Khi quyền lợi của Mỹ bị đe dọa
Cuối năm 2017, tổ chức khủng bố IS gần như bị đẩy hoàn toàn ra khỏi các khu vực chiếm đóng ở Syria. Nhưng cuộc chiến chống khủng bố đã nhường chỗ cho một cuộc đối đầu mới. Người Kurd đã không trao trả các vùng lãnh thổ được giải phóng khỏi những kẻ khủng bố cho chính quyền trung ương Damas và quyết định tăng cường hợp tác với Mỹ. Ranh giới chia cắt giữa chính quyền Damas và lực lượng người Kurd là sông Euphrates. Phía Đông của dòng sông này do người Kurd chiếm đóng là nơi có nhiều mỏ dầu, hiện đang được các công ty quân sự tư nhân của Mỹ kiểm soát việc khai thác.
“Chúng tôi đang thực hiện các bước để củng cố lực lượng tại tỉnh Deir ez-Zor, Syria, trong đó bao gồm cả các lực lượng cơ giới, để bảo đảm rằng IS sẽ không thể tiếp cận các mỏ dầu ở đây, từ đó cho phép chúng có nguồn thu để tiến hành các cuộc tấn công trong khu vực, vào châu Âu và Mỹ”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Epser nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp với các đối tác trong NATO hôm thứ Sáu tuần trước. Ông Esper đã xác nhận việc duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ ở căn cứ Al-Tanf, phía Tây Syria. Ông Esper nói: “Chúng tôi cũng đang xem xét làm thế nào tái bố trí các lực lượng của mình trong khu vực để bảo đảm an toàn cho các mỏ dầu. Nếu cần thiết, tất cả các lực lượng sẽ được lệnh quay trở lại Syria”.
|
Binh sĩ Mỹ gần một mỏ dầu ở Syria |
Sau khi thông báo vào ngày 6-10-2019 về việc rút 1.000 lính Mỹ khỏi phía Đông Bắc Syria, để mở đường cho một chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng người Kurd, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng một số lượng nhỏ binh sĩ Mỹ sẽ ở lại Syria để bảo vệ các khu vực có dầu. “Trước đây, chúng tôi từng bảo đảm an ninh cho các mỏ dầu ở Syria. Chúng tôi sẽ bảo vệ các mỏ dầu đó và quyết định sẽ làm những gì trong tương lai”, ông Trump tuyên bố ngày 24-10-2019.
Cùng ngày, Lầu Năm Góc đã xác nhận việc gửi quân tiếp viện để bảo vệ các mỏ dầu ở Syria, nhưng không nói rõ số lượng và thiết bị. Ngày 26-10-2019, AFP dẫn lời một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, một đoàn xe gồm khoảng 13 xe quân sự của Mỹ đã vào Syria từ nước láng giềng Iraq.
Về mặt chính thức, việc Mỹ gửi quân trở lại Syria là ngăn chặn IS chiếm lại các mỏ dầu lớn nhất Syria, hiện đang được liên minh Arab-Kurd của lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ở tỉnh Deir ez-Zor kiểm soát. Những chiến lược mới này thể hiện sự thay đổi hoàn toàn trong quan điểm của Mỹ. Trước đây, Mỹ đã biện minh cho sự hiện diện của họ trên đất Syria là nhằm chống lại IS mặc dù Tổng thống Syria Bashar al-Assad không muốn Washington làm điều đó, chuyên gia Nick Heras thuộc Trung tâm An ninh Mỹ nói với AFP. Theo chuyên gia này, về cuộc xung đột Syria, chính quyền Mỹ đang cố gắng nắm giữ nguồn tài nguyên dầu mỏ của Syria làm con tin và sử dụng chúng làm điều kiện trao đổi để buộc Tổng thống Assad và Nga chấp nhận yêu cầu của Mỹ trong quá trình giải quyết chính trị cuộc xung đột Syria. Nhiệm vụ của Mỹ ở Syria đang chuyển từ cuộc đấu tranh cao quý chống lại tổ chức khủng bố đáng sợ nhất thế giới sang một cuộc mặc cả ảo tưởng buộc Tổng thống Assad thay đổi hành vi của mình bằng cách chiếm giữ dầu của Syria.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump thậm chí còn đề nghị cử một trong các công ty dầu lớn của Mỹ đến khai thác dầu của Syria. Lý giải cho kế hoạch này, ông Trump nói rằng, dầu mỏ ở Syria rất có giá trị vì nhiều lý do. Thứ nhất, đây là nhiên liệu tiếp tế của IS. Thứ hai, nó giúp cho người Kurd, vì nó về cơ bản bị lấy đi từ người Kurd. Và cuối cùng, nó có thể giúp Mỹ, vì Mỹ cũng nên có phần của mình. Theo AFP, hai công ty dầu khí lớn nhất của Mỹ hoạt động ở Trung Đông là Exxon Mobil và Chevron hiện từ chối bình luận về lời đề nghị này.
