Nữ vũ công người Mỹ và sự nghiệp tình báo lẫy lừng

Google News

Trong những năm 1920 và 1930, Joséphine Baker được xem là một vũ công, nổi tiếng với những điệu nhảy táo bạo và trang phục quyến rũ. Tuy nhiên, ít người biết được rằng, Baker cũng là một điệp viên đầy tài năng.

Có thể nói, cuộc đời của Baker là chuỗi dài những thách thức. Sinh ngày 3/6/1906 với tên khai sinh là Freda Josephine McDonald, Baker lớn lên trên những con phố ở khu ổ chuột xập xệ nhất tại thị trấn St. Louis, bang Missouri, Mỹ.
Tuổi thơ của cô là những ngày tháng cặm cụi dọn dẹp nhà cửa, trông trẻ cho những gia đình giàu có để đổi lấy miếng ăn. Với người lớn, những công việc đó đã là không đơn giản nên với một đứa trẻ như Baker, để hoàn thành mọi việc theo đúng ý chủ thực sự rất khó khăn.
Có lần, cô gái nhỏ đã bị chủ nhà dội nước sôi vào cả 2 bàn tay để trừng phạt về “tội” lấy quá nhiều xà phòng khi giặt đồ! Nghĩ rằng lấy chồng sẽ bớt khổ nên Baker kết hôn từ rất sớm. Song, đó cũng chỉ là sự kiện mở đầu cho chuỗi những ngày bất hạnh khác của cô. Năm 16 tuổi, Baker đã trải qua 2 cuộc hôn nhân và “nghèo vẫn hoàn nghèo”.
 Baker
Vũ điệu để đời
Lớn lên trong khổ cực nhưng Baker lại được trời phú cho khả năng ca hát, khiêu vũ và pha trò rất tài tình. Nhờ đó mà khi bước vào tuổi niên thiếu, cô được chọn vào đội kịch của thị trấn St. Louis, có cơ hội được tới New York rồi sau đó là Paris biểu diễn. Khi Baker đặt chân tới Pháp cũng là thời điểm diễn ra thời kỳ Phục hưng Harlem.
Người Pháp lúc bấy giờ như điên cuồng với văn hóa của người da đen. Những người đàn ông và phụ nữ Pháp thi nhau sưu tập các tác phẩm nghệ thuật châu Phi, say mê nhạc jazz cùng những vụ điệu đầy hoang dã của người da màu.
Chính vì thế nên vũ công Baker nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Từ một đứa trẻ nghèo khó, cô vụt trở thành ngôi sao được chào đón ở khắp mọi nơi và có thu nhập lên đến 1.000 USD/tháng. Sự thăng tiến của Baker trong sự nghiệp được cho là chưa từng xảy ra với một phụ nữ lúc bấy giờ.
Mùa hè năm 1926, Baker có buổi biểu diễn “nhớ đời” ở Folies Bergère, Paris. Trong bộ trang phục sexy hết cỡ với điểm nhấn là chiếc váy làm từ 16 quả chuối bằng cao su, Baker nhảy từ một cây cọ được dựng trên sân khấu xuống và bắt đầu nhảy vũ điệu nóng bỏng Danse Sauvage trong tiếng hò reo của đám đông khán giả.
Chính điệu nhảy và buổi biểu diễn đêm hôm đó đã khiến cô trở thành ngôi sao nữ da màu vĩ đại nhất thế giới. Chỉ sau 1 đêm, Baker đã trở thành hiện tượng. Hàng nghìn con búp bê mặc váy chuối được bán trên khắp châu Âu.
Chủ biên các tạp chí làm đẹp thì ăn nên làm ra với bài viết mách phụ nữ chà dầu óc chó lên mặt để có được làn da nâu khỏe khoắn như Baker. Những tấm bưu thiếp có hình cô trong chiếc váy chuối nổi tiếng cũng được bày bán rộng rãi. Màn biểu diễn của Baker hôm đó không chỉ gây tiếng vang lúc bấy giờ mà còn được cho là có ảnh hưởng mạnh mẽ tới thời trang và âm nhạc thế giới tận bây giờ.
Nữ điệp viên dũng cảm
Không chỉ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Baker mà màn biểu diễn đó còn là mở đầu cho những thay đổi đáng kể trong cuộc đời của cô về sau. Bởi, trong đám đông những người đàn ông đang ném mình theo những điệu nhảy của cô hôm đó còn có một “người hâm mộ bất thường”: Jacques Abtey – người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Pháp Le Deuxième Bureau. Abtey khi đó đang tìm cách tuyển mộ những điệp viên chìm sẵn sàng làm việc không lương cho quân đội Pháp và một người bạn của ông ta tên Daniel Marouani đã tích cực tiến cử Baker.
Trước đó, Abtey tỏ ra lưỡng lự trước việc tiếp cận Baker vì lo sợ cô cuối cùng sẽ có kết cục như Mata Hari – cũng là một điệp viên nổi tiếng xuất thân từ nghề vũ công nhưng về sau đã bị xử bắn vì phản bội quân đội Pháp. Abtey nghĩ rằng giữa 2 người phụ nữ đó có quá nhiều điểm giống nhau và ông không nghĩ Baker đáng để mạo hiểm.
Tuy nhiên, Marouani khăng khăng cho rằng Baker chính là lựa chọn hoàn hảo cho công việc gián điệp vì cô thường xuyên di chuyển qua nhiều nơi trên thế giới, có nhiều bạn bè có vị trí cao trong xã hội và đặc biệt rất ghét Đức Quốc xã vì chúng khiến cô nhớ về những người mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc ở Mỹ.
