Theo Politico, ở thời điểm hiện tại, các cố vấn Nhà Trắng ủng hộ đàm phán với Trung Quốc đã mất đi tiếng nói. Trước đây, Bộ Tài chính Mỹ dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Steven Mnuchin từng nhiều lần bác bỏ việc đưa Trung Quốc vào danh sách các nước "thao túng tiền tệ" theo yêu cầu của Nhà Trắng.
Tuy nhiên điều đó đã thay đổi vào ngày 5/8 khi Trung Quốc phá giá đồng NDT xuống mức 7 NDT đổi được 1 USD để trả đũa việc ông Trump đánh thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bộ Tài chính Mỹ chính thức cáo buộc Trung Quốc "thao túng tiền tệ".
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ trên Twitter trước khi Bộ Tài chính lên tiếng chính thức. Ảnh: Getty. |
Câu hỏi nhiều người đặt ra là tại sao Bộ Tài chính Mỹ thực hiện nước cờ này bất chấp các quan điểm trái chiều. Hồi tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mô tả đồng NDT "không bị dìm giá, cũng không bị nâng giá". Trên Washington Post, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cho rằng Trung Quốc không thao túng tiền tệ.
"Phải hành động"
Một nguồn tin từ Nhà Trắng tiết lộ với Politico rằng quyết định đưa Trung Quốc vào danh sách "thao túng tiền tệ" không đơn thuần xuất phát từ việc nước này phá giá đồng NDT, mà còn vì những hành xử và tuyên bố trước đó của Bắc Kinh về tiền tệ. Và Bộ trưởng Mnuchin đã thảo luận kỹ với Tổng thống Trump về vấn đề này.
Politico dẫn lời nhà phân tích Gary Hufbauer của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định về cơ bản, Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thao túng tiền tệ vì không can thiệp để hỗ trợ đồng NDT dù có rất nhiều tiền mặt trong tay. "Đó là quy định mới do Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa ra", ông Hufbauer nói.
Trên CNBC, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow khẳng định đội ngũ của ông Trump hoàn toàn đồng thuận với quyết định "xử" Trung Quốc vì phá giá đồng NDT. "Toàn bộ đội ngũ thương mại, trong đó có tôi, ủng hộ Tổng thống Trump 100%. Khi Trung Quốc vi phạm các quy định của chúng ta, WTO và G-20, chúng ta phải hành động", ông Kudlow nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng nhiều khả năng ông Trump là người trực tiếp ra lệnh cho Bộ Tài chính ra thông báo đưa Trung Quốc vào danh sách "thao túng tiền tệ". Trước khi Bộ Tài chính lên tiếng, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc công khai trên Twitter.
|
Toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ giờ đều chịu thuế 10-25%. Ảnh: Getty. |
"Ông ấy không cần ai nói rằng đó là một ý tưởng hay. Ông ấy chỉ cần một thời điểm. Tổng thống đã ngứa mắt với Trung Quốc từ giữa tháng 7", Politico dẫn lời chuyên gia Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ khẳng định.
Nguồn tin từ Nhà Trắng tiết lộ trên thực tế ông Trump muốn đánh thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc ngay từ tháng 7. Các cố vấn như Bộ trưởng Mnuchin và ông Kudlow thuyết phục ông chủ Nhà Trắng chờ đến khi cuộc đàm phán ở Thượng Hải kết thúc.
Khi Bộ trưởng Mnuchin thông báo cuộc họp tại Thượng Hải không đem lại kết quả như Mỹ mong muốn, ông Trump thông báo việc đánh thuế hàng Trung Quốc trên Twitter. Một cựu quan chức Nhà Trắng cũng cho rằng việc cáo buộc Bắc Kinh "phá giá tiền tệ" xuất phát từ những bức xúc kéo dài của ông Trump với việc Trung Quốc không nhập hàng nông sản Mỹ.
Những quan ngại trước mắt và con bài Huawei
Theo Politico, quan ngại lớn nhất của các cố vấn Nhà Trắng là chiến tranh thương mại leo thang sẽ ảnh hưởng xấu tới thị trường chứng khoán. Sau những cú đòn qua lại giữa Washington và Bắc Kinh, thị trường chứng khoán Mỹ đã đánh mất sạch những tăng trưởng ấn tượng trong 12 tháng qua.
CNBC cho biết trong ngày 6/8, chỉ số S&P 500 đứng ở mức 2.851,67, bằng đúng ngày 6/8/2018. Ngày 5/8 là ngày giao dịch tồi tệ nhất trong 12 tháng qua của thị trường chứng khoán Mỹ. Dù vậy, cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro cho rằng đây chỉ là "phản ứng quá đà của thị trường". Nhìn chung, giá cổ phiếu Mỹ vẫn cao hơn thời điểm ông Trump thắng cử khoảng 30%.
Nền kinh tế Mỹ cũng bị ảnh hưởng với GDP giảm xuống 2,1% trong quý II/2019 và đầu tư trong nước giảm 5,5%. Nông dân Mỹ - lực lượng cử tri quan trọng của ông Trump - đang đối mặt với nhiều khó khăn sau khi Trung Quốc chính thức ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ.
Theo RBC Capital Markets, xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc giảm từ 16,2 tỷ USD năm 2017 xuống 7,5 tỷ USD năm 2018 và chắc chắn sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới. "Việc Trung Quốc thông báo ngừng mua nông sản Mỹ là một cú đòn mạnh đánh vào hàng nghìn nông dân Mỹ", ông Zippy Duvall, Chủ tịch Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ, tuyên bố hôm 5/8.
|
Giới chuyên gia nhận định Huawei có thể sẽ đóng vai trò giảm căng thẳng Mỹ - Trung. Ảnh: Getty. |
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể đạt được thỏa thuận thương mại trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 và Cục Dự trữ Liên bang sẽ phải giảm lãi suất hai lần trong năm nay để hạn chế các tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại.
Nền kinh tế Mỹ hạ nhiệt sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ hội tái đắc cử của ông Trump. "Tổng thống Trump đang đối mặt với thế lưỡng nan. Chính sách cứng rắn của ông có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và điều đó sẽ tác động mạnh đến cơ hội tái đắc cử của ông. Nhưng mặt khác, ông ấy đã cam kết sẽ cứng rắn với Trung Quốc", CNN dẫn lời nhà phân tích David Dollar của Viện Brookings.
Theo Politico, một yếu tố có thể ảnh hưởng đến chiến tranh thương mại là quyết định của Mỹ đối với Huawei. Bộ Thương mại Mỹ vẫn đang xem xét việc cấp giấy phép cho các công ty Mỹ bán linh kiện cho Huawei. Chuyên gia Derek Scissors cho rằng việc Washington nhẹ tay với Huawei có thể là động thái hạ nhiệt căng thẳng. Khi đó, Bắc Kinh hoàn toàn có thể nối lại nhập khẩu nông sản Mỹ.
"Ông Trump không quan tâm đến Huawei. Ông ấy sẽ không coi việc cấp giấy phép cho các công ty Mỹ bán hàng cho Huawei là hành động nhượng bộ", chuyên gia Scissors dự báo.