Yanomami (Yąnomamö hoặc Yanomama) là một tộc người ở rừng nhiệt đới Amazon, biên giới giữa Venezuela và Brazil. Tộc này có dân số chừng 20.000 người và tổ chức sống vào khoảng 200–250 ngôi làng và tạo thành nhóm bộ lạc lớn nhất trong rừng Amazon, họ sống tương đối biệt lập.
Bộ tộc Yanomani được cho là xuất hiện từ thế kỉ 17. Tới hiện tại, họ vẫn sống hoang dã như thuở trước với lối săn bắt, canh tác và hoạt động thương mại duy nhất là buôn bán bông, thuốc lá tự trồng. Người Yanomami làm nông, đốt nương làm rẫy và trồng trọt. Họ săn khỉ, nai, chim cánh cụt.
|
Bộ tộc Yanomami ở những cánh rừng Amazon khiến cả thế giới kinh ngạc, khi họ duy trì tập tục... uống tro cốt người chết sau khi hỏa táng. |
Lối sống có phần hoang dã là lý do người Yanomami vẫn duy trì những nghi thức mai táng đáng sợ, uống tro cốt người chết là một trong số đó.
Người Yanomami không coi cái chết là lẽ tất yếu của sự sống. Đối với họ, ai đó mất đi là vì pháp sư của bộ lạc đối thủ đã cử một linh hồn độc ác đến tấn công.
Bộ lạc này tin rằng có sự tồn tại của thế giới linh hồn. Khi người trong bộ lạc chết đi, họ tìm cách giữ linh hồn người đó ở lại. Không còn cách nào khác, là khiến thân xác người chết được hòa với thân xác người sống cho nên khi người trong bộ lạc chết đi, dân làng sẽ tiến hành đốt xác và ăn tro cốt.
|
Đàn ông Yanomami thường chỉ mặc một chiếc khố che vùng nhạy cảm. |
Chỉ những người có uy tín trong bộ lạc và là đàn ông mới được thực hiện nghi thức này. Họ tắm rửa sạch sẽ, lau sạch mọi vật dụng, kể cả con dao và cung tên đeo bên hông cũng được mài rửa sạch tinh. Chế biến tro người chết thành nhiều món ăn. Tro cốt người chết được hòa lẫn với món súp chuối. Xác chết được đặt lên một giàn củi. Người có uy tín trong bộ lạc sẽ châm lửa đốt.
Trong thời gian đốt xác, những người đàn ông sẽ ở bên đống lửa trông coi suốt ngày đêm. Họ liên tục mồi thêm củi khô để xác chết được tan rã nhanh chóng. Khi thịt xương người chết đã thành than, thì những người đàn ông này sẽ cho vào cối và giã nhuyễn thành bột. Thứ bột của xác chết này được đựng trong những quả bầu khô và được cất giữ ở một nơi trang trọng trong nhà.
|
Tro cốt được chế biến hoặc làm gia vị cho nhiều món, trong đó có món chính là súp chuối. |
Khoảng một năm sau, người Yanomami sẽ đem tro cốt người chết chế biến thành thức ăn. Tro cốt được chế biến hoặc làm gia vị cho nhiều món, trong đó có món chính là súp chuối. Ngoài ra, những người đàn ông cũng nhét tro cốt vào ống nứa, rồi một người thổi, một người hít thật sâu vào trong mũi. Trong ngày lễ tưởng nhớ này, cả bộ lạc cùng thưởng thức các món ăn từ xương cốt người chết. Từ trẻ đến già, từ đàn ông đến đàn bà đều ăn đến hết. Khi ăn những món này, họ tin rằng linh hồn người chết sẽ luôn ở bên cạnh họ.
Tuy nhiên, trong trường hợp người chết do bị kẻ thù tấn công, chỉ có phụ nữ mới ăn tro cốt. Sau nghi thức mai táng, người Yanomami sẽ thực hiện một cuộc đột kích để báo thù.
Ngoài ra, bộ lạc còn có tập tục tụ họp dưới mái nhà chung shabono. Trung bình, một shabono có hình tròn với chu vi khoảng 90m, làm từ các nguyên liệu tự nhiên như lá và dây leo rừng. Cứ 4-6 năm/lần, người Yanomami lại dỡ bỏ shabono cũ, dựng cái mới.
|
Mái nhà chung Shabono. |
Trong tộc Yanomami, bé trai vừa lên 8 tuổi đã được coi là đàn ông, bé gái sau kỳ kinh đầu tiên được xem như phụ nữ trưởng thành. Họ phân công công việc rất rõ ràng, thích xăm mình, am hiểu kiến thức tự nhiên. Người Yanomami cũng xuất sắc trong việc chế tạo và sử dụng chất độc từ thực vật. Đàn ông trong tộc rất hiếu chiến, sẵn sàng “động thủ” trước bất cứ mối đe dọa nào, bất chấp chuyện phải đổ máu.