Những cuộc đụng độ bạo lực của thổ dân với thế giới hiện đại

Google News

Trước cái chết của nhà thám hiểm Mỹ John Allen Chau, từng có không ít trường hợp thiệt mạng vì bị tấn công bạo lực bởi các bộ lạc thổ dân sống tách biệt với thế giới hiện đại.

Sau khi nhà thám hiểm trẻ tuổi người Mỹ John Allen Chau bị thổ dân ở đảo Sentinel giết hại mới đây, mọi sự chú ý dường như đổ dồn vào cuộc sống hoang dã của những bộ lạc trên vịnh Bengal. Thổ dân ở khu vực này sống tách biệt hoàn toàn với thế giới văn minh hiện đại và họ cũng nổi tiếng hung dữ khi sẵn sàng tấn công kẻ xâm nhập từ bên ngoài.
Tuy nhiên những cư dân hoang dã trên đảo Sentinel không phải là hiếm. Trên thế giới có khoảng 100 bộ lạc như vậy, theo Jonathan Mazower của tổ chức Survival International, đơn vị phát động chiến dịch bảo vệ các bộ lạc bị cô lập.
Phần lớn các bộ lạc này được phát hiện sinh sống trong vùng rừng nhiệt đới Amazon, một số sống ở đảo New Guinea, phía nam Thái Bình Dương, và rải rác ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Những người thổ dân chối bỏ cuộc sống hiện đại bằng mọi giá, bao gồm cả sử dụng bạo lực. “Trong trí nhớ của họ cuộc sống hiện đại có thể là những vụ thảm sát hay dịch bệnh, đó là lý do họ không muốn tiếp cận thế giới bên ngoài”, Mazower nói với CNN.
Khi xảy ra đụng độ, các ghi chép cho thấy thổ dân thường tấn công kẻ xâm nhập. “Họ rất sợ người ngoài”, Mazower nói thêm.
Nhung cuoc dung do bao luc cua tho dan voi the gioi hien dai
 
