Một loạt cáo buộc về vũ khí sinh học Triều Tiên thời gian qua làm dấy lên nỗi lo về sự tái diễn của kịch bản chiến tranh Iraq.
Dồn dập cáo buộc
Mới nhất là thông tin dấu vết kháng thể bệnh than được tìm thấy trên người một binh sĩ Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc năm nay. Theo đài truyền hình Channel A (Hàn Quốc) hôm 26/12, một quan chức giấu tên ở Seoul tiết lộ binh sĩ này được cho là đã bị phơi nhiễm hoặc được tiêm chủng ngừa bệnh than, một căn bệnh nguy hiểm do vi khuẩn gây ra.
Điều này có nghĩa là người lính đã miễn dịch với bệnh than trước khi đào tẩu. Hiện chưa có thông tin gì về danh tính và thời điểm đào tẩu chính xác của người này.
|
Hai ông Ri Pyong-chol (bìa trái) và Kim Jong-sik (bìa phải) vừa bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt. Ảnh: REUTERS. |
Trước đó vài ngày, tờ Asahi đưa tin Triều Tiên đang bắt đầu thử nghiệm để đưa vi khuẩn bệnh than lên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng vươn đến lục địa Mỹ. Dẫn một nguồn tin thân cận với giới tình báo Hàn Quốc, tờ báo Nhật Bản này cho biết Bình Nhưỡng đã bắt đầu các cuộc thí nghiệm để tìm hiểu xem liệu vi khuẩn bệnh than có thể chịu nổi sức nóng và áp lực khi ở trên một ICBM hay không.
Ngoài ra, có thông tin chưa được kiểm chứng nói rằng Triều Tiên đã thành công trong các thí nghiệm giúp vi khuẩn bệnh than sống sót trong điều kiện nhiệt độ lên đến hơn 7.000 độ C, tương đương mức nhiệt độ ICBM gặp phải khi trở lại bầu khí quyển.
Chưa hết, trong Chiến lược An ninh quốc gia công bố hôm 18/12, Nhà Trắng cáo buộc Bình Nhưỡng đang "theo đuổi các vũ khí hóa học và sinh học" có thể "được phát tán bằng tên lửa". Văn kiện này cho biết Triều Tiên "đã chi hàng trăm triệu đô la cho vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học" có thể đe dọa Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã phủ nhận những cáo buộc này cũng như khẳng định với tư cách là một bên tham gia Công ước Vũ khí sinh học (BWC), họ duy trì lập trường kiên định phản đối phát triển, sản xuất, dự trữ và sở hữu vũ khí sinh học.
Mỹ lại kiếm cớ?
Không dừng lại ở đó, Bình Nhưỡng còn tố Washington tìm cách tạo ra cái cớ cho một hành động quân sự chống lại nước này, như từng làm khi xâm lược Iraq năm 2003. Theo đài RT (Nga), so sánh này không phải không có cơ sở bởi vũ khí sinh học được nói đến trong cả 2 trường hợp cũng có điểm chung.
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 5/2/2003, Ngoại trưởng Mỹ khi đó, ông Coln Powell, sử dụng một lọ mẫu phẩm bệnh than để minh họa cáo buộc chế độ Tổng thống Iraq Saddam Hussein có thể đã sản xuất đến 25.000 lít chất độc này. Tuy nhiên, ông Powell sau này thừa nhận mình đã bị cộng đồng tình báo lừa bởi không có bằng chứng nào cho cáo buộc trên.
Nguy cơ kịch bản chiến tranh Iraq tái diễn xuất hiện giữa lúc Mỹ tăng sức ép và cả dọa dẫm lên Triều Tiên. Nhà chức trách Mỹ hôm 26/12 thông báo lệnh trừng phạt đối với 2 quan chức Triều Tiên đứng sau chương trình tên lửa của nước này - Kim Jong-sik và Ri Pyong-chol.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, ông Kim Jong-sik là nhân vật chủ chốt đứng sau nỗ lực chuyển từ nhiên liệu lỏng sang nhiên liệu rắn trong chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Trong khi đó, ông Ri Pyong-chol đóng vai trò quan trọng trong phát triển ICBM.
Trái với sự cứng rắn của Mỹ, Nga không ngừng kêu gọi kiềm chế và cảnh báo những hậu quả thảm khốc nếu xung đột quân sự nổ ra. Hôm 26/12, Điện Kremlin cho biết sẵn sàng đóng vai trò trung gian cho các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên nếu hai bên chịu để Moscow làm thế.
Trong cuộc điện đàm cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng việc Washington có những lời lẽ hung hăng và tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực đã làm bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng và đây là điều không thể chấp nhận được.
Phản ứng trước đề nghị trên, theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Washington vẫn để ngỏ khả năng đối thoại nhưng Triều Tiên trước hết cần có những hành động thành thật, có ý nghĩa hướng đến phi hạt nhân hóa và không có thêm động thái khiêu khích.
Đây không phải là lần đầu tiên Moscow muốn góp sức giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó, Nga cùng với Trung Quốc từng đề xuất kế hoạch đóng băng kép - Mỹ và các đồng minh ngưng tập trận trong lúc Triều Tiên ngưng chương trình tên lửa, hạt nhân. Tuy nhiên, Washington hồi tháng 8 đã bác bỏ kế hoạch này.