Nhận định về vị trí của Pakistan trong căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay, bà Hina Rabbani Khar nêu rõ: “Quan điểm chia thế giới ra làm hai khối khiến chúng tôi cảm thấy thực sự lo lắng. Chúng tôi rất quan ngại về sự phân tách này cũng như bất cứ điều gì khiến thế giới trở nên chia rẽ hơn nữa“.
Nhà ngoại giao này cho rằng, một mặt, Pakistan “từng phối hợp chặt chẽ với Mỹ và chúng tôi không mong muốn thay đổi điều đó”. Mặt khác, bà nhận định hiện Islamabad duy trì mối quan hệ hợp tác gần gũi với Bắc Kinh và “đó là điều bình thường, cho đến khi mọi người bỗng dưng coi Trung Quốc là mối đe dọa”.
Quan điểm của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Pakistan là có cơ sở, nếu nhìn vào mối liên kết giữa nước này với Mỹ cùng Trung Quốc.
Ngay cả khi Mỹ không hài lòng, thậm chí cắt viện trợ quân sự để phản đối liên kết một thời giữa Pakistan và Taliban, Washington vẫn coi Islamabad là đối tác quân sự quan trọng. Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ phê chuẩn hợp đồng trang thiết bị trị giá 450 triệu USD bảo dưỡng máy bay chiến đấu F-16 Pakistan.
|
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Pakistan Hina Rabbani Khar. (Nguồn: EPA/EFE)
|
Cùng lúc đó, Trung Quốc đang làm sâu sắc hơn hợp tác quân sự với Pakistan, nhằm cạnh tranh ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực Nam Á. Hợp đồng đóng tàu tuần dương giữa hai nước là một ví dụ tiêu biểu. Các nhà đầu tư Trung Quốc hiện diện ngày càng nhiều tại Pakistan thông qua các dự án xây dựng đường trạm, bệnh viện, hệ thống tàu cao tốc và mạng lưới năng lượng.
Vừa qua, đất nước Nam Á đã sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc để thanh toán tiền mua dầu thô của Nga với giá ưu đãi, thay vì dùng đồng USD như trước.
Tuy nhiên, tiến độ chậm, hiệu quả thấp của các dự án nằm trong Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) đặt ra không ít câu hỏi.
Theo bà Hina Rabbani Khar, Mỹ vẫn là cường quốc đặc biệt, với khả năng “định hình các quy chuẩn” quốc tế mà Pakistan theo đuổi. Trong khi đó, giá trị lớn nhất mà Bắc Kinh đem lại cho Islamabad là “mô hình kinh tế đủ sức đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo”.
Trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ hợp tác kinh tế của Pakistan với Trung Quốc đang chiếm ưu thế. Bắc Kinh khẳng định sớm tái cấp tài chính sau khi Islamabad thanh toán khoản nợ 1,3 tỷ USD vài tuần tới. Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) không thể đạt thỏa thuận với phía Pakistan ở cấp chuyên viên về gói cứu trợ trị giá 1,1 tỷ USD để nước này tránh tuyên bố phá sản.
Tuy nhiên, bà Hina Rabbani Khar cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc không thể giúp Pakistan giải quyết bài toán cấp bách về Taliban. Giờ đây, Pakistan gặp khó khăn trong việc kiểm soát an ninh tại biên giới trước hành vi gây bất ổn của Taliban. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh: “Chúng tôi không hoan nghênh bất kỳ nước nào triển khai lực lượng để giải quyết vấn đề trên”. Theo bà, ngoại giao mới là phương hướng xử lý đúng đắn cho tình trạng này.
Tuy nhiên, liệu chừng đó đã đủ để Pakistan giải quyết bài toán hóc búa này, song song với việc vượt qua thách thức về kinh tế và vững vàng trước cạnh tranh Mỹ-Trung?