Nhọc nhằn để lên chuyến tàu sơ tán
Trong thời điểm này, rời Ukraine đi sơ tán sang các nước láng giềng có lẽ là điều "cực chẳng đã" với nhiều người Việt. Bởi, ra đi lúc này không chỉ là rời xa nơi đã gắn bó mấy chục năm, mà còn chấp nhận bỏ lại sự nghiệp kinh doanh, nhà cửa đã gây dựng bấy lâu.
Tuy nhiên, ưu tiên và đảm bảo an toàn tính mạng vẫn được đặt lên hàng đầu. Cho nên, không ít bà con vẫn cố gắng lên tàu nhằm thoát khỏi nơi hiểm nguy chực chờ.
8h (giờ Ukraine) tức 13h (giờ Việt Nam) ngày 1/3/2022, chuyến tàu từ Kharkov (Ukraine) hướng đến biên giới Ba Lan khởi hành, chị Thu Thủy cùng 2 con và hàng trăm hành khách mới có thể thở phào một chút.
Chuyến tàu giữa lúc chiến sự cũng khác với ngày thường. Mọi người ngồi chen chúc, chật chội nhưng ai cũng cố chịu đựng để đến nơi an toàn. Trên gương mặt của các hành khách đều ánh lên vẻ mệt mỏi, lo âu.
"Các khoang đông đến nỗi khi dừng chân ở ga Kiev, mọi người còn không thể lên hết. Tàu không thể chạy nên tôi rất sợ, vì đây là nơi có chiến sự nguy hiểm. Khi đang ngồi trên tàu, tôi vẫn còn chút lo lắng, có lẽ lúc nào đến được đất Ba Lan mới có thể trút hết nỗi sợ này", chị Thu Thủy chia sẻ với Dân trí.
Để có được 3 chỗ ngồi trên tàu, mẹ con chị Thủy đã phải trải qua những giây phút lo âu, vất vả. Việc lên tàu để tới thành phố hay nước láng giềng đã khó thì chuyện đón ô tô ra ga còn được chị Thủy ví... "khó ngang lên trời".
"Sáng sớm, mẹ con tôi thay nhau gọi đặt xe nhưng đều không được. Vì nhà có xe riêng, nên tôi tính sẽ tự lái ô tô ra ga, bất chấp nguy hiểm. Trên đường ra ga, may mắn gặp một tài xế tốt bụng, nhờ ông ấy thạo đường nên chở 3 mẹ con đến kịp giờ", chị Thủy nhớ lại.
Chiếc ô tô hướng ra ga trong khi chiến sự vẫn tiếp diễn cùng với nỗi lo lắng bao trùm, chị Thủy không dám phàn nàn. Thỉnh thoảng nghe tiếng nổ vang lên, lòng người mẹ bất an hơn bao giờ hết. Chị tự nhủ phải tự trấn tĩnh để làm chỗ dựa cho các con.
"Sau khi lên tàu, mẹ con tôi tìm được 3 chỗ ngồi, khoảng 20 phút sau thì tàu khởi hành. Lúc đó, tôi biết đã có thể rời khỏi nơi nguy hiểm. Chồng tôi và gia đình ở Việt Nam biết tin 3 mẹ con đã lên tàu cũng bớt lo lắng so với mấy ngày trước", chị Thủy nói với Dân trí.
Để đi tới quyết định rời Kharkov, chị Thủy phải đắn đo rất nhiều. Chiến sự xảy ra quá nhanh, chưa ai kịp chuẩn bị. Nhà cửa, xe cộ và hàng hóa kinh doanh cũng đành phải bỏ lại, việc học của 2 con dang dở theo hành trình sơ tán.
Chị Thủy kể: "Khi thấy chiến sự phức tạp, tôi quyết định sẽ đi sơ tán vào chiều 28/2. Tuy nhiên, lúc đó vào giờ giới nghiêm nên phải đợi đến 1/3. Cả đêm qua, tôi chỉ mong trời sáng để khởi hành nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Lúc này, tôi chỉ mong cả gia đình bình an, tài sản đành gác lại".
Dự kiến 1h sáng (giờ Ukraine) tức 6h sáng (giờ Việt Nam) ngày 2/3 chuyến tàu lánh nạn sẽ đưa 3 mẹ con chị Thủy cùng nhiều người dân khác đến vùng biên giới giáp Ba Lan.
