêu đó cao đẹp. Vì vậy, các quan chức cấp cao bị cấm tham gia thách thức đổ nước đá", Marie Harf, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thời điểm đó, tuyên bố.
Những nhà khởi xướng
Một trong những người đầu tiên khởi xướng thử thách dội nước đá là Pete Frates (sinh năm 1984) - một cựu sinh viên Đại học Boston (bang Massachusetts, Mỹ). Anh vốn là một cầu thủ có năng khiếu bẩm sinh, có thể chơi các môn như bóng đá, bóng chày và khúc côn cầu.
Đáng tiếc, anh được chẩn đoán mắc hội chứng ALS ở tuổi 28.
Frates biết đến “Ice Bucket Challenge” từ Patrick Quinn (sinh năm 1983), nhà sáng lập chiến dịch và cũng là một người cũng mắc hội chứng ALS. Theo lời mời của Quinn, anh thực hiện thử thách vào tháng 7/2014 và nó nhanh chóng tạo cơn sốt ở Boston.
|
Pete Frates (trái) và Patrick Quinn.
|
Mặc dù không phải người sáng lập thử thách, Frates là gương mặt tiêu biểu trong chiến dịch vận động nâng cao nhận thức về căn bệnh xơ cứng teo cơ một bên, cho đến khi anh qua đời vào tháng 9/2019.
“Frates chưa từng một lời than vãn về bệnh tình. Thay vào đó, anh ấy xem đây là cơ hội để mang lại hy vọng cho những bệnh nhân khác và gia đình của họ. Anh quyết tâm thay đổi ‘hướng đi’ của căn bệnh vô phương cứu chữa”, gia đình Frates chia sẻ.
Ngày 22/11 vừa qua, Quinn cũng lìa trần, hưởng dương 37 tuổi. Cộng đồng ALS Greater New York vinh danh anh là một “nhân vật xuất chúng”.
“Pat Quinn, một người ủng hộ nhiệt tình và đồng sáng lập nên ALS 'Ice Bucket Challenge', đã giúp thay đổi cuộc chiến chống căn bệnh xơ cứng teo cơ một bên, gây quỹ hàng trăm triệu USD và đem lại hy vọng mới cho bệnh nhân trên toàn thế giới”, cộng đồng này chia sẻ.
Hội chứng ALS là một căn bệnh thoái hóa thần kinh ảnh hưởng đến não và tủy sống. Nó gây ra tình trạng cứng cơ, co giật và làm yếu cơ, khiến bệnh nhân khó nói, nuốt và hít thở.
Bệnh nhân thường chỉ sống được thêm 2-5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán. Hiện nguyên nhân gây ra căn bệnh cũng như phương pháp chữa trị vẫn chưa được tìm ra.