Vụ việc cựu Thủ tướng Nhật Bản ông Shinzu Abe bị bắn khi đang diễn thuyết tại Nara đã gây sốc cho toàn thế giới. Giới lãnh đạo và nguyên thủ nhiều quốc gia đã gửi lời động viên tới gia đình ông Shinzu Abe cũng như tới người dân Nhật Bản sau vụ việc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có dòng trạng thái trên Twitter, cho biết ông "hết sức đau khổ vì vụ tấn công". Trong dòng trạng thái của mình, ông Modi cũng gọi cựu Thủ tướng Nhật Bản là "một người bạn".
|
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzu Abe.
|
Từ Australia, Thủ tướng Anthony Albanese cho biết đất nước ông "sẽ sát cánh cùng gia đình ông Abe và người dân Nhật Bản".
Thủ tướng Singapore ông Lý Hiển Long đã có dòng trạng thái trên trang cá nhân, mô tả vụ tấn công là một "hành động bạo lực vô nghĩa". Ông cũng mô tả ông Abe là "người bạn tốt của Singapore".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga ông Sergei Lavrov cho rằng bản thân ông "chưa có nhiều thông tin" về vụ việc. Tuy nhiên, ông cũng gửi lời chia buồn về những gì đã xảy ra với cựu Thủ tướng Nhật Bản.
Tại Trung Quốc, truyền thông nước này bao trùm bởi các thông tin liên quan tới vụ việc ông Shinzu Abe bị tấn công. Chính phủ Trung Quốc cho biết, nước này cảm thấy sốc vì những gì đã xảy ra và hy vọng ông Shinzu Abe có thể sớm hồi phục.
Nhật Bản được coi là một trong những cường quốc có luật cấm sở hữu súng nghiêm nhất. Tại quốc gia này, sẽ rất khó để có thể được sở hữu vũ khí cá nhân. Đây cũng là lý do, vũ khí được nghi phạm sử dụng để tấn công ông Shinzu Abe được cho là vũ khí tự chế.
|
Khẩu súng được nghi phạm sử dụng trong vụ tấn công ông Shinzu Abe.
|
Tờ BBC nhận định rằng, do Nhật Bản là một quốc gia có mức độ an toàn rất cao, ông Shinzu Abe cũng như nhiều nguyên thủ của nước này, sẵn sàng diễn thuyết ngay tại quảng trường mà không có hàng rào an ninh nghiêm ngặt. Đây cũng không phải lần đầu tiên, một nhân vật có tiếng trong giới chính trị Nhật Bản bị tấn công ngay khi đang diễn thuyết.