Phe Dân chủ làm phai màu "thành trì Cộng hòa" Georgia như thế nào?

Google News

Việc Georgia từ thành trì vững chắc của đảng Cộng hòa trở thành bang chiến trường cho thấy chuyển biến chính trị tại các bang miền Nam của nước Mỹ.

Angie Jones là cư dân sống tại Johns Creek, khu vực ngoại ô giàu có phía bắc thành phố Atlanta, bang Georgia. Trong suốt thời thanh xuân, người phụ nữ tự hào đã sinh gia trong gia đình truyền thống bảo thủ và hoạt động tích cực cho phong trào chính trị của đảng Cộng hòa.
10 năm trước, khi con trai một người bạn thân thừa nhận giới tính thứ ba, tư tưởng chính trị trong Jones dần trở nên trung dung hơn, dù bà vẫn theo dõi kênh truyền hình bảo thủ Fox News.
Mùa bầu cử 2016 đến, người phụ nữ ngày càng bối rối, khi xung quanh bà, những người bạn với tư tưởng bảo thủ kiên quyết bảo vệ ông Donald Trump, bất chấp những bê bối liên tiếp của người sau này trở thành tổng thống Mỹ bị phanh phui.
Năm nay, sau nhiều tháng vận động cùng những phụ nữ trung lưu ngoại ô khác ở khắp Atlanta, bà Jones bỏ phiếu cho Joe Biden.
"Tôi cảm thấy như đảng Cộng hòa đã bỏ rơi mình, để lại khủng hoảng hiện hữu trong tôi", Jones nói.
Georgia phai màu đỏ
Tuần qua, cuộc cách mạng đến từ những cử tri như bà Jones đã mang lại bước đột phá ngoạn mục cho đảng Dân chủ ở Georgia. Việc ông Biden đang dẫn trước và nhiều khả năng chiến thắng ở Georgia, dù với khoảng cách vô cùng nhỏ, là dấu hiệu phản ánh chuyển biến chính trị to lớn ở các bang miền Nam.
Phe Dan chu lam phai mau
Người ủng hộ ông Joe Biden ở Macon, Georgia. Ảnh: New York Times.
Không dừng lại ở đó, hai ứng viên thượng viện của đảng Dân chủ là Raphael Warnock và Jon Ossoff đã khiến cuộc chạy đua thượng nghị sĩ, vốn luôn dễ dàng cho các ứng viên Cộng hòa, phải bước vào vòng nước rút và cũng là cuối cùng, dự kiến diễn ra ngày 5/1/2021.
Cuộc chiến cho ghế thượng nghị sĩ ở Georgia sẽ định đoạt quyền kiểm soát Thượng viện, cũng như định hình tương lai các chính sách mà ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng có thể thực thi.
Khi cuộc bầu cử tháng 11 gần như đã ngã ngũ, sự chú ý của nước Mỹ dành cho Georgia nay cũng không thua kém sự quan tâm đối với tiến trình chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng.
Hai phe Cộng hòa - Dân chủ đều đang đổ tiền bạc và nhân lực cho cuộc chiến sẽ định hình tương lai của nước Mỹ trong ít nhất là 2 năm tới, tại bang mới chỉ vài năm trước được coi là thành trì không thể công phá của đảng Cộng hòa.
"Chúng tôi sẽ cùng đoàn kết, để cả hai người họ có thể chiến thắng", cựu Thống đốc Roy Barnes cho biết. Ông Barnes là đảng viên Dân chủ cuối cùng chiến thắng ghế thống đốc của bang Georgia.
So với thời điểm ông Barnes bị đối thủ Cộng hòa đánh bật khỏi vị trí thống đốc bang năm 2002, bối cảnh chính trị ở Georgia giờ đã chuyển biến rất khác.
Cho tới những năm 1970, Goergia vẫn là bang có truyền thống ủng hộ một đảng với sự thống trị của đảng Dân chủ khi đó theo đường lối bảo thủ. Nhưng khi các cử tri bảo thủ dần chuyển sang ủng hộ đảng Cộng hòa, phe Dân chủ chỉ còn tập trung được cử tri ở Atlanta và các vùng phụ cận, hay các thành phố nhỏ hơn tập trung đông người Mỹ gốc Phi.
Thế nhưng, vài năm vừa qua, tâm lý chán ghét chủ nghĩa Trump lan rộng đi cùng sự thay đổi nhân khẩu học đã tiếp thêm sức mạnh cho đảng Dân chủ ở các khu vực đông dân cư ngoại ô Atlanta, như các hạt Cobb và Gwinnett, nơi phe Cộng hòa từng nhiều năm thống trị.
Năm 2016, bà Clinton chiến thắng ở Cobb và Gwinnett dù thua chung cuộc tại Georgia. Năm nay, hai hạt này một lần nữa nghiêng về ông Biden. Không những thế, ứng viên đảng Dân chủ mở rộng quy mô cử tri ủng hộ tại nhiều hạt nơi có các thành phố tầm trung như Augusta, Columbus, Macon, Savannah và Athens.
