Những người 30 năm sống trong thùng phuy bỏ hoang ở Nga

Google News

Hơn 30 năm nay, người dân ở khu vực Kirovsky thuộc thành phố Omsk của Nga đã sống trong những chiếc thùng phuy lớn của quân đội bỏ lại. Họ được gọi là "người trong thùng".

Năm chiếc thùng phuy hình trụ to lớn bằng kim loại giờ đây bỗng dưng nổi lên như một địa danh nổi tiếng của khu vực ­­Kirovsky. Chúng có chiều dài khoảng 10 m, nằm cách biệt với thế giới bởi những cây cao lớn và hàng rào gỗ xung quanh. Có 5 hộ gia đình ở đây, trong đó hai hộ có trẻ con.
Điều khiến mọi người tò mò về những người trong thùng là họ dành hơn nửa đời người ở một nơi "khó hiểu" như vậy. Suốt 30 năm, họ sống trong gió tuyết ở một nơi không có hệ thống sưởi, đường ống nước và cả địa chỉ nhà.
Nhung nguoi 30 nam song trong thung phuy bo hoang o Nga
Ngôi nhà trong thùng ở Kirovsky, Omsk, Nga. Ảnh: RIA Novosti. 
Chật vật cuộc sống trong nhà thùng
"Chúng tôi đã được giúp đỡ rồi, xin cám ơn. Và tự bằng cách nào đó!", người phụ nữ mặc áo choàng xanh lam tỏ rõ thái độ không tiếp đón các nhà báo. Cánh cửa theo đó cũng đóng sầm lại và không mở ra thêm lần nào nữa.
Các phóng viên Nga không bỏ cuộc, khung cảnh lụp xụp xung quanh níu chân họ lại. Bao trùm tầm mắt là không gian cũ kỹ của những chiếc thùng phuy không rõ được sơn lại lần nào hay chưa đang tiếp tục hoen gỉ, bong tróc.
Những ngôi nhà đặc biệt này được gắn trên một giá đỡ cũng bằng kim loại, cao hơn mặt đất chừng nửa mét. Để vào bên trong, người ta phải bước qua vài bậc thang gỗ. Cửa sổ có ở cả mặt trước và mặt sau hai đáy thùng hình trụ.
Cạnh khu nhà có một vườn rau nhỏ không thể trồng được gì vào mùa đông. Ngoài ra là một đống lộn xộn những đồ vật linh tinh không dùng đến. Một bức tranh buồn tẻ mặc dù tất cả dấu hiệu của sự sống đều đã hiện ra: dấu chân trên tuyết, quần áo phơi trên dây.
Nhung nguoi 30 nam song trong thung phuy bo hoang o Nga-Hinh-2
Nhà thùng biệt lập sau lớp hàng rào sắt và đám cây. Ảnh: RIA Novosti. 
Bỏ qua 4 ngôi nhà thùng nằm cạnh nhau vì không được phản hồi, các phóng viên để mắt đến một căn riêng biệt có hàng rào kim loại bên ngoài và đặc biệt: cửa sổ đang mở.
- Các bạn muốn gì? - một người phụ nữ ló đầu qua cửa sổ hỏi.
- Chúng tôi đến từ Moscow. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem có ai sống ở đây không và tại sao lại có những chiếc thùng ở đây.
- Các bạn không phải người đầu tiên - người phụ nữ thở dài đầy cảm thông thay vì tức giận.
Và thế là mọi thứ có cơ hội được sáng tỏ.
- Trước kia có một nhà máy của quân đội ở đây nên người ta xây một khu nhà ở cho các binh lính nhưng lại không đủ chỗ cho toàn bộ bọn họ. Vì vậy, quân đội đã bố trí những chiếc thùng phuy lớn này để họ ở tạm. Sau đó chúng bị bỏ lại và chúng tôi vào đây để ở. Những năm 1990, nhà máy bị bỏ hoang và những chiếc thùng phuy cũng vậy, và thế là chúng tôi vào ở - người phụ nữ kể.
Bà tên là Svetlana Vasilyevna, người lái cần cẩu của nhà máy năm xưa. Bà sống trong nhà thùng từ năm 1986.
Nhung nguoi 30 nam song trong thung phuy bo hoang o Nga-Hinh-3
Bà Vasilyevna đứng bên ngoài kể về ngôi nhà thùng của mình. Ảnh: RIA Novosti. 
