"Đức phải chi tiêu nhiều hơn. Cả Tây Ban Nha và Pháp nữa. Thật không công bằng với những gì mà họ làm với Mỹ", Tổng thống Trump nói với các phóng viên sau khi tiết lộ đã gửi thư tới các lãnh đạo Đức, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Luxembourg, Na Uy và Hà Lan.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters) |
Về phần mình, Berlin khẳng định họ đã hoàn thành nghĩa vụ trong chi tiêu quốc phòng trong khi Brussels cho biết Bỉ đã "ngăn chặn sự sụp đổ có hệ thống trong chi tiêu quốc phòng và tham gia vào rất nhiều hoạt động quân sự".
"Tôi không ấn tượng lắm với bức thư kiểu này", Thủ tướng Bỉ Charles Michel nói với các phóng viên.
Theo giới chuyên gia, việc Tổng thống Trump gửi thư tay tới các đồng minh khi mà hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 2 tuần tới có thể sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng giữa Mỹ và các quốc gia châu Âu vốn đã âm ỉ từ sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada hồi đầu tháng 6.
Nhà lãnh đạo Mỹ trước đó từng nhiều lần chỉ trích các đồng mình NATO đã không đáp ứng được cam kết chi tiêu 2% GDP dành cho ngân sách quốc phòng.
Đầu tháng 5/2018, trong cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra tại trụ sở mới của NATO ở Brussels, Tổng thống Donald Trump tuyên bố có tới 23/28 quốc gia thành viên không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa đóng góp đúng những gì phải làm, có nghĩa là chưa đạt mức tối thiểu dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng mà hạn chót cho lộ trình gia tăng này là đến năm 2024.
Đáp lại những chỉ trích này, các đồng minh của Mỹ đã tăng mức chi tiêu quốc phòng để đáp ứng yêu cầu của Washington, đồng thời cam kết sẽ cố gắng dành 20% chi tiêu quốc phòng để mua sắm trang thiết bị cho tới trước năm 2024.
Vào tháng 2/2018 Pháp công bố dự thảo ngân sách quốc phòng giai đoạn 2018-2025, theo đó tăng 40% khoản chi ngân sách từ 34,2 tỷ euro lên 54 tỷ. Với kế hoạch này, Pháp tiến gần hơn tới mục tiêu tỷ lệ chi ngân sách quốc phòng chiếm 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) yêu cầu đối với các nước thành viên.
Theo các báo cáo quân sự độc lập, hiện toàn bộ 28 quốc gia thành viên NATO dành hơn 900 tỷ euro cho cho tiêu quốc phòng, trong đó, chỉ riêng Mỹ đã đóng trên 70% với 664 tỷ euro, trong khi các nước thành viên NATO ở châu Âu chỉ đóng góp 240 tỷ euro.