Triều Tiên liệu có đáp ứng điều kiện khắt khe của Mỹ?

Google News

Quan hệ Mỹ-Triều tiếp tục bị thử thách khi Mỹ kiên quyết duy trì biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng cho đến khi nước này phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Triều Tiên cáo buộc Mỹ đang "chơi trò nước đôi", thậm chí là tự tay phá hủy cơ hội ngoại giao hiếm hoi giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trông đợi sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai cùng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Thời gian qua, Triều Tiên không ít lần thể hiện sự bất bình khi Mỹ “hành xử đơn phương”, “nôn nóng” và có phần “thiếu thực tế” với những đòi hỏi khắt khe về tiến trình phi hạt nhân hóa.
Theo giới quan sát, Mỹ vẫn kiên quyết áp đặt trừng phạt để uy hiếp Triều Tiên, buộc nước này phải lựa chọn con đường phi hạt nhân hóa. Nhưng có vẻ như Bình Nhưỡng không dễ gì chấp nhận chính sách “thù địch, đối đầu” của Washington vốn đang được cho là đi ngược lại với những tiến triển tích cực, đáng khích lệ thời gian qua trên bán đảo Triều Tiên. Điều này còn tiếp tục gây bất lợi cho các cuộc đàm phán hạt nhân vốn đang lâm vào bế tắc giữa hai bên.
Trieu Tien lieu co dap ung dieu kien khat khe cua My?
 Nhà lãnh đạo Triều Tiêm Kim Jong-un (bìa trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lần gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ nhất. Ảnh: Defense News.
Triều Tiên hôm qua (16/10) hối thúc Mỹ ngay lập tức dỡ bỏ các lệnh cấm vận nhằm vào nước này vì cho rằng hai bên sẽ không thể thúc đẩy đàm phán với những rào cản mang tên “lệnh trừng phạt". Theo Triều Tiên, trong khi nước này đã ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên lục địa được một thời gian dài, thì cách hành xử cứng rắn của Mỹ rõ ràng là không phù hợp với các hành động hòa giải của Triều Tiên.
Tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều bên liên quan. Nga và Trung Quốc đều đã nhất trí ủng hộ việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, xem đây là bước đi cần thiết, tạo điều kiện để Bình Nhưỡng “hiện thực hóa” mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Trong bối cảnh đó, Mỹ cũng đang tích cực tìm kiếm sự hợp tác từ Nga trong vấn đề Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thông báo, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun hôm qua (16/10) đã gặp giới chức Nga để đảm bảo sự phối hợp đầy đủ giữa hai bên trong các nỗ lực xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Mỹ cam kết sẽ hợp tác với các bên quan tâm, trong đó có Nga, trong việc thực hiện một cách mạnh mẽ và liên tục các lệnh trừng phạt của quốc tế để tiến bước với quá trình phi hạt nhân hóa”.
Việc Mỹ khăng khăng quan điểm áp đặt trừng phạt cho thấy rõ nước này vẫn coi đây là thứ vũ khí lợi hại nhất để uy hiếp Triều Tiên, bất chấp những cải thiện mạnh mẽ theo hướng đối thoại và hòa giải thời gian qua, trong bối cảnh quốc tế nhất trí ủng hộ quan điểm các bên cùng ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ việc tái khởi động các cuộc đối thoại giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, cũng như các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Chúng tôi sẵn sàng sử dụng vai trò của mình với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để góp phần đạt được mục tiêu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng".
Nhiều chuyên gia nhận định, cốt lõi của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là vấn đề an ninh mà chìa khóa hiện nằm trong tay của Mỹ và Triều Tiên. Vì vậy, sự tin cậy lẫn nhau giữa hai bên vào thời điểm này là hết sức quan trọng cho tiến trình đàm phán hạt nhân, nhất là khi tiến trình này đang gặp phải nhiều rào cản do khoảng cách về lập trường chưa được thu hẹp, chưa kể tiếp tục hứng chịu thêm sức ép từ những đòi hỏi khắt khe từ Mỹ.
Theo Phương Anh/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)