Chuyển dịch cơ cấu dân số
Trong những tháng gần đây, đại dịch đã làm chậm đà phát triển kinh tế của Georgia, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 5,7% vào tháng 8 lên 6,4% trong tháng 9. Số ca nhiễm Covid-19 cũng liên tục gia tăng.
Tại Georgia, một thế hệ ứng viên Dân chủ mới đang trỗi dậy, họ nhận được sự ủng hộ từ một liên minh đa chủng tộc, gồm các cử tri là người da đen, phụ nữ da trắng có bằng đại học ở ngoại ô, cũng số lượng ngày càng lớn cử tri trẻ tuổi quan tâm tới chính trị.
Dù cho cuối cùng, chiến thắng của ông Biden đến từ các bang công nghiệp miền Bắc như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, kết quả bất ngờ tại Georgia chỉ ra một tương lai tích cực đang thành hình cho đảng Dân chủ ở khu vực miền Nam, và cuộc bỏ phiếu nước rút đối với 2 ghế thượng nghị sĩ sẽ mang tới câu trả lời rõ ràng hơn.
Đảng Cộng hòa sẽ tìm cách ngăn chặn sự mở rộng của phe Dân chủ ở Georgia, với hy vọng kết quả bỏ phiếu cho ông Biden thuần túy xuất phát từ nhân tố Trump, không phải bởi phe bảo thủ đang mất kiểm soát ở miền Nam.
Nếu chiến thắng cả 2 ghế thượng nghị sĩ ở Georgia, phe Dân chủ sẽ quân bình số ghế ở Thượng viện. Như vậy, chủ tịch Thượng viện - đương kim phó tổng thống, nhiều khả năng là bà Kamala Harris - sẽ mang lại lá phiếu quyết định cho đảng Dân chủ.
Ngay cả khi chỉ chiến thắng 1 ghế thượng nghị sĩ, kết quả đó cũng đủ để chứng minh sự thay đổi về nhân khẩu học cuối cùng đã mang lại lợi thế cho đảng Dân chủ ở "Vành đai Mặt trời" - chỉ các bang có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa - như phe này dự đoán từ lâu.
Phe Dan chu lam phai mau
Hai ứng viên thượng viện của đảng Dân chủ là Raphael Warnock (giữa) và Jon Ossoff (phải). Ảnh: New York Times.
Kết quả thu được từ tập hợp lực lượng cử tri da đen, cử tri trẻ, và cử tri các khu vực ngoại ô ở Georgia là một bài học bổ ích cho phe Dân chủ ở các bang chiến trường miền Nam khác như Texas, South Carolina hay Mississippi. Tại những bang này, khả năng phe Dân chủ thách thức sức mạnh của đảng Cộng hòa vẫn là điều xa vời.
Trong 20 năm kể từ 2000, dân số tại Georgia đã tăng từ 7,9 triệu lên 10,6 triệu người, trong đó cư dân sinh ra ở nước ngoài đã vượt 10% tổng dân số toàn bang. Năm 2004, khoảng 70% cử tri Georgia là người da trắng. Năm nay, cử tri da trắng chỉ còn chiếm khoảng 60%.
Khi ứng viên phó tổng thống Harris tổ chức vận động ở hạt Gwinnett, người ta có thể nhìn thấy những người ủng hộ cặp chính trị gia đảng Dân chủ vẫy những khẩu hiệu bằng tiếng Hoa và tiếng Tây Ban Nha.
Tại bãi để xe bên ngoài nhà thi đấu đa năng ở Gwinnett, nơi một đám đông phấn khích chờ đợi ứng viên đảng Dân chủ, một người ủng hộ nói xuất thân đa văn hóa của bà Harris phản ánh sự thay đổi đang diễn ra tại hạt này.
"Tôi chứng kiến ngày càng nhiều người giống bản thân mình, đó là những người da màu. Tôi nhận thấy sự đa dạng đang tăng lên mỗi ngày, không chỉ ở Gwinnett, không chỉ ở Atlanta, mà trên khắp Georgia", nhân viên kinh doanh bất động sản tên Munir Meghani nói.
Xiang Li, 36 tuổi, nhân viên công ty bảo hiểm sống tại Gwinnett, từng bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016. Năm nay, Li nói không thể tiếp tục lựa chọn ứng viên Cộng hòa.
"Tôi sẽ bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ trong vòng nước rút, bởi điều McConnell đã làm tại Thượng viện. Trong kỳ bầu cử sau đó, tôi sẽ quan sát điều gì xảy ra. Tôi hy vọng đảng Cộng hòa sẽ trở về với trạng thái bình thường vốn có", Li nói, ám chỉ việc lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell thúc đẩy việc bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett vào ghế thẩm phán Tòa Tối cao.
Bất chấp nhiều đổi thay, đảng Cộng hòa ở Georgia vẫn được tổ chức tốt, mạnh mẽ, nhận được nhiều sự ủng hộ, đặc biệt ở khu vực ngoại thành và nông thôn.
Đảng Dân chủ từng hy vọng sẽ giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp cấp tiểu bang để gây sức ép, buộc Thống đốc Cộng hòa Brian Kemp mở rộng chương trình bảo hiểm y tế, thay đổi hệ thống bỏ phiếu, trao cho phe Dân chủ thêm tiếng nói để vẽ lại bản đồ lập pháp và hành pháp tiểu bang sau năm 2020.