Bị bạn thuyết phục nhiều nên Abtey cuối cùng đồng ý gặp Baker tại nhà riêng của cô ở phía nam Paris. Tại đây, hết bất ngờ vì cách ăn mặc vô cùng giản dị của Baker, Abtey lại thêm thảng thốt khi nghe nữ vũ công trả lời về đề nghị hợp tác của ông:
“Nước Pháp đã giúp tôi khẳng định được vị trí của mình. Tôi sẽ biết ơn nước Pháp mãi mãi. Người dân Paris đã cho tôi mọi thứ. Họ đã trao cho tôi trái tim của họ nên tôi cũng sẽ trao trái tim của mình cho họ. Tôi đã sẵn sàng cho đi cả tính mạng của mình. Ông có thể tùy ý sử dụng tôi theo ý muốn”.
Ấn tượng với sự chân thành và nhiệt tình của Baker, Abtey đã tuyển dụng cô ngay tại cuộc gặp đó. Ngay khi trở thành mật vụ của Pháp, Baker đã được bí mật huấn luyện võ thuật, sử dụng súng và nhiều “ngón nghề” khác phục vụ cho công việc này. Kết thúc khóa đào tạo, cô chuyển về Paris để tiện cho việc hành động.
Bên cạnh việc tham gia những buổi biểu diễn, Baker còn chịu khó tới những trại tị nạn, tham dự những bữa tiệc và lễ tiếp đón của phái đoàn các nước trên khắp châu Âu để nghe ngóng thông tin về việc di chuyển của binh lính Đức. Nhiều quan chức cấp cao của các nước tỏ ra ngưỡng mộ cô, trong đó có cả lãnh đạo Italia Benito Mussolini - đồng minh thân cận của Hitler, khiến cho việc thu thập thông tin của Baker trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Khi quân Đức xâm lược Pháp và tiến gần tới Paris, bất chấp nguy hiểm, Baker chuyển về Milandes và dùng chính ngôi nhà của mình làm nơi giấu những người tị nạn chiến tranh, trong đó có các binh lính Pháp.
Trong thời gian này, Chính phủ Pháp đầu hàng Đức. Tướng Charles de Gaulle – một sỹ quan quân đội Pháp - đã thành lập phong trào “Nước Pháp tự do” với mục tiêu chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã. Abtey cũng đã từ bỏ quân đội Pháp và gia nhập phong trào trên.
Về sau, Baker cũng được đón nhận. Khi de Gaulle yêu cầu Baker và Abtey tới thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha để thu thập thông tin ở đây, Baker mới rời nước Pháp.
Chuyến đi được cô dàn dựng dưới vỏ bọc tới Nam Phi biểu diễn nên việc xin giấy tờ khá đơn giản. Khó khăn ở đây là việc chuyển 52 tài liệu mật đi cùng. Cuối cùng, Baker đã nảy ra ý tưởng vô cùng thông minh để chuyển tài liệu: dùng mực vô hình để ghi vào bản ghi nhạc ca khúc “Two Loves Have I” mà cô sẽ biểu diễn. Không chỉ vậy, Baker còn cố tình mặc quần áo đắt đỏ để thu hút sự chú ý, giúp Abtey – dưới lớp vỏ bọc trợ lý của cô – có thể vượt biên mà không gặp trở ngại nào.
Tại Bồ Đào Nha, Baker được các đại sứ quán Anh, Bỉ, Pháp nhiệt tình chào đón. Sau mỗi đêm biểu diễn, tán tỉnh những người có mặt và thu thập thông tin từ những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt với các đại sứ của các nước, cô lại về phòng, ghi chép cẩn thận những thông tin thu được ra giấy rồi giấu vào áo ngực, quần lót để chờ cơ hội thích hợp là gửi đi. Vỏ bọc ngôi sao nổi tiếng ban đầu đã giúp Baker không bị nghi ngờ khi thực hiện nhiệm vụ.
Về sau, dù giới chức một số nước cũng tỏ ra nghi ngờ Baker là điệp viên nhưng lại không dám mạo hiểm bắt cô vì lo sợ sẽ vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ trên khắp thế giới. Nhờ đó mà trong suốt một thời gian dài, theo chỉ đạo của de Gaulle có mặt ở nhiều nơi để thu thập thông tin và ở đâu cô cũng hoàn thành xuất sắc công việc của mình.
Sau khi chiến tranh thế giới II kết thúc, Baker quyết định trở thành một nhà hoạt động của phong trào dân quyền, tích cực đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc trên khắp thế giới. Cô cũng khiến nhiều người càng mến mộ hơn khi nhận nuôi đến 12 đứa trẻ đến từ khắp các châu lục trên thế giới.
Những công lao của Baker được giới chức Pháp tưởng thưởng bằng hàng loạt những huân, huy chương cao quý của nhà nước Pháp như Huân chương Croix de Guerre, Huân chương kháng chiến, Huân chương Légion d’Honneur…
Khi Joséphine Baker qua đời vào năm 1975, Chính phủ Pháp đã bắn 21 phát đạn bác để tưởng niệm bà. Bà cũng trở thành người phụ nữ người Mỹ đầu tiên được an táng ở Pháp với đầy đủ các nghi lễ quân đội. Khoảng 20.000 người đã đưa tang bà...
Theo Minh Ngọc/ Pháp luật Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)