Theo Bloomberg, bắt đầu từ hôm 17/7 vừa qua, một chiến dịch quảng cáo trên 2 nền tảng mạng xã hội là Facebook và Instagram đã được nhóm tranh cử của Tổng thống Trump tung ra với mục tiêu nhắm vào ứng dụng TikTok.
Những quảng cáo xuất hiện với thông điệp cảnh báo người dùng, cho rằng ứng dụng tạo video nổi tiếng TikTok đang có nhiều hành vi theo dõi người sử dụng.
“TikTok bị bắt quả tang theo dõi dữ liệu của bạn, hãy ký vào đơn yêu cầu cấm ứng dụng này ngay bây giờ”.
Hay “Bảo vệ trẻ em của chúng ta khỏi Trung Quốc”, một số nội dung quảng cáo nêu thông điệp.
|
Nội dung quảng cáo của ông Trump tập trung vào bê bối lấy dữ liệu clipboard người dùng của TikTok. Ảnh: Facebook Ads |
TikTok đã phủ nhận cáo buộc trên.
Thoạt nhìn, chiến dịch quảng cáo của ông Trump chỉ đơn thuần mong muốn người dùng ký vào đơn thỉnh nguyện. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu của phóng viên của tờ Bloomberg và New York Times Taylor Lorenz, cô đã phát hiện tính chất thực sự của quảng cáo này là một cuộc khảo sát.
Khi các tài khoản tham gia khảo sát, chúng sẽ yêu cầu người dùng cung cấp tên, mã vùng, email và số điện thoại. Sau đó, những thông tin này được thu thập để thêm người tham gia khảo sát vào danh sách nhận thư điện tử cổ vũ tranh cử của chiến dịch Trump.
|
Người dùng sẽ được dẫn qua một trang khảo sát nếu nhấp vào quảng cáo. Ảnh: Facebook Ads |
Theo Bloomberg, độ tuổi mà quảng cáo hướng đến là những người dùng từ 18-64 tuổi. Facebook sau đó đã phải xóa một phiên bản quảng cáo do vi phạm chính sách của công ty.
Ứng dụng video TikTok từ lâu vốn được biết đến có nguồn gốc từ Trung Quốc, với công ty mẹ là ByteDance. Đầu tháng 7, chính quyền Tổng thống Trump đã công khai tuyên bố xem xét khả năng cấm TikTok hoạt động tại Mỹ.
Theo quan điểm của ông Trump, lệnh cấm sẽ là một cách để trừng phạt Trung Quốc do những liên quan của quốc gia này đến đại dịch Covid-19. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viện dẫn các vấn đề lo ngại cho an ninh quốc gia.
Hôm 16/6, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow chia sẻ với phóng viên, hy vọng TikTok sẽ rút khỏi công ty mẹ ở Trung Quốc và hoạt động độc lập như một công ty Mỹ.
Kể từ khi ra mắt tại Mỹ năm 2018, TikTok đã nhiều lần thành công trong việc loại bỏ những lời kêu gọi điều tra và cảnh báo của giới chức Mỹ. Gần đây, công ty này có những động thái “xa cách” với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của TikTok đã nhiều lần khiến ông Trump phải “muối mặt”.
Trong một cuộc vận động tranh cử lớn của ông Trump tại Tulsa, nhiều người dùng TikTok và fan hâm mộ K-pop đã đăng ký số lượng lớn vé tham gia miễn phí nhưng không đến, khiến hội trường xuất hiện nhiều ghế trống và xem đó như câu trả lời đáp lại các dự định cấm TikTok của ông Trump.
Ứng dụng này hiện đã có hơn 2 tỷ lượt tải xuống trên toàn cầu.
Mối đe dọa về khả năng biến mất của TikTok đang gây hỗn loạn trong cộng đồng người dùng và các nhà phát triển, nhiều công ty công nghệ đang tranh thủ cơ hội này để thu hút sự trung thành của người dùng đối với nền tảng ứng dụng của họ.