Nông dân thu vài triệu mỗi ngày nhờ trồng thứ quả xanh đỏ này

Google News

Nhờ ứng dụng công nghệ cao, nhiều nhà vườn tại Lâm Đồng phấn khởi thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ từ những cây trồng cho quả sắc màu này.

Nhờ tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây công nghệ cao của Hội nông dân tại địa phương, từ năm 2018, ông Nguyễn Văn Tài (52 tuổi) ở phường 8, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bắt được "bí kíp" về kỹ thuật trồng ớt ngọt. Sẵn vườn rau ăn lá nhiều năm không đem lại hiệu quả kinh tế, ông Tài quyết định đầu tư nhà kính, chuyển 1.000m2 trồng rau sang trồng ớt ngọt.

Nong dan thu vai trieu moi ngay nho trong thu qua xanh do nay

Nhờ nắm rõ kỹ thuật, vườn ớt ngọt của gia đình ông Tài cho thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày

Do tham gia các lớp tập huấn, lại được đầu tư bài bản, cộng thêm điều kiện khí hậu phù hợp, vườn ớt ngọt của ông Tài phát triển rất tốt. "Ớt ngọt được gia đình trồng trong nhà kính theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng hình thức tưới nhỏ giọt. Trồng trên luống cao 20 cm, rộng 1,5 m, mỗi luống 2 hàng, khoảng cách giữa hàng với hàng 50cm, giữa cây với cây 45-50cm. Khi cây cao từ 35 cm, sẽ được cố định bằng giây để tránh cho cây không bị nghiêng, gãy đổ"- ông Tài chia sẻ

Ông Tài cho biết, chỉ sau 3 tháng ớt ngọt sẽ cho thu hoạch và cho thu liên tục 6-12 tháng. Hiện mỗi ngày vườn ớt của ông đang cho thu khoảng 65kg. Với giá bán tại vườn từ 28-32.000 đồng/kg, mỗi ngày ông Tài đút túi khoảng 2 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm vườn ớt ngọt của ông Tài đem về cho chủ nhân khoảng nửa tỷ đồng

Tương tự, gia đình anh Võ Nguyên Minh Sơn (35 tuổi) đang tập trung chăm sóc lứa ớt chuông baby để đảm bảo tiến độ thu hoạch, giao nông sản cho đối tác.

Khu vườn rộng 3 sào Nam Bộ (3.000m2) của gia đình anh Sơn ở thôn Thái Sơn (xã N’Thôn Hạ, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) được lắp đặt hệ thống nhà kính cùng các trang thiết bị hiện đại. Việc sản xuất được thực hiện một cách tỉ mỉ, cách ly với môi trường bên ngoài để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh.

Nong dan thu vai trieu moi ngay nho trong thu qua xanh do nay-Hinh-2

Dù chưa thu hoạch nhưng vườn ớt chuông của gia đình anh Sơn cũng đã được bao tiêu

Được biết, trước đó gia đình anh Sơn trồng dưa baby. Nay, gia đình anh Sơn quyết định đầu tư vào cải tạo khu nhà kính, lắp đặt thêm máy móc, các trang thiết bị hiện đại và đặc biệt là trải thảm bạt toàn bộ nền vườn để chuyển qua trồng ớt chuông baby trên giá thể xơ dừa.

Nhờ hệ thống tưới nước tiết kiệm, đèn lưu huỳnh, quạt đối lưu... vườn ớt chuông baby của anh Sơn sinh trưởng rất tốt.

“Ớt chuông baby là cây rau có giá trị kinh tế cao nên vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Tổng chi phí cho 0,3ha khoảng từ 350-400 triệu đồng”, chủ vườn 35 tuổi chia sẻ.

Hiện gần 10 nghìn cây ớt của gia đình anh Sơn đang bước vào giai đoạn phát triển trái và dự kiến cho thu hoạch vào cuối tháng 11.

Anh Võ Nguyên Minh Sơn nói: “Trái đang ở độ lớn nhưng bên hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức 27.000 đồng/kg. Do vậy, việc làm vườn bây giờ là tập trung chăm sóc để đảm bảo ớt chín đúng độ, trái đạt tiêu chuẩn”.

Cũng theo anh Sơn, dự tính vụ này gia đình anh sẽ thu về khoảng 30 tấn. Với mức giá của hợp đồng bao tiêu, 30 tấn ớt chuông baby sẽ thu về hơn 800 triệu đồng. “Mọi việc suôn sẻ, thuận lợi thì lứa ớt này sẽ có lợi nhuận ít nhất 300-400 triệu đồng”, anh Sơn thổ lộ.

Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, ông Bùi Ngọc Cung sinh năm 1971 ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng (Lầm Đồng) được mệnh danh là người đi đầu trong việc thực hiện nông nghiệp thông minh ở xã.

Theo nông dân Bùi Ngọc Cung, nhờ máy móc phân tích và đưa ra các chỉ số phù hợp nên cây trồng phát triển rất mạnh. Ở khu vườn 2ha, từ đầu năm 2019 đến nay, ngoài ớt chuông, gia đình ông còn cho thu hoạch trên 200 tấn nông sản khác gồm cà chua bi, dưa baby, dưa leo Nhật…

Nhờ ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo các chỉ số chăm sóc giúp cây phát triển mạnh, ra trái năng suất

Năm 2019, với 11.000 cây ớt chuông giống Hà Lan, vườn ớt chuông vàng, đỏ của ông Cung đạt sản lượng lên đến 40 tấn quả, ước tính thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.

Được sản xuất theo quy trình VietGAP, áp dụng công nghệ 4.0 nên chất lượng nông sản cao và được một công ty chuyên về rau, củ quả ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ. Trừ các loại chi phí, gia đình ông Cung thu lãi ròng trên 1 tỷ đồng mỗi vụ.

Từ việc trồng cây công nghệ cao, vườn của ông Cung giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lưu Vũ Trường Duy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc Lâm cho biết thêm: “Anh Bùi Ngọc Cung là một trong những nông dân điển hình tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Đơn Dương. Đồng thời anh còn là một trong những nông dân đầu tiên ở xã Lạc Lâm đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để sản xuất các loại rau hoa theo hướng thông minh, hiện nay toàn bộ hệ thống tưới cho cây trồng trong vườn nhà anh đã được cài đặt phần mềm với hệ thống đo độ ẩm tự động, tưới tự động theo công nghệ 4.0”.

Theo Hồng Hương/ Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)