Với việc quốc hội Trung Quốc thông qua đề xuất sửa đổi hiến pháp, bao gồm xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức danh chủ tịch nước và phó chủ tịch nước, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình chính thức được trao cơ hội để có thể tiếp tục nắm quyền sau năm 2022, khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc.
Ông Tập Cận Bình là người đầu tiên bước lên và bỏ "lá phiếu" khổ giấy A4 vào hòm phiếu điện tử màu đỏ tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh vào chiều 11/3, theo South China Morning Post. Sau gần 50 phút, kết quả đã ngã ngũ với tỷ lệ ủng hộ áp đảo: 2.958 phiếu thuận, 2 phiếu chống, 3 phiếu trắng, 1 phiếu phạm quy (với 16 đại biểu vắng mặt).
China Daily, nhật báo tiếng Anh có lượng phát hành lớn nhất Trung Quốc, khuya cùng ngày có bài xã luận cho rằng sự ủng hộ đối với bản hiến pháp mới "đã chứng minh định kiến của những người chỉ biết chỉ trích là sai lầm". Bài viết khẳng định sửa đổi hiến pháp "có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thịnh vượng và an ninh bền vững" của quốc gia đông dân nhất thế giới.
|
Chủ tịch Tập Cận Bình bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp tại kỳ họp quốc hội Trung Quốc hôm 11/3. Ảnh: AP.
|
Phương Tây "thích nói xấu" Trung Quốc
Cùng với việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước, hiến pháp sửa đổi tuyên bố sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc là "đặc điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" trong phần mở đầu, đồng thời bổ sung học thuyết chính trị mang tên ông Tập. Hiến pháp sửa đổi cũng dọn đường cho việc thành lập một siêu cơ quan chống tham nhũng mới.
Khi được phóng viên hỏi liệu những thay đổi trên có thể gây ra rối loạn chính trị tại Trung Quốc, ông Thẩm Xuân Diệu, chủ nhiệm Ủy ban Công tác Pháp trị thuộc Ủy ban Thường vụ Nhân Đại (quốc hội) Trung Quốc, nói điều này sẽ không xảy ra vì việc sửa đổi hiến pháp dựa trên nền tảng chính trị, pháp lý, xã hội "rộng khắp và vững chắc", Tân Hoa xã tường thuật.
Theo ông Thẩm, sửa đổi hiến pháp lần này là bước đi quan trọng để củng cố thể chế lãnh đạo "tam vị nhất thể" (khái niệm chỉ việc tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, chủ tịch quân ủy trung ương cùng là một người) của Trung Quốc.
"Mô hình lãnh đạo 'tam vị nhất thể' đã cho thấy thành công và hiệu quả tại Trung Quốc. Đây cũng là mô hình cần thiết và phù hợp nhất đối với một nước lớn như vậy và đối với đảng", ông nói.
Trong bài xã luận, China Daily nói việc sửa đổi hiến pháp là "phù hợp với thời đại, nhu cầu về sự phát triển của đất nước cũng như mong muốn của cả đảng và nhân dân". Tờ báo cho rằng một số người "có cách lý giải khác" nhằm "gièm pha và bôi xấu Trung Quốc".
"Một số người ở phương Tây có thói quen nói xấu hệ thống chính trị Trung Quốc", China Daily viết. "Dù họ có đương nhiên có lý lẽ và thích sử dụng lý lẽ, mỗi khi nói đến Trung Quốc, họ đều chọn nhìn qua lăng kính bị vấy bẩn".
Cũng với quan điểm công kích phương Tây, Hoàn cầu Thời báo (phụ san của báo đảng Nhân dân Nhật báo) nói rằng phương Tây "thích gây chú ý bằng cách so sánh việc sửa đổi hiến pháp tại Trung Quốc với hệ thống chính trị phương Tây".
|
Một tấm pa-nô có in hình ông Tập tại tỉnh Thanh Hải. Ảnh: Getty.
|
"Nhưng họ đã lờ đi hai thực tế", tờ báo viết. Theo bài bình luận, thực tế thứ nhất là việc sửa đổi hiến pháp lần này xuất phát từ nhu cầu nội tại của Trung Quốc về phát triển trong bối cảnh nước này đang đối mặt nhiều thách thức trong và ngoài nước. Thực tế thứ hai là "hệ thống chính trị phương Tây không thể áp dụng cho các nước đang phát triển".
"Hầu hết vấn đề lớn mà Trung Quốc đang đối mặt không thể giải thích bằng các lý thuyết của phương Tây. Trung Quốc phải tìm ra giải pháp bằng trí tuệ của chính mình", bài viết kết luận.
Lãnh đạo trọn đời?
Đa phần giới quan sát chính trị Trung Quốc ở phương Tây cho rằng những sửa đổi hiến pháp lần này đã góp phần củng cố vị thế "nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ thời Mao Trạch Đông" của ông Tập và gắn cho ông những danh xưng mới như "lãnh đạo trọn đời".
Trên thực tế, chủ tịch nước không phải là chức danh quan trọng nhất trong hệ thống chính trị Trung Quốc, vì quyền lực thực sự nằm ở hai vị trí tổng bí thư đảng và chủ tịch quân ủy trung ương. Ông Tập nắm cả hai vai trò sau và không vai trò nào bị giới hạn nhiệm kỳ. Do đó, việc tiếp tục ngồi ghế chủ tịch nước không phải là điều kiện tiên quyết để ông Tập nắm giữ quyền lực lớn nhất ở Trung Nam Hải.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng từng giải thích rằng việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước là để nhất quán với quy định về hai vị trí tổng bí thư đảng và chủ tịch quân ủy. Theo giáo sư Trình Ân Phú của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chủ tịch nước là giải pháp tốt hơn đặt ra giới hạn nhiệm kỳ với người đứng đầu đảng và quân đội.
"Việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ không có nghĩa là một chủ tịch nước có thể nắm quyền trọn đời hay mọi chủ tịch nước đều có thể làm nhiều hơn hai nhiệm kỳ", ông Trình nói thêm. Song ông cũng cho rằng nếu đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc có đủ trí tuệ và sức mạnh, họ có thể làm hơn hai nhiệm kỳ để hoàn thành các mục tiêu dang dở.
Với ông Tập Cận Bình, "mục tiêu dang dở" ấy có thể là hai mục tiêu trăm năm trong "Giấc mộng Trung Hoa" mà ông theo đuổi từ khi nắm quyền: xây dựng "xã hội tương đối khá giả" vào năm 2021, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc; và đưa Trung Quốc trở thành "quốc gia phát triển toàn diện" vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm lập quốc.
|
Những sửa đổi trong hiến pháp đã giúp ông Tập củng cố vị trí "nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ thời Mao Trạch Đông". Ảnh: Reuters.
|
Tuy nhiên, với giới quan sát phương Tây, sự nhất quán đó cũng có nghĩa là đồng nhất sự lãnh đạo của đảng và chính phủ tại Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Richard McGregor tại Viện Lowy, việc xóa bỏ nhiệm kỳ chủ tịch nước "ăn khớp với quan điểm rộng rãi về sự lãnh đạo của ông Tập, đó là xóa nhòa cách biệt giữa đảng và nhà nước".
Nhận định này gợi nhắc lại một bài báo trên New York Times hồi đầu năm 2013, khi ông Tập vừa lên nắm quyền, rằng với nhà lãnh đạo, không thể có chính phủ nếu không có đảng Cộng sản. Không lâu sau khi nhậm chức, ông Tập đã lập ra và điều hành nhiều "tổ lãnh đạo" trong nội bộ đảng, giám sát mọi thứ từ cải cách kinh tế đến an ninh mạng, làm giảm vai trò của các cơ quan chính phủ đang có.
"Chính phủ, quân đội, xã hội, giáo dục, bắc nam, đông tây, đảng dẫn dắt tất cả", ông Tập trích dẫn một câu nói của Mao Trạch Đông trong phiên khai mạc đại hội đảng lần thứ 19 hồi tháng 10/2017. Câu nói này sau đó được bổ sung vào điều lệ đảng, theo Quartz.
Sự ủng hộ của người dân
Theo AFP, kế hoạch sửa đổi hiến pháp đã được bàn bạc vào tháng 9, tức là trước đại hội 19. Đến cuối tháng 1, đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định giới thiệu các đề xuất tại quốc hội. Tuy nhiên, đến ngày 25/2, tức một tuần trước khi kỳ họp quốc hội diễn ra, truyền thông nhà nước mới công bố về kế hoạch này.
"Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì rất nhiều dự án quan trọng như cải cách kinh tế và cuộc chiến chống tham nhũng. Chúng tôi đồng lòng ủng hộ việc ông ấy có thêm thời gian để hoàn thành công việc", một đại biểu quốc hội từ tỉnh Sơn Đông nói với AFP.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng khẳng định việc sửa đổi hiến pháp nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng. Tuy nhiên, một số nhà bình luận cho rằng sự kiện có lẽ là diễn biến chính trị gây tranh cãi nhất trong lịch sử hiện đại Trung Quốc,
"Lịch sử đã cho thấy nhiều lãnh đạo chính trị nắm quyền trọn đời đã không thể biến tầm nhìn của họ thành hiện thực. Một số người bị hạ bệ... Một số khác bị thủ tiêu bởi những đối thủ chính trị", nhà phân tích Cary Hoang nói trên South China Morning Post.
|
Đại lễ đường Nhân dân, nơi diễn ra kỳ họp quốc hội Trung Quốc. Ảnh: Getty.
|
Truyền thông nhà nước, trong những năm đầu nhiệm kỳ của ông Tập, đã gọi ông một cách văn vẻ là người cha của dân tộc, tại đất nước "gia quốc thiên hạ" (cả nước là một gia đình cùng chung sống dưới trời). Các bài viết cũng thường xuyên mô tả ông là người duy nhất đủ khả năng để nắm giữ vai trò dẫn dắt đất nước.
Giờ đây, giới quan sát có lẽ sẽ tập trung quan tâm liệu vị thế mới của ông Tập sẽ định hình sự lãnh đạo "thiên hạ" như thế nào và Trung Quốc sẽ đi về đâu, theo Washington Post.
Thông qua "Giấc mộng Trung Hoa", nhà lãnh đạo đã cam kết sẽ "chấn hưng" Trung Quốc và đưa đất nước trở lại vị trí trung tâm của thế giới với nền kinh tế hàng đầu cùng quân đội sánh ngang các siêu cường.
"Mọi người đều kỳ vọng vị thế mới sẽ giúp ông Tập trở thành nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn, nhưng cũng có thể là ông sẽ cần phải chứng minh cho những sửa đổi (hiến pháp) lần này bằng cách duy trì được sự ủng hộ", Mary Gallagher, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Lieberthal-Rogel tại Đại học Michigan, đánh giá.