Cái chết thứ nhất
Lần đầu tiên Rafaela "lìa đời" khi mới là cô bé 11 tuổi. Người mẹ tìm thấy con gái lúc Rafaela hoàn toàn không còn dấu hiệu gì của sự sống. Tại bệnh viện gần nhất, bác sĩ chẩn đoán rằng cô bé đã tử vong. Gia đình bắt đầu chuẩn bị mai táng cô gái nhỏ yểu mệnh.
Thế nhưng Rafaela khẳng định rằng khi ấy bà vẫn tỉnh, có thể nghe và nhìn thấy mọi chuyện đang diễn ra.
"Tôi vui mừng vì ông bà tôi đến chơi nhà, nhưng tôi lại thấy buồn, vì họ sửa soạn chôn sống tôi. Bất kể là tôi đã hét lên bao lần, nhưng không một ai nghe thấy", bà Rafaela hồi tưởng.
Cô bé thức dậy hoàn toàn chỉ mấy phút trước khi mọi người đau buồn chôn cất cô.
Cái chết thứ hai
Năm 1968, khi đang ở tuổi 33 hoa niên, Raphaela Baroni «qua đời» lần thứ hai.
"Mọi người đưa tôi tới bệnh viện, ở đó tôi nằm hôn mê suốt 19 ngày đêm, và sau đó họ nói tôi đã chết. (…) Chúng tôi đến nghĩa trang, và khi mọi người sắp chôn tôi xuống mồ, có ai đó nhớ ra rằng giấy tờ vẫn để quên ở Bokono. Mà thiếu giấy tờ thì không thể mai táng tôi được. Tôi bị đưa vào nhà xác để chờ làm thủ tục, rồi đột nhiên người ta nhận thấy cơ thể tôi động đậy. Ai đó hét lên: "Không, senora này chưa chết!".
Khi trở về từ cõi chết, Rafaela được chẩn đoán là mắc bệnh catalepsy, căn bệnh mà trong từ điển y học gắn với Catatonia, hội chứng có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là rối loạn vận động, người bệnh đột nhiên rơi vào trạng thái tê liệt, hoàn toàn không cử động. Á khẩu cũng là một đặc điểm của trạng thái này. Đồng thời, bệnh nhân vẫn bảo lưu định hướng về thời gian, không gian và cá nhân mình, nhớ rõ những sự kiện xảy ra.
Bà cụ Rafaela nổi tiếng khắp cả nước Venezuela không chỉ bởi câu chuyện lạ kỳ độc đáo về hai lần chạm trán buộc tử thần phải chào thua, mà còn như một nữ tác giả có nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, truyền cảm hứng qua các chủ đề tôn giáo và sự trở lại với cuộc sống bất diệt, cũng như khả năng mát tay chữa bệnh và đoán trước số mệnh.