Từ 1/3, chính quyền Thượng Hải - thành phố đông dân và giàu có nhất Trung Quốc - sẽ hạn chế phẫu thuật thẩm mỹ và cấm xăm mình đối với trẻ vị thành niên. Lý do là cả hai đều đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ nước này, theo SCMP.
Theo đó, người dưới 18 tuổi ở thành phố này sẽ không được phép thực hiện các thủ thuật làm đẹp y tế nếu không có sự chấp thuận từ người giám hộ. Riêng các tiệm xăm bị cấm hoàn toàn cung cấp dịch vụ cho nhóm khách hàng này.
|
Muốn có đôi mắt hai mí, đông người trẻ Trung Quốc chọn can thiệp dao kéo. Ảnh: Reuters.
|
Theo So Young, chuyên gia trong ngành công nghiệp làm đẹp, Trung Quốc đang trải qua bùng nổ số lượng người trẻ tuổi tìm tới các biện pháp chỉnh sửa, cải thiện vẻ ngoài.
Ước tính, thị trường này ở quốc gia đông dân nhất thế giới có giá trị hơn 184 tỷ nhân dân tệ (29,1 tỷ USD). Năm ngoái, dựa trên báo cáo của tờ Legal Daily, tạo, cắt mắt hai mí là lựa chọn phổ biến nhất với trẻ vị thành niên Trung Quốc.
Thủ thuật này gồm việc cắt thêm một nếp gấp trên mí mắt. Số đông người dân nước này sở hữu đôi mắt một mí - đặc điểm dễ nhận thấy của người dân khu vực Đông Á.
Lo sợ giới trẻ sa đà
Phó giáo sư Zhu Wei từ Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc cho biết động thái của Thượng Hải là cần thiết và chính quyền các thành phố khác nên học hỏi.
"Đua nhau đi xăm mình, phẫu thuật thẩm mỹ làm người trẻ nhầm lẫn cách họ nhìn nhận bản thân và giá trị của họ. Nghiêm trọng hơn, các thủ thuật này có nhiều rủi ro về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, nhất là các cơ sở mở trái phép, không đảm bảo đủ điều kiện an toàn", phó giáo sư nói.
|
Trong khi giới trẻ coi phẫu thuật là cách giúp họ tự tin lên, giới chức trách lại lo ngại chuyện này có thể khiến thanh niên nhìn nhận lệch lạc về bản thân và người khác. Ảnh: CNN.
|
Theo một báo cáo trong ngành của công ty tư vấn iResearch có trụ sở tại Thượng Hải, vào năm 2019, chỉ có 14% nhà cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc có giấy đăng ký hợp pháp.
Trong khi đó, Hiệp hội Thẩm mỹ Trung Quốc cho biết họ nhận được khoảng 20.000 đơn khiếu nại về tình trạng biến dạng do phẫu thuật thất bại mỗi năm. Con số thống kê bao gồm nhóm người trưởng thành.
Tuy nhiên, phó giáo sư cho biết các nhà chức trách cần tránh việc thực thi chính sách mới một cách quá máy móc.
"Một số phẫu thuật, chẳng hạn như chữa khe hở môi, nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Vì vậy, cần có những quy định khác nhau về hoạt động chữa bệnh dị tật bẩm sinh với phẫu thuật thẩm mỹ", ông nhấn mạnh.
|
Giống với Hàn Quốc, Nhật Bản, việc xăm mình không được nhìn nhận với ánh mắt thiện cảm ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
|
Trước đó, thành phố Quảng Châu ở phía nam, một trung tâm khác của các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc, ban hành lệnh cấm tương tự vào năm 2014.
Chính quyền cho biết trẻ vị thành niên không được can thiệp dao kéo, nhưng các trung tâm phẫu thuật có thể thực hiện nếu bệnh nhân có sự chấp thuận của người giám hộ trong một vài trường hợp đặc biệt.
Đối với xăm mình, hoạt động này đã biến thành trào lưu thịnh hành trong giới trẻ. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn phản đối việc này. Chính quyền trung ương Trung Quốc cũng nghiêm cấm việc người nổi tiếng "có mực" trên người.
Ví dụ, các cầu thủ thuộc đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc bị cấm có hình xăm hoặc để lộ hình xăm trong lúc thi đấu. Sau lệnh cấm, Tổng cục Thể thao tuyên bố "những người đã có hình xăm nên tự giác đi xóa".
Hiện, không có quy định độ tuổi tối thiểu trên toàn quốc để xăm hình ở Trung Quốc. Để so sánh, Mỹ cũng không có quy định cấp quốc gia về độ tuổi tối thiểu, song 50 bang đã ra lệnh cấm người dưới 18 tuổi có hình xăm.