Tại Trung Quốc, Vũ Hán từng được biết đến là thành phố hoa anh đào xinh đẹp và là một trung tâm kinh tế sầm uất.
Tuy nhiên, giờ đây, đô thị 11 triệu dân ở tỉnh Hồ Bắc này đã trở thành "tâm chấn" của dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây nên với số ca tử vong trên khắp Trung Quốc là 304 người và số trường hợp nhiễm bệnh là hơn 14.300 người.
Nỗi lo sợ vì dịch bệnh lan rộng vô tình đã "châm ngòi" cho làn sóng căm ghét và phân biệt đối xử với những người dân đến từ Vũ Hán. Mỗi số người bị từ chối trên chính đất nước của họ, từ những khách sạn, nhà hàng cho tới họ hàng, hàng xóm của họ và một số nơi đang bị cách ly nghiêm ngặt.
Các quan chức Vũ Hán ước tính khoảng 5 triệu người đã rời thành phố này trong dịp Năm mới trước khi các nhà chức trách tạm dừng tất cả các chuyến bay, tàu và xe bus khi ra lệnh phong tỏa thành phố ngày 23/1.
Nhiều người trong số họ là người lao động và sinh viên đại học đã trở về quê dịp Năm mới để đoàn tụ với gia đình trong khi số khác dành thời gian cho những kỳ nghỉ ở bên ngoài trong đợt nghỉ lễ dài ngày.
Trung Quốc chỉ tuyên bố virus corona có thể lây từ người sang người ngày 20/1 sau khi số ca nhiễm đột ngột tăng và sau đó, các nhà chức trách vẫn khẳng định dịch bệnh này là "có thể ngăn chặn và kiểm soát được".
"Nhiều người bạn của tôi đã rời Vũ Hán mà không nhận ra tình hình nghiêm trọng thế nào", April Pin - một người sinh sống tại Vũ Hán, đã viết một bức thư ngỏ mong mọi người hãy tha thứ cho những người đồng hương của cô khi họ rời đi mà không biết trong mình đang mang mầm bệnh.
Pin là một trong hàng triệu người ở Vũ Hán, đã chia sẻ với CNN rằng cô viết bức thư này bởi "có quá nhiều bình luận trên mạng chỉ trích và lăng mạ người Vũ Hán”.
Sau khi thành phố bị phong tỏa, người dân Vũ Hán đi lại tại những khu vực khác của Trung Quốc sớm nhận ra rằng họ không được chào đón bởi những khách sạn hay nhà nghỉ ở các địa phương này, cũng như không thể trở về thành phố của mình do những giới hạn đi lại mới được đưa ra.
Trên mạng xã hội, những bài đăng tìm chỗ ở của các du khách Vũ Hán ngày một tăng lên. Một tài khoản trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc chia sẻ cô đã bị đuổi khỏi một nhà nghỉ ở Changsha, tỉnh Hồ Nam bởi các vị khách đến từ tỉnh Hồ Bắc không được phép ở đây.
"Tôi chỉ yêu cầu sự giúp đỡ bởi tôi thực sự đã đến đường cùng", tài khoản Ludougao, người đã rời Vũ Hán ngày 20/1, 3 ngày trước khi có lệnh phong tỏa cho biết.
Cô gái này đã tới ga tàu nhưng không còn bất kỳ chuyến tàu nào dừng lại tại Vũ Hán nữa. Cô thậm chí đã tới bệnh viện để lấy giấy khám sức khỏe nhưng vẫn bị các nhà nghỉ từ chối.
Tuy nhiên sau đó, các tỉnh thành khác của Trung Quốc đã dành riêng các khách sạn cho du khách đến từ Vũ Hán và những nơi khác của tỉnh Hồ Bắc. Cơ quan phụ trách Du lịch và Văn hóa Vũ Hán đã đăng tải một danh sách các khách sạn mà người Vũ Hán có thể lui tới.
Ngoài ra, giữa bối cảnh ngày càng có nhiều hãng hàng không quốc tế hủy chuyến bay tới Vũ Hán, nhiều du khách đến từ thành phố này vẫn đang bị mắc kẹt ở nhiều nơi ngoài Trung Quốc. Ngày 27/1, vẫn còn hơn 4.000 khách du lịch Vũ Hán ở nước ngoài, cơ quan phụ trách Du lịch và Văn hóa Vũ Hán cho biết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo ngày 31/1 rằng các chuyến bay riêng sẽ được sắp xếp để đưa những người này trở về nhà.
"Dựa trên những khó khăn thực tế mà công dân Trung Quốc ở tỉnh Hồ Bắc, đặc biệt là thành phố Vũ Hán phải đối mặt ở nước ngoài, chính quyền Trung Quốc quyết định cử các chuyến bay tới đưa họ trực tiếp quay về Vũ Hán sớm nhất có thể", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định trong một tuyên bố.
Theo Bộ Ngoại giao nước này, 2 chuyến bay mà chính phủ Trung Quốc cử đi đã hạ cánh ở sân bay quốc tế Vũ Hán tối 31/1 đưa các du khách Hồ Bắc quay trở về từ Đông Nam Á.
Một chuyến bay từ Bangkok, Thái Lan đã trở 76 hành khác. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người trên chuyến bay từ Kota Kinabalu, Malaysia. Các nhà chức trách trước đó cho biết 2 chuyến bay này sẽ chở khoảng 200 người dân tỉnh Hồ Bắc.
Tờ Nhân Dân nhật báo (People's Daily) của Trung Quốc nhận định: "Phần lớn 5 triệu người đã rời Vũ Hán một cách không có chủ ý, đồng thời điều đó cũng có nghĩa là không phải tất cả họ đều mang theo virus corona.
"Dù họ có đi bất cứ đâu, chúng ta không nên phân biệt đối xử hay xa lánh họ. Trước dịch bệnh bùng phát, họ là những nạn nhân. Họ là những người mong muốn có thể loại bỏ dịch bệnh này, mong muốn an toàn, và sự quan tâm hơn bất kỳ ai. Vào thời điểm này, những gì họ cần là sự thấu hiểu chứ không phải sự hiểu lầm".