Nhưng phe Cộng hòa nhiều khả năng không thành công với mục tiêu nói trên. Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại cơ quan lập pháp tiểu bang Georgia, ông Bob Trammell, thậm chí đã thất cử, thất bại đáng xấu hổ với phe Dân chủ tại bang này.
Tiếng nói của cử tri da màu
Georgia trở thành điểm nóng đối đầu giữa hai phe không phải điều quá bất ngờ. Năm 2012, các chiến lược gia của Tổng thống Obama đã cân nhắc khả năng đầu tư nguồn lực vào Georgia, trước khi quyết định lựa chọn các bang khác với khả năng chiến thắng cao hơn.
Bốn năm trước, bà Clinton đã giành được số phiếu phổ thông ở Georgia nhiều hơn bất cứ ứng viên Dân chủ nào trước đó, dấu hiệu cho thấy khu vực ngoại ô đã bắt đầu quay lưng với ứng viên Cộng hòa.
Tâm lý chống đối Tổng thống Trump đã thúc đẩy xoay chuyển cục diện chính trị Georgia trong bầu cử giữa kỳ 2018, khi ứng viên Dân chủ đã giành được một ghế hạ nghị sĩ đại diện tiểu bang, đồng thời suýt chút nữa chiến thắng một ghế khác ở ngoại ô Atlanta. Ghế này đã thuộc về đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử năm nay.
Stacey Abrams là một trong những nhà hoạt động đứng sau sự chuyển mình của đảng Dân chủ ở Georgia. Nhiều năm qua, thay vì lôi kéo các cử tri da trắng bảo thủ, nữ chính trị gia da màu này tập trung vào nhóm cử tri da màu ít quan tâm tới chính trị, cổ vũ tư tưởng tự do cực đại.
Dự án New Georgia của bà Abrams đã thu hút hàng trăm nghìn cử tri mới cho phe Dân chủ, đồng thời truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động mới nổi khác.
Julius Thomas, nhà môi giới phân tích rủi ro 24 tuổi lớn lên ở thành phố ven biển St. Marys của Georgia, chuyển tới Atlanta năm 2018. Đây là năm bà Abrams thua trong cuộc chạy đua ghế thống đốc bang, nhưng danh tiếng mở rộng ra cả nước.
Thomas giúp lập ra một tổ chức phi lợi nhuận có tên People's Uprising, tập trung vào cử tri da màu trẻ tuổi.
"Có sự chuyển dịch văn hóa đang diễn ra trong cộng đồng thanh niên da đen, họ không còn đứng ngoài cuộc sống chính trị dân sự nữa. Trên Twitter, người ta sẽ thấy nhiều thông điệp kiểu như "Nếu bạn còn chưa bỏ phiếu, bạn có vấn đề gì sao?'", Thomas chia sẻ.
Một số thay đổi ở Georgia phản ánh diễn biến trên cả nước, khi khu vực thành thị ngày càng ủng hộ đảng Dân chủ, vùng nông thôn nghiêng nhiều hơn về phe Cộng hòa, trong khi các khu ngoại ô trở thành chiến trường giữa các ứng viên.
Ở các vùng ngoại ô Georgia, khối cử tri nữ có bằng đại học ngày càng có nhiều ảnh hưởng. Họ đã lập ra các mạng lưới tình nguyện viên, hoạt động cho phong trào vận động của các ứng viên ở cả cấp tiểu bang và liên bang.
Debbie O’Dekirk và Kassie Jones là hai người bạn sống tại khu vực ngoại ô giàu có ở đông bắc Atlanta. Năm nay, cả hai bỏ phiếu chống lại Tổng thống Trump.
Bà O'Dekirk cho biết có thiện cảm với Tổng thống Trump khi ông tuyên bố chạy đua năm 2016, bởi vị tỷ phú này khác hoàn toàn so với các chính trị gia chuyên nghiệp. Khi phỏ biếu 4 năm trước, bà hy vọng ông Trump sẽ lắng nghe chỉ dẫn của các lãnh đạo Cộng hòa giàu kinh nghiệm để điều hành đất nước suôn sẻ.
"Những gì xảy ra hoàn toàn ngược lại. Ông ấy là tổng thống khiến tôi thất vọng nhất trong suốt cả cuộc đời", người phụ nữ năm nay đã 67 tuổi cho biết.
Trong khi đó, bà Jones đã bỏ phiếu cho Hillary Clinton năm 2016. Kể từ khi cựu ngoại trưởng thất cử, bà Jones ngày càng lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ cho đảng Dân chủ. Đó là xu thế mà bà Jones miêu tả đang xuất hiện tại khắp khu vực ngoại ô nơi bà sinh sống.
"Khi tôi lần đầu tới Georgia, khu vực này chỉ như một xã hội nhỏ yên tĩnh ủng hộ đảng Dân chủ. Nhưng khi lo lắng của người dân về Tổng thống Trump lớn dần, ngày càng có nhiều người lên tiếng", bà Jones nói.
Theo Duy Anh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)