Nhưng có lẽ ít du khách biết thiên nga từng bơi tung tăng ở nhiều đoạn sông Thames và thuộc độc quyền quản lý của Hoàng gia Anh.
Bà chủ các đàn thiên nga
Cho đến ngày hôm nay, Nữ hoàng Elizabeth II, ngoài các tước hiệu như Nguyên thủ Khối Thịnh vượng chung; Tổng tư lệnh Quân lực Hoàng gia; Người Bảo trợ cho Tín ngưỡng Anh Giáo...còn có một tước hiệu là Bà chủ các đàn thiên nga (Seigneur of the Swans).
|
Hàng năm, Hoàng gia Anh có ngày đếm và kiểm tra sức khỏe cho thiên nga trên sông Thames (Ảnh: Getty) |
Đây là tước hiệu cho vua và nữ hoàng Anh Quốc có từ thời Trung cổ, khi quyền sở hữu loài chim "quý phái nhất trong các loài", là biểu tượng của địa vị cao. Nói ngắn gọn, thì chỉ các vị quý tộc mới có quyền nuôi thiên nga, còn gọi là 'Swan Upping' và đàn thiên nga của họ có dấu đồng gắn ở chân.
Để có các dấu đồng (marks), nhà giàu phải đóng thuế khá cao và đây là cách loại trừ tầng lớp dưới "chơi sang".
Trại thiên nga Abbotsbury ở Anh
Để giữ đặc quyền, vua chúa Anh ra luật (royal prerogative) cấm thường dân nuôi, săn bắn và ăn thịt thiên nga. Thậm chí người dân chỉ được ngắm thiên nga từ xa, không được chạm vào loài thủy cầm này. Ai bắn giết hoặc sơ ý làm bị thương thiên nga sẽ bị phạt tiền hoặc bị tù.
Nhưng quý tộc Anh không chỉ độc quyền nuôi mà còn thường xuyên ăn thịt thiên nga, cho đến tận đầu thế kỷ 20 mới thôi. Trước khi nhập gà tây từ Tân Thế giới về, thì trên bàn tiệc Giáng Sinh của quý tộc luôn có món thiên nga quay, đặt trang trọng, với lông cánh ghép lại cho đẹp.
Nhưng trước khi bước vào bàn tiệc thiên nga, tầng lớp trên phải nghe chút nhạc dân ca thời trung cổ, nghe ngâm thơ với chủ đề ngỗng trời. Geoffrey Chaucer, cha đẻ của thơ ca Anh, từ thế kỷ 14 đã có câu trong bài Parliament of Fowles:
"The Ialous swan, ayens his deth that singeth".
Câu tiếng Anh viết kiểu cổ này dịch ra là "thiên nga ghen tuôn, hát lời cuối trước khi chết". William Shakespeare cũng có tác phẩm Thiên nga trên dòng Avon (the Swan of Avon), nhắc đến biểu tượng cái chết 'quý phái' như thiên nga.
Vì người ta tin vào khái niệm 'tiếng ca thiên nga' (swan song), rằng loài ngỗng này chung thủy, yêu chỉ một lần và trước khi chết thường hót (hát) rất bi thương.
Các nhà văn nhà thơ thì cứ lãng mạn nhưng thiên nga không 'hát' mà kêu rất to nên còn được dùng để bảo vệ trang trại chống trộm. Bản thân tôi chưa bao giờ tôi nghe thấy tiếng hót hay hát 'du dương' của thiên nga mà chỉ chứng kiến bọn thiên nga mẹ quang quác rất hung dữ bảo vệ con và trứng.
|
Thiên nga đen ở St James’s Park, công viên giữa thủ đô London (Ảnh: Getty) |
Nuôi thiên nga để làm gì?
Ở Anh ngày nay, nuôi thiên nga không còn là độc quyền của vua chúa.
Khác với thiên nga đen ở Úc, chim công ở Ấn Độ, thiên nga không phải là biểu tượng của nước Anh. Ở Dorset có trại thiên nga (swannery) lớn nhất Anh nằm ven biển Abbotsbury, nơi chừng 600 con thiên nga được nuôi thả bán tự nhiên.
Tôi đã nhiều lần đến thăm trại này, và nghe họ giới thiệu về cách chăn nuôi bán tự nhiên, không có lồng nhốt. Cả khu vực chỉ là các bãi sậy và chuồng thì mở cửa cho thiên nga bay đến làm tổ, ấp trứng, nuôi con hoặc trú đông, còn lúc khác thì bay đi.
Các công nhân viên cho thiên nga ăn một ngày hai lần và toàn bộ khu vực 25 acres này cũng là cơ sở giáo dục, nghiên cứu về thiên nga. Một số trang trại và hầm rượu ở Anh còn nuôi thiên nga để chống trộm nhưng các công viên Anh thì nuôi thiên nga đúng là chỉ để làm cảnh.
Trở lại với đàn thiên nga của Nữ hoàng Anh ở sông Thames.
Ngày nay, ngoài các đàn thiên nga có đánh dấu và số ở chân thuộc về các chủ tư nhân khác nhau, về lý thuyết, mọi con thiên nga hoang vẫn thuộc về Nữ hoàng. Nhưng trên thực tế, Nữ hoàng chỉ làm chủ trực tiếp của một đàn thiên nga, loài 'mute swan' trên sông Thames, có tới 1.300 con vào thập niên 1960.
Sang năm 1985, cả đàn chỉ còn vài con vì sông Thames bị nhiễm bẩn, khiến thiên nga thả hoang bị chết. Số còn lại bị thuyền bè đâm vào, bị cáo, mèo tấn công buổi đêm.
Nay, đàn thiên nga thuộc Royal Swan Upping đã được phục hồi, có trên 130 con nuôi thả ở đoạn sông từ Windsor lên đến Abingdon, Oxfordshire. Hợp tác với hai công ty Dyers và Vintners, cơ sở nuôi thiên nga của Hoàng gia cũng giúp giáo dục trẻ em về bảo tồn.
Ở Anh ngày nay tính đến thời điểm 8/2, luật không cấm ai ăn thiên nga nếu bắt được con bị tai nạn chết, nhưng việc săn bắn thiên nga hoang vẫn là phi pháp. Di sản này của thời phong kiến xem ra vẫn có ích để bảo vệ động vật và thủy cầm ở Anh ngày nay.