Người trong thùng như bà gặp toilet ở đâu thì đi ở đấy. Nhà thùng nào cũng có toilet nhưng khi tuyết chưa tan thì không dùng được. Còn việc tắm rửa, bà phải nhờ nhà người quen ở tầng 9 một chung cư gần đó. Khi nước dột qua mái nhà, chỉ cần đặt một tấm tôn vào, còn sàn nhà bị nứt thì trải thảm lên. Mọi thứ đều phải khắc phục. "Còn sửa thì không có tiền", bà chia sẻ.
Sau khi phóng viên thuyết phục, người phụ nữ về hưu đồng ý tiếp đón phóng viên nhưng bà đi ra ngoài đường, phía bên ngoài hàng rào và tiếp tục kể.
- Mùa đông trong thùng chắc là lạnh đúng không thưa bà? - một phóng viên hỏi.
- Rất khó khăn vào mùa đông. Chúng tôi có điện nhưng chỉ một đường dây đi qua các hộ gia đình kém may mắn nơi đây. Trong hai thùng có gia đình có trẻ con, khi họ bật máy sưởi lên thì tôi gần như không đủ điện để sưởi ấm. Nếu cả 5 hộ cùng bật lò sưởi thì nó sẽ không hoạt động. Thi thoảng tôi phải ngủ vùi trong quần áo. Vào mùa hè mọi thứ còn tệ hơn: Mồ hôi chảy ra và quạt thì gần như không có tác dụng. Cửa sổ chỉ mở được đằng sau, còn lại thì bị hỏng.
Theo Vasilyevna, thùng phuy của bà là hộ duy nhất có địa chỉ. Nó nằm ở số 55 Sedov, địa chỉ của nhà máy quân đội.
Bà kể rằng bà đã hai lần đi để nhận chỗ ở nhưng nhà đều bị trao cho người khác. Còn số phận các nhà thùng cũng bị đe dọa vì chính phủ muốn dẹp chúng đi.
Rất nhiều nhà báo đã tìm đến đây và tỏ ra muốn giúp đỡ nhưng mọi thứ vẫn đâu vào đấy. Ngoài ra, theo bà cũng có nghị sĩ ngỏ ý muốn xin chính quyền giúp đỡ nhưng sau khi ghi được điểm và "chiếm được ghế" thì lại lặn mất tăm.
Khi được đề nghị cho vào bên trong, bà một mực từ chối vì cảm thấy "xấu hổ".
Những ngôi nhà thùng được hứa hẹn
Sau khi từ chối, người phụ nữ giới thiệu các phóng viên đến nhà thùng của hai anh em gần đó, chỉ có điều "không được gõ cửa chính, mà gõ vào cửa sổ". Các phóng viên làm theo, cuối cùng một người đàn ông trung tuổi cũng ra mở cửa.
- Có chuyện gì thế?
- Chúng tôi muốn tìm hiểu xem các anh sống ở đây như thế nào, nếu có thể thì ngắm nhìn bên trong một chút.
- Mời vào! - ông nói sau đó đóng sầm cửa, để lại sự ngỡ ngàng cho các phóng viên.
Bên trong nhà thùng có một chỗ ngồi như trên các tàu hỏa của Nga, chỉ nhỏ hơn một chút. Tuy nhiên, nhà của ông Slava có đầy đủ tiện nghi. Phía sau cánh cửa gỗ nhỏ là một nhà tắm, lối vào từ cửa chính có một toilet nhỏ, sâu bên trong là nhà bếp và cuối cùng là phòng ngủ.
Sàn nhà của ông Slava được trải thảm, cửa sổ có rèm và trên tường cũng có thảm tường. Ông có sofa, giường, chiếc tủ nhỏ đặt tivi.
Em trai của ông là Anatoly đang ngồi trong bếp.
Ngoài đống lộn xộn thì cuộc sống ở đây khá tươm tất: Bàn ăn có khăn trải và trên tường ngay đó có một bức tranh.
- Chúng tôi không uống trà - ông Slava vừa nói và rót cho các vị khách một thứ chất lỏng trong suốt - Chúng tôi đã uống một chút ngày hôm qua và bị nôn nao. Chúng tôi chỉ sống lặng lẽ và yên bình như vậy đấy. Còn nước thì chúng tôi đi ra giếng để tắm rửa và giặt giũ. Chúng tôi nấu ăn bằng ga, có một bình ga. Thế nào cũng được. Nhà tôi là một pháo đài và tôi cũng chẳng đánh đổi để lấy một căn hộ.
Ông Slava giải thích rằng chỗ ở này ông được cấp tạm thời vì ông từng là thượng sĩ trong nhà máy quân đội.
