Những người phụ nữ quyết liệt chống lại nạn hiếp dâm

Google News

Từ Colombia đến Zimbabwe, các thành viên của một mạng lưới những người sống sót sau khi bị hãm hiếp trên toàn cầu đang cùng nhau lên tiếng, yêu cầu chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh.

Tiếng nói mạnh mẽ từ những nạn nhân sống sót sau bạo lực tình dục
Carmen bị cưỡng hiếp bởi lực lượng du kích vũ trang ở Colombia. Ekhlas bị IS bắt cóc làm nô lệ tình dục ở Iraq. Grace bị các phiến quân bắt cóc từ lớp học ở Uganda nhưng sau đó may mắn trốn thoát… Hiện nay, những người phụ nữ này đều là thành viên của "Mạng lưới nạn nhân và những người sống sót toàn cầu chung tay chấm dứt nạn hiếp dâm thời chiến" - được biết đến với cái tên "Sema".
Nhung nguoi phu nu quyet liet chong lai nan hiep dam
Những phụ nữ tham gia "Mạng lưới nạn nhân và những người sống sót toàn cầu chung tay chấm dứt nạn hiếp dâm thời chiến”.
Mạng lưới đại diện cho khoảng 2.000 người sống sót sau khi bị hãm hiếp tại những khu vực xung đột trên khắp 21 quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông và châu Âu trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Carmen cho biết, hiếp dâm tập thể và các hình thức bạo lực tình dục khác thường xuyên được sử dụng để khẳng định sự kiểm soát và gây ra nỗi sợ hãi cho cộng đồng. Ước tính, 16.000 người trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục ở Colombia trong các cuộc xung đột. Hiện nay, Carmen làm việc với các cộng đồng bản địa và người khuyết tật, sử dụng các chương trình giáo dục để tuyên truyền chống lại bạo lực tình dục.
Năm 2016, cô đã giành được một giải thưởng quốc gia vì những nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức cho người dân bản địa về bạo lực tình dục. "Bạo lực tình dục đối với phụ nữ bản địa làm tăng sự phân biệt chủng tộc và sự kỳ thị đối với người dân bản địa", Carmen nói.
Desanges là người sống sót sau bạo lực tình dục từ cuộc xung đột diễn ra tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Mặc dù được cho là đàm phán hòa bình nhưng xung đột vẫn diễn ra ở nước này, đặc biệt là ở phía đông kể từ năm 1994 và số nạn nhân bạo lực tình dục không giảm.
Các nhân viên y tế quốc tế cho hay, các vụ hãm hiếp xảy ra có hệ thống: ở các làng, tại các trạm kiểm soát trên đường hay bất cứ nơi nào ở Congo. Desanges hiện là thành viên tích cực của phong trào "DRC Survivors". Gần đây, cô đã đóng vai chính trong một bộ phim nói về cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân bị hiếp dâm ở Congo.
Ekhlas Bajoo đã tận mắt chứng kiến IS giết chết cha mình khi mới 14 tuổi. Sau đó cô bị bắt cóc làm nô lệ tình dục trong sáu tháng cho đến khi trốn thoát thành công. Ekhlas hiện là một nhà hoạt động nhân quyền, đấu tranh bảo vệ những người sống sót sau bạo lực tình dục và các nhóm thiểu số bị đàn áp. Cô đang cố gắng theo học để theo đuổi giấc mơ trở thành luật sư.
Phải hành động mạnh hơn nữa
Mặc dù không có số liệu thống kê đầy đủ về các nạn nhân bị hiếp dâm trong các khu vực xung đột nhưng rõ ràng, có một xu hướng bạo lực tình dục đã tồn tại hàng thế kỷ trên khắp thế giới. Theo tổ chức phi chính phủ "We Are Not Weapons of War" (tạm dịch: Chúng ta không phải là vũ khí chiến tranh), ước tính, hơn nửa triệu người đã bị hãm hiếp ở Rwanda trong những năm 1990. Gần đây, hơn 7.000 phụ nữ Yazidi được cho là đã bị IS bắt làm con tin. Gần một nửa trong số họ vẫn bị giam cầm.
Người được trao giải Nobel Hòa bình 2018, bác sĩ người Congo Denis Mukwege, người đã điều trị cho hàng chục ngàn nạn nhân sống sót bị hãm hiếp nói rằng, "rất khó để ngăn chặn nạn hiếp dâm được sử dụng như một vũ khí chiến tranh bất chấp sự nỗ lực hành động của cộng đồng quốc tế. Một báo cáo mới được công bố trong tuần này cho biết, hàng chục thường dân đã bị hãm hiếp trong các cuộc biểu tình chính trị ở Sudan. Rõ ràng, chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn nữa".
Nhung nguoi phu nu quyet liet chong lai nan hiep dam-Hinh-2
Bác sĩ Denis Mukwege.

"Từ những người Yazidi sống sót ở Trung Đông đến những người dân trong các trung tâm tị nạn ở châu Âu, nạn nhân bị hãm hiếp không có được sự chăm sóc y tế cần thiết. Bây giờ là lúc để lắng nghe họ và có hành động phù hợp. Để làm điều này, chúng ta phải sát cánh với những người sống sót, giúp họ chia sẻ thực tế những gì đã trải qua để cùng nhau tạo nên tiếng nói mạnh mẽ hơn", ông Mukwege nói.
Ông Mukwege nói thêm, mặc dù Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2467 vào tháng 4, trong đó tăng cường trách nhiệm của các Chính phủ với các nạn nhân nhân sống sót sau khi bị hãm hiếp trong thời chiến. Tuy nhiên, các chính phủ vẫn không có hành động quyết liệt. "Chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn. Cần chấm dứt bạo lực và điều đó phải được thực hiện ngay vào thời điểm này", ông Mukwege nói.
Theo Mạnh Tường/Cstc.Cand

>> xem thêm

Bình luận(0)