Tấn công bằng tên và giáo mác
Nhà thám hiểm Chau không phải là nạn nhân đầu tiên chết dưới tay thổ dân đảo Sentinel. Chính quyền địa phương không cho phép người ngoài và khách du lịch tiếp cận hòn đảo. Theo tổ chức Survial International, vào năm 2006, thổ dân ở đây đã giết hai kẻ săn trộm trái phép tại vùng biển quanh đảo Bắc Sentinel sau khi thuyền của hai người này trôi dạt vào bờ.
Trước đó năm 2004, sau trận động đất sóng thần lịch sử tại Ấn Độ Dương, máy ảnh cũng ghi lại hình một thổ dân bắn tên vào máy bay trực thăng đang làm nhiệm vụ kiểm tra tình trạng của bộ lạc sau thảm họa.
Từ năm 1980 đến năm 1990, các nhà thám hiểm đã nhiều lần đến hòn đảo này và tặng quà cho thổ dân. Tuy nhiên sau đó các cuộc viếng thăm trở nên ít dần. Theo điều tra dân số của Ấn Độ năm 2011, chỉ có 15 thổ dân còn sinh sống trên đảo. Chính phủ nước này đang duy trì chính sách “giám sát và không can thiệp” để đảm bảo những kẻ săn trộm không thể tiếp cận đảo Bắc Sentinel, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.
Tương tự như cái chết thương tâm của Chau, năm 1987, giám mục Công giáo La Mã Alejandro Lavaca và nữ tu Ines Arango đến Ecuador với mục đích truyền đạo, đã bị giết hại dã man bởi thổ dân ở đây. Thi thể của hai người bị ghim xuống đất bởi 21 cây giáo gỗ và những vết thương bị nhồi đầy lá để ngăn máu chảy, theo Washington Post.
Tổ chức Survival International cho biết hầu hết thành viên của bộ tộc này đã buộc phải di dời do hoạt động thăm dò dầu mỏ trên khu vực họ sinh sống. Nhóm Waorani từng đụng độ vài lần với bộ lạc Taromenane gần đó, đặc biệt là vào năm 2013 khi 2 nhóm này tranh đấu lẫn nhau khiến 2 thành viên thiệt mạng.
Bị đe dọa và xâm lấn
Một vài công cụ và lều trại là những dấu vết duy nhất cho sự tồn tại của bộ lạc Kawahiva, Brazil. Năm 2013, một nhân viên chính phủ Brazil đã có cơ hội gặp gỡ và ghi lại video về bộ lạc này. Trong clip, thổ dân trong tình trạng trần truồng với cung tên trong tay đang bỏ chạy vì cảm thấy bị đe dọa.
Tuy nhiên đây không phải là lần tiếp xúc đầu tiên của Kawahiva với thế giới hiện đại. “Theo uớc tính chỉ còn khoảng dưới 30 thổ dân còn sống ở đây, những người khác đã bị các nhóm khai thác gỗ sát hại”, Mazower giải thích với CNN.
Hoạt động nông nghiệp ngày càng gia tăng xung quanh khu vực này có thể đe dọa sự tồn tại của bộ lạc trong tương lai. “So với các bộ lạc khác, Kawahiva đang đối mặt với nguy cơ lớn nhất bởi khu vực họ sinh sống thường xuyên xảy ra bạo lực”, ông nói thêm.
Không giống như hầu hết bộ lạc khác, thổ dân Xihane tại Peru đã chủ động tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Các nhà chức trách đã công bố một đoạn video ghi lại cảnh các thổ dân Xihane rời khỏi khu vực cư trú và đến xin chuối tại một ngôi làng gần đó.
“Một trong những thổ dân trẻ tuổi hỏi người dân rằng ‘rani mi mulher?’, có nghĩa là ‘những người phụ nữ của bạn ở đang ở đâu?’. Có thể nhìn thấy trong video một người thổ dân đang cầm cây súng trường có thể là chiếm được từ kẻ xâm phạm lãnh thổ của họ”, Giancarlo Rolando, nhà nhân chủng học tại Đại học Virginia, nói với CNN.
Cũng tại Nam Mỹ, trong khi hàng ngàn thành viên của bộ lạc Ayoreo đã cởi mở và hòa nhập vào xã hội hiện đại, thì một vài thổ dân cuối cùng vẫn còn sinh sống ở khu vực rừng Amazon, trở thành những người cuối cùng của bộ lạc bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Trước đó, phần lớn người Ayoreo bị buộc phải rời khỏi nơi cư trú vì hoạt động thám hiểm và truyền giáo của người Mỹ những năm 1970. “Vài người đã chết trong các cuộc đụng độ và nhiều thổ dân Ayora sau đó tử vong vì bệnh dịch”, Mazower nói.
Bệnh tật là mối đe dọa lớn đối với các bộ tộc cô lập trên thế giới. “Thường là các bệnh như cúm hoặc sởi cũng có thể khiến thổ dân tử vong vì họ không có kháng thể hoặc hệ miễn dịch chống lại được những bệnh này”, ông nói thêm. Hàng chục người Ayora đã chết vì bệnh đường hô hấp trong những năm 1980.
Các tổ chức như Survival National đang cố gắng nâng cao nhận thức và cảnh báo nguy cơ các bộ lạc bị đe dọa bởi hoạt động của thế giới hiện đại như trồng trọt, chặt phá rừng và các hành vi bạo lực.
Không may mắn như bộ lạc Sentinel được chính phủ Ấn Độ bảo vệ và nghiêm cấm người ngoài tiếp cận, hầu hết bộ lạc khác trên thế giới đều không được bảo vệ, môi trường sống cũng dần bị xâm chiếm. “Thách thức lớn nhất cho tới nay là phải bảo vệ tuyệt đối khu vực mà thổ dân sinh sống, nếu không họ không thể tiếp tục tồn tại và phát triển”, ông Mazower nói với CNN.
Theo Hương Ly/ Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)