Thấy gì từ tham vọng hạt nhân của Saudi Arabia

Google News

Lãnh đạo Saudi Arabia cho biết cần năng lượng hạt nhân đề giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, việc Saudi Arabia xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên đang dấy lên lo sợ nước này muốn tìm kiếm vị trí cường quốc hạt nhân trong một khu vực.
 

Lò phản ứng sắp hoàn thành
Thay gi tu tham vong hat nhan cua Saudi Arabia
Vị trí lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Saudi Arabia đang được xây ở ngoại ô Riyadh. Ảnh: Google Earth 
Trên một khu vực ở ngoại ô Riyadh, một công trình xây dựng đang nhanh chóng biến thành nơi ra đời của tham vọng tìm kiếm sức mạnh hạt nhân.
Theo ông Robert Kelley, cựu Giám đốc thanh tra hạt nhân tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hình ảnh vệ tinh mới cho thấy đang có tiến triển nhanh chóng trong xây dựng một lò phản ứng hạt nhân thử nghiệm, chỉ ba tháng sau khi Saudi Arabia thông báo kế hoạch xây dựng. Ông Kelley ước tính rằng lò phản ứng này có thể được hoàn thành trong 9 tháng tới 1 năm nữa.
Saudi Arabia đã công khai về chương trình hạt nhân với IAEA. Cơ quan này từng cử một nhóm tới Saudi Arabia tháng 7 năm ngoái để kiểm tra kế hoạch xây dựng.
Saudi Arabia liên tục cam kết rằng chương trình hạt nhân mang mục đích hòa bình. Tuy nhiên, Thái tử Mohammed bin Salman từng nói năm 2018: “Chắc chắn nếu Iran phát triển bom hạt nhân, chúng tôi sẽ làm theo càng sớm càng tốt”.
Một điều gây lo ngại cho các chuyên gia trong ngành và một số nghị sĩ Mỹ là việc Saudi Arabia khẳng định nước này cần được phép tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân thay vì nhập khẩu dưới điều kiện nghiêm ngặt.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2018, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al Falih nói: “Thật không bình thường khi chúng tôi mang urani làm giàu từ nước ngoài về để nạp nhiên liệu cho các lò phản ứng của mình”.
Tầm nhìn 2030
Saudi Arabia công khai tham vọng hạt nhân cách đây 9 năm, nhưng kế hoạch này đã được đẩy quá nhanh trong Tầm nhìn 2030 của Hoàng thái tử. Đây là chiến lược để giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và đa dạng hóa cả kinh tế lẫn ngành năng lượng ở Saudi Arabia.
Thay gi tu tham vong hat nhan cua Saudi Arabia-Hinh-2
Tổng thống Trump (phải) và Hoàng thái tử Saudi Arabia năm 2018 tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP 
Saudi Arabia tiêu thụ khoảng 1/4 lượng dầu mỏ sản xuất trong nước và sản lượng có thể tương đối ổn định ngay cả khi nhu cầu năng lượng dự kiến tăng gấp ba vào năm 2030.
Tầm nhìn 2030 có chiến lược cho năng lượng mặt trời và gió cũng như năng lượng hạt nhân nhằm đáp ứng 1/3 nhu cầu năng lượng từ các nguồn phi dầu mỏ.
Về lâu dài, Saudi Arabia muốn có 17 gigawatt năng lượng hạt nhân vào năm 2040, đủ để đáp ứng 15% nhu cầu.
Lò phản ứng thử nghiệm đang được xây dựng tại tổ chức Thành phố Khoa học và Công nghệ Vua Abdulaziz được thiết kế để tập huấn các nhà khoa học. Theo ông Kelley, lò phản ứng này chỉ to bằng một thùng rác và không có tầm quan trọng chiến lược. Lò phản ứng này phải cần cả 100 năm để sản xuất đủ plutoni dùng cho một vũ khí hạt nhân.
Tiếp đó, Saudi Arabia muốn xây hai lò phản ứng thương mại và đang tìm kiếm nhà thầu. Hiện có 5 nhà thầu được cân nhắc: Westinghouse của Mỹ và các công ty của Nga, Trung Quố, Pháp và Hàn Quốc.
Saudi Arabia cũng ký thỏa thuận với Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc để thăm dò trữ lượng urani ở Saudi Arabia.
IAEA đã cử một nhóm tới Saudi Arabia trong tháng 7/2018 để rà soát quá trình xây dựng cơ sở hạt tầng năng lượng hạt nhân. Nhóm này kết luận rằng Saudi Arabia có thể chốt kế hoạch xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên thông qua quan hệ đối tác với các nước có ngành năng lượng hạt nhân.
Trong một chuyến thăm Riyadh hồi tháng 1, ông Mikhail Chudakov, Phó Tổng giám đốc IAEA, xác nhận Saudi Arabia tiến bộ lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân.
Thay gi tu tham vong hat nhan cua Saudi Arabia-Hinh-3