6 ngày ở dưới hầm trú ẩn, nấu xong không kịp ăn
Nhiều người vẫn chọn ở lại Kharkov giữa lúc chiến sự leo thang, bởi họ không muốn liều lĩnh đi sơ tán.
Nhà nằm ở tầng cao tại một chung cư trong thành phố, gia đình chị P. đã dần quen với cuộc sống dưới hầm. Không gian của hầm trú ẩn chật chội, lạnh lẽo nhưng có tới cả trăm con người chen chúc. Tuy nhiên, cảnh đông đúc cũng giúp chị P. đỡ lo phần nào.
"Nhà tôi sống tại tầng cao của chung cư nên ở trong căn hộ không yên tâm. Tính đến ngày 1/3 là tròn 6 ngày, cả nhà ở dưới hầm. Thật sự tôi không muốn đi sơ tán, vì quãng đường từ Kharkov đến Ba Lan khoảng 1000 km, hành trình đó rất nguy hiểm và hơn hết, tôi tin cuộc sống yên bình sẽ sớm trở lại", chị P. chia sẻ với Dân trí khi đang trú ẩn dưới hầm.
Sáng sớm 1/3, chị P. rời khỏi hầm lên căn hộ để nấu ăn giữa lúc tiếng nổ vẫn thỉnh thoảng vang lên. Mấy ngày trước, mỗi khi nghe những âm thanh đó ai cũng hốt hoảng nhưng bây giờ hầu hết cư dân đã dần trấn tĩnh và làm quen.
Bữa cơm giữa lúc chiến sự cũng chẳng vẹn tròn. Vừa nấu xong, cả nhà định ngồi vào bàn để ăn vội thì tiếng nổ vang lên ngày một nhiều hơn. Không ai bảo ai, tất cả nhanh chóng chạy xuống hầm để đảm bảo an toàn.
"Lúc đó, tôi dồn hết đồ ăn, thậm chí cho cả nồi thịt mới nấu vào túi rồi nhanh chóng xuống hầm. Cuộc sống của gia đình tôi ở Kharkov bị đảo lộn nhưng mọi người đều phải cố gắng vượt qua", chị P. bày tỏ.
Trong khi đang trò chuyện với Dân trí, chị P. bàng hoàng nhìn bức ảnh chụp cảnh một chiếc xe chở xăng bị cháy với cột khói đen bốc lên nghi ngút. Vị trí đó chỉ nằm cách hầm mà người phụ nữ gốc Việt này ngồi 300 m.
Mấy ngày qua, chị P. và nhiều bà con Việt kiều ở Kharkov đang sống trong thấp thỏm từng giờ từng phút như vậy. Ngồi dưới hầm mà nơm nớp chưa yên, bởi vẫn nghe những tiếng súng, tiếng pháo từ xa vọng đến.
Cũng sống ở Kharkov, anh H. (một người Việt đã sống ở Ukraine gần 10 năm) cho biết, chiến sự diễn biến nhanh và bất ngờ, khiến nhiều gia đình không kịp chuẩn bị, "trở tay". Việc sơ tán với nhiều người lúc này cũng bất khả thi bởi thời tiết mùa đông ở Ukraine rất lạnh, quãng đường đi xa nhiều bất trắc, không phải ai cũng đủ sức khỏe theo đuổi một hành trình dài. Gia đình anh H. đã phải xuống hầm trú ẩn ở từ nhiều ngày nay.
"Từ hôm chiến sự xảy ra, gia đình tôi chưa có lấy một bữa cơm trọn vẹn, ngon miệng. Ai cũng chỉ cố ăn cho xong bữa, ăn trong cảm giác thấp thỏm. Thật sự mỗi lần nghe thấy âm thanh của súng đạn, chúng tôi lại lo lắng, sợ hãi, đến giấc ngủ cũng chập chờn. Thương nhất là trẻ con, chúng phải sống trong cảnh thiếu thốn, lo âu cùng bố mẹ", anh H. nói.
Từ trong khói lửa, tiếng nổ vang trời, trong tim người Việt ở Ukraine nói chung và Kharkov nói riêng vẫn hy vọng về ngày bình yên sắp tới. Họ mong mỏi bữa cơm đoàn tụ, giây phút sum họp, gặp gỡ bạn bè, thảnh thơi dạo bộ trong tiếng nói cười như chưa từng có những ngày phải tất tả xuống hầm.