Hợp pháp hay không?
“Điều đó sẽ là bất hợp pháp”, cựu đặc phái viên đặc biệt của Mỹ tại Syria, Brett McGurk, người đã từ chức vào tháng 12-2018, nói trong một cuộc họp báo. “Dù muốn hay không, dầu mỏ Syria thuộc về nhà nước Syria” ông Brett McGurk nói. Nhà ngoại giao này cho biết, Mỹ đã có một thời gian dài ấp ủ ý tưởng khai thác dầu của Syria, theo thỏa thuận với Moscow và đưa lợi nhuận kiếm được vào một quỹ phát triển sẽ được trao lại cho Nhà nước Syria sau khi nội chiến kết thúc.
“Những gì Washington hiện đang làm, chiếm giữ và kiểm soát các mỏ dầu ở miền Đông Syria, chẳng khác nào cướp đoạt tài nguyên dầu mỏ của Syria”, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định trong một tuyên bố ngày 26-10-2019. Mỹ không có sứ mệnh theo luật quốc tế hay luật của nước Mỹ về tăng cường sự hiện diện ở Syria. Động thái của Mỹ thực chất là nhằm bảo vệ những kẻ buôn lậu dầu, chứ không phải do các mối lo ngại an ninh thực sự. “Mọi mỏ dầu và tài nguyên khoáng sản trên lãnh thổ Syria không thuộc về những kẻ khủng bố IS và chắc chắn cũng không thuộc về những người Mỹ chống IS, mà là tài sản của Syria”, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Hồi đầu tháng 8-2019, nhật báo Izvestia của Nga dẫn lời Đại tướng Sergei Rudskoy - Cục trưởng Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga - cho biết, số lượng các công ty quân sự tư nhân của Mỹ đã gia tăng mạnh tại các cơ sở dầu mỏ ở Syria. Theo Đại tướng Rudskoy, nhìn chung, việc sản xuất nhiên liệu bất hợp pháp đang diễn ra trên các mỏ al-Omar, Tanak và Konako ở tỉnh Deir ez-Zor. Đây là những mỏ dầu khí lớn nhất. Ngoài ra, các hoạt động tương tự cũng đã diễn ra tại một số mỏ nhỏ khác ở các tỉnh lân cận Hassaké và Racca, vùng lãnh thổ hiện do quân đội người Kurd thuộc lực lượng Dân chủ Syria kiểm soát, sau khi đánh đuổi những kẻ khủng bố IS ra khỏi các vùng lãnh thổ này với sự giúp đỡ của người Mỹ. “Có một mạng lưới tội phạm cung cấp dầu xuyên biên giới của Syria. Đây là một sự cướp bóc tài sản quốc gia của Syria”, tướng Rudskoy nói.
|
Xe quân sự của Mỹ bảo vệ giếng dầu ở Syria |
Laurie Blank, Giáo sư Trường Luật Emory thuộc Đại học Emory ở Atlanta, Georgia, nói: “Luật pháp quốc tế chắc chắn chống lại những kiểu khai thác như vậy”. Trong khi đó, Bruce Riedel, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và hiện là thành viên cao cấp của Viện Brookings nhận định: “Đây không chỉ dừng lại là động thái pháp lý đáng ngờ, nó gửi đi thông điệp tới toàn bộ khu vực và thế giới rằng Mỹ muốn đánh cắp dầu”.
Xét về trữ lượng hydrocarbon và mức độ sản xuất, Syria không so sánh được với các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là các nước vùng Vịnh. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu cuộc xung đột, Syria đã sản xuất gần 400.000 thùng mỗi ngày. Phần lớn lượng dầu này đã được xuất khẩu sang châu Âu, mang lại vài tỉ euro mỗi năm cho chính quyền Damas.
Việc buôn lậu dầu của những kẻ khủng bố, các lệnh trừng phạt, chiến tranh, hành động của người Kurd và các đồng minh Mỹ đã làm tổn hại nghiêm trọng nền kinh tế Syria. Bộ trưởng Dầu mỏ Syria Ali Ghanem cho biết, thiệt hại trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực dầu mỏ của Syria trong năm 2018 lên tới hơn 74 tỉ USD.
Việc buôn lậu dầu của những kẻ khủng bố, các lệnh trừng phạt, chiến tranh, hành động của người Kurd và các đồng minh Mỹ đã làm tổn hại nghiêm trọng nền kinh tế Syria. Bộ trưởng Dầu mỏ Syria Ali Ghanem cho biết, thiệt hại trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực dầu mỏ của Syria trong năm 2018 lên tới hơn 74 tỉ USD.