 Ông Robert Kelley. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, khi Saudi Arabia muốn chuyển sang giai đoạn tiếp theo là cấp nhiên liệu cho lò phản ứng và xây dựng nhà máy thương mại, họ sẽ phải để IAEA can dự nhiều hơn.
Ông Kelley nói: “Họ đã được miễn 30 năm từ khi ký hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Giờ họ sẽ phải làm một số công việc giấy tờ nghiêm túc và đồng ý để thanh tra nếu họ muốn có nhiên liệu hạt nhân”.
Lo ngại của nghị sĩ Mỹ
Trong Quốc hội Mỹ, một số thành viên cho rằng Saudi Arabia có thể không là một đối tác đáng tin, nhất là sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại ở Istanbul năm 2018. Saudi Arabia bị cho là có dính líu đến vụ sát hại ở cấp cao nhất.
Thay gi tu tham vong hat nhan cua Saudi Arabia-Hinh-4
 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: THX/TTXVN
Sự việc này được đưa ra khi các nghị sĩ Mỹ xem xét chương trình hạt nhân của Saudi Arabia. Họ cũng đặt câu hỏi liệu chính quyền của Tổng thống Donald Trump có làm đủ để đảm bảo không phổ biến hạt nhân.
Khi được hỏi liệu có thể chấp nhận Saudi Arabia là một cường quốc hạt nhân hay không, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rõ trong một cuộc phỏng vấn ngày 5/4: “Chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra. Chúng ta sẽ không cho phép điều đó xảy ra bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tổng thống hiểu mối đe dọa của phổ biến hạt nhân. Chúng ta sẽ không bao giờ viết tờ séc 150 triệu USD cho Saudi Arabia và trao cho họ khả năng đe dọa Israel và Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Không bao giờ”.
Theo một nghị quyết lưỡng viện được trình ở Thượng viện hồi tháng 2, sử dụng công nghệ năng lượng hạt nhân Mỹ ở Saudi Arabia phải đi kèm với biện pháp bảo vệ nhằm đảm bảo Saudi Arabia không thể làm giàu urani hay tái xử lý nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeff Merkley, một người bảo trợ cho nghị quyết, nói: “Mỹ không được vô tình giúp phát triển vũ khí hạt nhân cho một nhân tố xấu trên thế giới”.
Các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện hồi tháng 2 cho rằng các quan chức Nhà Trắng năm 2017 đã thúc đẩy bán công nghệ hạt nhân cho Saudi Arabia bất chấp cảnh báo từ quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia. Một phát ngôn viên của các nghị sĩ Cộng hòa tại Ủy ban Tình báo Hạ viện cho rằng cáo buộc trên là “thuyết âm mưu lố bịch”.
Trong một cuộc trao đổi căng thẳng tại Ủy ban Quân lực Thượng viện cuối tháng 3, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry nói nếu Mỹ không hợp tác với Saudi Arabia, nước này sẽ tìm tới Nga hay Trung Quốc để phát triển ngành hạt nhân. Ông nói: “Đó là lý do tại sao chúng ta tiếp tục làm việc rất chăm chỉ để tìm cách đưa những nước muốn phát triển chương trình hạt nhân dân sự vào quỹ đạo của Mỹ, vì chúng ta cam kết không phổ biến hạt nhân”.
Ông Perry cho biết Bộ Năng lượng đã chấp nhận đề nghị xin bán công nghệ năng lượng hạt nhân và hỗ trợ Saudi Arabia từ các công ty Mỹ. Tuy nhiên, bộ không cho phép chuyển giao vật liệu, thiết bị hoặc thành phần hạt nhân.
Iran tức giận
Thay gi tu tham vong hat nhan cua Saudi Arabia-Hinh-5
 Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. Ảnh: IRNA/TTXVN
Trong khi đó, Iran cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump định bán công nghệ hạt nhân cho Saudi Arabia mà không hề có biện pháp đảm bảo đầy đủ.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hồi tháng 2 viết trên Twitter: “Đầu tiên là vụ nhà báo bị phân xác, giờ là phi vụ mờ ám bán công nghệ hạt nhân cho Saudi Arabia. Hai vụ vạch trần hoàn toàn thói đạo đức giả của Mỹ”.
Trong tháng 3, ông Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối can Iran đã cáo buộc các quốc gia trong khu vực phát triển các dự án hạt nhân đáng nghi, và việc này sẽ buộc Iran phải xem lại chiến lược phòng vệ.
Theo CNN, cho dù chiến lược năng lượng của Saudi Arabia là gì đi chăng nữa và mức độ chân thành trong cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân đến đâu, thì chỉ riêng việc tồn tại một chương trình hạt nhân là đã đủ gia tăng căng thẳng khắp Vùng Vịnh.
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức

>> xem thêm

Bình luận(0)