Chèo lái "con thuyền" nước Nga vượt qua sóng gió và "cập bến" thành công là trách nhiệm hết sức nặng nề được đặt lên vai của Tổng thống Putin trong chặng đường sáu năm sắp tới.
Thách thức mà ông Putin phải đối mặt trước hết là những vấn đề trong nước. Sau hơn bốn năm oằn mình chống chọi với các lệnh trừng phạt của phương Tây nền kinh tế Nga đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu tăng trưởng trở lại.
|
Tổng thống Vladimir Putin. |
Kết thúc năm 2017, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga tăng 1,5% và dự báo trong năm nay tiếp tục đà tăng trưởng.
Theo giới phân tích, sự hồi phục của nền kinh tế Nga phần lớn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài, một trong số yếu tố chủ chốt là giá dầu mỏ (chiếm tới 40% nguồn thu ngân sách) thế giới tăng.
Rõ ràng, nền kinh tế Nga vẫn đang bị lệ thuộc vào giá "vàng đen" và điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh Nga đang cần phát triển các mỏ dầu mới nhưng phương Tây lại áp đặt lệnh cấm bán cho Moskva các công nghệ khoan nước sâu để khai thác dầu mỏ.
Bộ trưởng Tài nguyên Nga Sergei Donskoi từng cảnh báo nếu không phát triển các mỏ dầu mới, sản lượng khai thác dầu của nước này sẽ sụt giảm từ năm 2020 do số mỏ dầu khó khai thác tăng lên.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, Nga đã rất nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế và gặt hái được một số thành công nhất định, trong đó đáng chú ý nhất là nền nông nghiệp "lột xác" thực sự khi mang về 20 tỷ USD xuất khẩu.
Song, những thành công đó chưa đủ để giúp nền kinh tế Nga trụ vững trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài, cũng như góp phần cải thiện đời sống người dân.
Theo Cơ quan Thống kê Nga (Rosstat), thu nhập thực tế của người dân Nga trong suốt bốn năm qua liên tục giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương đối cao 5,1%, khoảng 20 triệu người dân đang phải sống dưới mức nghèo đói, tỷ lệ sinh đẻ có chiều hướng đi xuống... Do đó, ông Putin sẽ phải đẩy mạnh cải cách để hiện đại hóa nền kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm mới và qua đó nâng cao phúc lợi người dân.
Giới phân tích cảnh báo nếu chính sách kinh tế của ông Putin thất bại sẽ gây ra xáo trộn nghiêm trọng trong đời sống chính trị-xã hội ở xứ sở Bạch Dương.
Có lẽ, ý thức được điều này nên ngay sau khi tái đắc cử ông Putin tuyên bố hướng ưu tiên trong chương trình nghị sự của nhiệm kỳ Tổng thống mới là công tác đối nội.
Theo đó, Nga sẽ tập trung phát triển trong lĩnh vực như y tế, giáo dục, sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng, cùng với các phương hướng rất quan trọng khác để tiến về phía trước và nâng cao mức sống cho người dân.
Tập trung lo các vấn đề quốc kế dân sinh, song ông Putin cũng không thể lơ là việc đảm bảo năng lực quốc phòng và an ninh khi mà đất nước đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa.
Mỹ cùng các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ráo riết tiến sát biên giới phía Đông của Nga.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, NATO đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực sát biên giới Nga lên gấp ba lần kể từ năm 2012 đến nay, hoạt động này buộc Moskva phải sẵn sàng có biện pháp đáp trả.
Để đáp trả mối đe dọa này không còn cách nào khác buộc Nga phải tiếp tục chương trình hiện đại hóa quân đội và mua sắm vũ khí hiện đại trong điều kiện ngân sách eo hẹp.
Nga đang cân nhắc giảm chi tiêu quốc phòng nhằm tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế. Nhưng kế hoạch này ít tính khả thì vì nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của quân đội, cũng như hoạt động của tổ hợp công nghiệp quốc phòng, vốn mang về cho Nga mỗi năm hơn 15 tỷ USD xuất khẩu vũ khí.
Hơn nữa, mối đe dọa đối với an ninh nước Nga không chỉ xuất hiện từ bên ngoài mà còn hiện hữu ngay trong nước. Hàng nghìn chiến binh người Nga chiến đấu trong hàng ngũ lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng sau khi bị đánh bại ở Syria đã quay về nước mang theo tư tưởng cực đoan và rắp tâm thực hiện hành động tội ác.
Chỉ tính riêng năm 2017, Nga đã ngăn chăn thành công 60 âm mưu tấn công khủng bố.
Trên lĩnh vực đối ngoại, chưa bao giờ trong lịch sử nước Nga hiện đại, Moskva phải hứng chịu sức ép ghê gớm như hiện nay. Mỹ cùng các đồng minh phương Tây không ngừng siết chặt vòng vây cô lập và trừng phạt Nga.
Phương Tây tìm đủ mọi lý do để gây hấn với Nga, mà mới đây nhất là vụ cha con cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh. Không chỉ bị cuốn vào "cuộc chiến" ngoại giao mà Nga và Mỹ từng suýt đụng độ quân sự trực tiếp tại Syria.
Nguy cơ này chưa được loại bỏ hoàn toàn khi quân đội Mỹ tiếp tục bám trụ lại tại quốc gia Trung Đông này. Bên cạnh đó, "điểm nóng" Donbass, miền Nam Ukraine, cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ thổi bùng sự đối đầu trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.
Căng thẳng trong quan hệ Nga và phương Tây gây thiệt hại to lớn cho cả hai phía, ảnh hưởng tiêu cực tới việc giải quyết nhiều hồ sơ quốc tế nỏng bỏng.
Nga rất cần vốn và công nghệ để phát triển nền kinh tế số, trong khi phương Tây rất cần thị trường tiêu thụ khổng lồ của Nga.
Vì vậy, việc thực thi chính sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt, song vẫn bảo đảm các lợi ích quốc gia nhằm cải thiện quan hệ với phương Tây rất có thể được ông Putin đưa vào danh sách những ưu tiên trong chương trình nghị sự của mình. Một vấn đề khá quan trọng nữa là lựa chọn người kế nhiệm.
Theo Hiến pháp Nga, sau năm 2024, ông Putin, khi đó đã ở tuổi 78, không được phép tiếp tục tái tranh cử nên vấn đề tìm kiếm người kế nhiệm được cọi là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất.
Tuy nhiên, để tìm được một người có đủ năng lực lãnh đạo, đảm bảo tính kế thừa đường lối phát triển đất nước, đồng thời nhận được sự ủng hộ của cử trị không phải là việc dễ dàng.
Theo giới phân tích, nếu Putin tìm kiếm người kế nhiệm quá muộn, thì người này có thể sẽ không có đủ thời gian để chuẩn bị gánh vác trách nhiệm nặng nề trong vai trò tổng thống. Việc này có thể sẽ khiến chính trường Nga bất ổn và rối ren dưới thời kỳ "hậu Putin."
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về cả đối nội lẫn đối ngoại, song đa số người dân xứ sở Bạch Dương đều tin rằng dưới sự "chèo lái" của Tổng thống Putin nước Nga sẽ vượt qua được sự bao vây, cô lập và trừng phạt của phương Tây, đồng thời thực hiện thành công công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế, củng cố an ninh và quốc phòng và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.