Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao là ứng phó có hiệu quả với đại dịch Covid-19, đồng thời cũng là một trong số ít quốc gia tại khu vực vẫn duy trì được nền kinh tế phát triển dương và có nhiều triển vọng sau đại dịch.
|
Ông Nguyễn Quốc Cường (trái) trong một sự kiện văn hóa Nhật Bản năm 2017. Ảnh: Tác giả cung cấp. |
Thành phần "hùng hậu" của phái đoàn Nhật Bản với hơn 160 thành viên phần nào cho chúng ta thấy Thủ tướng Suga rất coi trọng ý nghĩa của chuyến công du nước ngoài đầu tiên này của mình.
Trước chuyến thăm, ông đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và dành thời gian tiếp riêng đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.
Các bộ, ngành liên quan của cả hai nước đã làm việc không kể ngày đêm để chuẩn bị cho chuyến thăm nhằm bảo đảm chuyến thăm sẽ là một dấu ấn, một cột mốc mới quan trọng trong quan hệ hai nước trong tình hình mới.
Tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp hai nước
Về quan hệ song phương, chuyến thăm là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước không chỉ rà soát lại hồ sơ quan hệ song phương. Quan trọng hơn, đó là việc lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi để thống nhất những định hướng phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện này trong những năm tiếp theo, từ quan hệ chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa giáo dục, nguồn nhân lực…
|
Thủ tướng Suga Yoshihide và đoàn cấp cao Nhật Bản tới sân bay Nội Bài tối 18/10. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang có những chuyển biến ngày càng phức tạp và khó lường, đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên phạm vi toàn cầu và chưa có dấu hiệu chững lại, các nước một mặt vừa tiếp tục ứng phó với đại dịch, vừa phải khôi phục và duy trì đà phát triển kinh tế.
Một nhiệm vụ "kép" dường như rất khó khả thi nếu không có sự hợp tác quốc tế một cách có hiệu quả.
Vì lẽ đó, người dân và doanh nghiệp hai nước đều trông chờ những kết quả tốt đẹp và tích cực của chuyến thăm sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho hợp tác cùng có lợi giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.
Khi các quốc gia bắt đầu chuẩn bị hành trang và kế hoạch của mình cho thời kỳ "hậu Covid-19" thì hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư chắc chắn sẽ là trọng tâm hàng đầu của chuyến thăm.
Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất của mình để tránh quá phụ thuộc vào một, hai thị trường.
Việt Nam và Đông Nam Á là lựa chọn khả thi cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Vì vậy, bản thân chuyến thăm đã là tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp của cả hai nước tăng cường hợp tác cùng có lợi trong thời gian tới.
Theo công bố của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) hồi tháng 7 vừa qua, trong tổng số 30 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên bày tỏ nguyện vọng muốn dịch chuyển một phần hay toàn bộ sản xuất của họ sang khu vực Đông Nam Á, có tới 15 doanh nghiệp Nhật Bản, tức là 50%, muốn lựa chọn Việt Nam.
Hy vọng sau chuyến thăm, số doanh nghiệp Nhật Bản muốn vào Việt Nam sẽ tăng nhiều hơn nữa.
Ý nghĩa tầm khu vực và quốc tế
Nhìn rộng ra ngoài tầm quan hệ song phương, chuyến thăm còn mang những ý nghĩa quan trọng ở tầm khu vực và quốc tế.
Việt Nam hiện giữ vai trò chủ tịch ASEAN, đồng thời là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam và Nhật Bản cũng là những nước chủ trương và tích cực tham gia vào các thể chế kinh tế quốc tế nhằm tạo thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại và đầu tư như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
|
Thủ tướng Suga nhậm chức hồi giữa tháng 9, thay thế ông Shinzo Abe. Ảnh: AP. |
Vì vậy, Việt Nam có thể là điểm đến đầu tiên lý tưởng để tân thủ tướng Nhật Bản khẳng định chính sách hay đưa ra các sáng kiến mới nhằm tăng cường liên kết, hợp tác của Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á, với ASEAN, và rộng hơn nữa là với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà chính Nhật Bản là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng liên kết này từ năm 2007.
Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á và các hội nghị cấp cao khác mà Việt Nam, với tư cách chủ tịch ASEAN 2020, sẽ là nước chủ trì.
Ông Suga có thể bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Nhật Bản để Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị quan trọng nêu trên vào tháng 11 tới, đồng thời thể hiện vai trò tích cực và xây dựng của Nhật Bản đối với hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Tác dụng lan tỏa của chuyến thăm không chỉ giới hạn trong quan hệ song phương và ở tầm khu vực, mà theo đánh giá của tôi, sự lan tỏa đó sẽ còn lớn hơn thế.
Thủ tướng Suga Yoshihide là vị đứng đầu chính phủ nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát buộc các nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và thắt chặt việc đi lại.
Hy vọng rằng tiếp sau chuyến thăm của thủ tướng Nhật Bản, sẽ có thêm nhiều vị nguyên thủ quốc gia, nhiều người đứng đầu chính phủ của các nước sẽ tới thăm Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và các nước sẽ lựa chọn Việt Nam, một điểm đến an toàn, thân thiện và nhiều triển vọng hứa hẹn.
Chúng ta trông chờ chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và phu nhân gặt hái nhiều thành công.
Hy vọng rằng ông Suga và phu nhân khi kết thúc chuyến thăm về nước sẽ mang theo mình những kỷ niệm đáng nhớ về lòng mến khách, những tình cảm gần gũi và tin cậy của cả lãnh đạo và người dân Việt Nam.
Nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Quốc Cường giữ chức đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản từ tháng 7/2015 đến tháng 10/2018. Nhiệm kỳ của ông diễn ra sau khi hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vào năm 2014 và chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ.
Hoạt động tiếp xúc cấp cao diễn ra liên tục, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của Nhật hoàng Akihito (đã thoái vị, hiện là thượng hoàng Nhật Bản) từ 28/2 đến 5/3/2017. Quan hệ thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân cũng có những bước phát triển nhanh chóng.
|
Đại sứ Nguyễn Quốc cường trình quốc thư lên nhà vua Nhật Bản Akihito tháng 7/2015. Ảnh: Tác giả cung cấp. |
Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011), là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số hai (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch thứ ba, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường là đại sứ đầu tiên của Việt Nam đi thăm cả 47 tỉnh thành của Nhật Bản. Ông được gọi bằng những cái tên thân mật như "đại sứ xoài", "đại sứ thanh long" vì các hoạt động quảng bá và xúc tiến tiêu thụ nông sản Việt tại đất nước Mặt Trời mọc.