- Họ hứa sẽ ổn định cuộc sống nhưng không có gì xảy ra. Sau đó, theo những người hàng xóm, người ta muốn thu hồi đất ở Omskliftservise (tên gọi khu nhà thùng) để mở đường và sẽ phát căn hộ cho mọi người, nhưng các cuộc trò chuyện chưa tiến triển xa hơn.
Anh em ông Slava chỉ ở đây vào mùa hè, độ tháng tư. Thời gian còn lại ông phải ở nhờ nhà dì. Những người hàng xóm của ông cũng vậy, họ phải đến ở nhà bố mẹ hoặc người thân. Họ hiểu rằng một cặp vợ chồng sống với 3 đứa con và thêm cả bố mẹ sẽ không mấy dễ chịu nên nhà thùng của riêng họ vẫn tốt hơn.
Những người như ông Slava không phải trả bất kỳ tiền thuê nhà hay dịch vụ công cộng nào vì tên của họ không được ghi trong các tài liệu. "Nếu như có địa chỉ, chúng tôi sẽ trả tiền", ông tiết lộ.
Ông Slava khuyên các vị khách nếu muốn gặp những người khác thì nên trở lại vào buổi tối vì hiện giờ họ đang đi làm và những đứa trẻ đang đi học.
"Tất cả đều sỉ vả chúng tôi"
Vào buổi tối, khu nhà thùng lên đèn. Các phóng viên tìm đến nhà của một gia đình có hai đứa trẻ mà bà Vasilyevna kể. Ngôi nhà có camera giám sát. Tuy nhiên, theo bà Vasilyevna, nó chỉ dành cho những "người tò mò".
Một người phụ nữ ra mở cửa khi nghe tiếng gõ cửa.
- Cho hỏi có ai sống ở đây không? - các phóng viên hỏi.
- Có. Cám ơn và xin chào - người phụ nữ lạnh lùng nói, sau đó cô khóa cửa lại.
Một lúc sau, cô đi ra khỏi nhà và sau nửa tiếng quay lại với một bé gái khoảng 11 tuổi và chiếc cặp sách trên lưng. Khi đi ngang qua các phóng viên, cô ném cái nhìn sắc lạnh, nói: "Không có việc gì cho các bạn làm ở đây cả, hãy đi đi".
Ông Slava nắm bắt được câu chuyện và tiến lại:
- Không có gì ngạc nhiên khi cô ấy không nói chuyện với nhà báo. Những đứa trẻ này bị gọi là "người trong thùng" ở trường, thử hỏi có ai dễ chịu không. Cả cảnh sát địa phương cũng gọi chúng tôi như vậy. Các bạn gợi chuyện cũng vô ích thôi. Chẳng ai cho chúng tôi cái gì, chúng tôi chẳng là ai cả. Mọi người từ lâu đã sỉ vả chúng tôi. Làm ơn đừng quay đống rác trên sân, khi nào nó khô, chúng tôi sẽ dọn nó. Đấy là rác của những người đi đường ném vào đây. Họ lười đi đến chỗ đổ rác. Không sao cả, cây cối sắp mọc lá, sẽ chẳng còn ai có thể nhìn thấy chúng tôi.
Thứ tự chờ nhận nhà: 12.011
RIA Novosti đã liên lạc với bộ phận chính sách nhà ở của chính quyền Omsk để tìm hiểu về "số phận" khu nhà thùng.
Giám đốc bộ phận nhà ở Svetlana Shenfeld cho biết: "Các nhà thùng không phải đối tượng của chính sách nhà ở, không có trong sổ đăng ký tài sản của thành phố Omsk. Di dời người dân khỏi nhà thùng không phải bổn phận của chúng tôi".
Ngoài ra, cô đã giải thích về trường hợp của bà Svetlana Vasilievna: "Kể từ tháng 12/2002, nó đã được đăng ký bởi những công dân cần bố trí chỗ ở theo hợp đồng an sinh xã hội. Số thứ tự của Svetlana Vasilievna Chernova là 12.011. Các tài liệu xác nhận đặc quyền nhà ở theo quy định về trợ cấp xã hội đã không được nộp cho chính quyền Omsk".
Các phóng viên một lần nữa thất bại khi tìm cách tiếp cận một nữ sinh khoảng 13 tuổi gần nhà thùng. Cô bé đứng ở hàng rào chào các bạn của mình: "Mai gặp nhé!". Họ tiến lại lân la hỏi gì đó.
- Xin lỗi, chắc chắn là không thể - cô gái trả lời và chạy vào trong nhà. Theo lời bà Vasilievna, ngôi nhà thùng này ngoài cô và bố mẹ, còn có hai đứa trẻ khác nữa.
Theo Hà Lan/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)