Ngày làm việc đầu tiên của G20: Bất đồng và nghi kị bao trùm hội nghị

Google News

Giới phân tích thậm chí còn dự báo viễn cảnh, hội nghị G20 lần này sẽ không đưa ra được tuyên bố chung khi hội nghị kết thúc.

Bất đồng và nghi kị đã nảy sinh trên bàn đàm phán và các hoạt động ngoại giao bên lề, ngay trong ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Argentina. Biến đổi khí hậu, thương mại và vụ sát hại nhà báo Khashoggi là những vấn đề tranh cãi lớn nhất. Giới phân tích thậm chí còn dự báo viễn cảnh, hội nghị G20 lần này sẽ không đưa ra được tuyên bố chung khi hội nghị kết thúc.

Ngay lam viec dau tien cua G20: Bat dong va nghi ki bao trum hoi nghi
 Bất đồng và nghị kị bao trùm ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G-20. Ảnh: PAHomepage
Ngay trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Argentina Mauricio Macri đã phải thốt lên rằng, "giải pháp giải quyết bất đồng hiện nay chính là đối thoại, đối thoại và đối thoại”, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tham dự G20 cần chuyển đi thông điệp rõ ràng về sự chia sẻ trách nhiệm.
“Tôi hy vọng trong những giờ làm việc tới, chúng ta có thể tạo ra được sự đồng thuận làm cơ sở cho hoạt động của G20 trong vòng 10 năm tới. Đây là một việc làm đầy khó khăn. Chúng ta đều chứng kiến xã hội đang thay đổi một cách sâu sắc. Tôi kêu gọi mọi người hãy gửi đi thông điệp rõ ràng đối với thế giới. Chúng ta hãy đoàn kết với nhau để tạo ra một chân trời phát triển cùng chia sẻ trách nhiệm chung và những cam kết mạnh mẽ đối với vấn đề bình đẳng giới và sự thống nhất trong đa dạng”, ông Macri nói.
Một hình ảnh khác cũng thể hiện rõ sự bất đồng và nghi kị giữa các thành viên G20 chính là hoạt động chụp ảnh chung vốn đã trở thành truyền thống. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman – nhân vật vốn bị nghi ngờ liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã lựa chọn đứng ngoài cùng, cách xa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Sau khi chụp ảnh chung, Thái tử Saudi Arabia cũng chỉ bày tỏ cử chỉ thân mật duy nhất với một nhà lãnh đạo thế giới là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sự bằng mặt song không bằng lòng cũng được thể hiện rõ thông qua các cuộc gặp chớp nhoáng bên lề giữa Thái tử Saudi Arabia với các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Mỹ. Truyền thông Saudi Arabia đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp thân thiện với thái tử song bản thân ông Donald Trump lại phủ nhận thông tin này. Cuộc gặp giữa thái tử Saudi Arabia và Thủ tướng Anh Theresa May cũng chỉ mang tính chất ngoại giao trong khi giới chức Pháp cho biết, thái tử Mohammed bin Salman đã bày tỏ thái độ cứng rắn trong cuộc trao đổi ngắn giữa thái tử với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
G20 gồm 19 quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới và một tổ chức là Liên minh châu Âu đóng góp tới 85% sản lượng đầu ra của kinh tế và chiếm 2 phần 3 dân số thế giới. Hội nghị G20 lần đầu tiên được tổ chức năm 2008, được xem là cơ hội để các thành viên cùng nhau thúc đẩy các chính sách toàn cầu nhằm đối phó với các vấn đề lớn trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, những quyết định chủ chốt luôn luôn được đưa ra chỉ trong các cuộc gặp riêng, bên lề hội nghị.
Một số cuộc gặp bên lề được dư luận khá chờ đợi phải kể đến cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, trước thềm hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố hủy cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trả lời báo giới tại hội nghị, Tổng thống Mỹ giải thích lý do vì căng thẳng giữa Nga và Ucraina sau vụ thuyền và thủy thủ Ucraina bị bắt giữ ở khu vực Biển Đen, gần Bán đảo Crimea. Người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov đã bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Mỹ.
Cuộc gặp cấp cao thứ 2 cũng được dư luận quan tâm là cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với chủ đề chính là tranh chấp thương mại Mỹ - Trung. Mỹ đã áp thuế bổ sung đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ tháng 7 vừa qua. Đáp trả, Trung Quốc cũng áp thuế bổ sung đối với 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Kỳ vọng cao song cả Trung Quốc và Mỹ đều thận trọng khi nói về kết quả của cuộc gặp này. Giới chức Trung Quốc cho biết, cả Mỹ và Trung Quốc đang dần đồng thuận về một thỏa thuận thương mại dù vẫn còn nhiều khác biệt. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, cả Trung Quốc và Mỹ đều mong muốn chứng kiến những tín hiệu tốt lành trong quan hệ Mỹ - Trung song cả hai bên đều cần chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra.
Tổng thông Donald Trump nói: “Chúng tôi sẽ sớm có cuộc gặp với phía Trung Quốc. Chúng tôi đều đang nỗ lực làm việc. Nếu chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận, đây sẽ là điều tốt lành. Tôi cho rằng, phía Trung Quốc cũng có mong muốn như vậy. Đại diện thương mại Mỹ đang thỏa thuận với phía Trung Quốc. Đã có những tín hiệu tốt đẹp. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đợi xem điều gì sẽ xảy ra”.
Liên quan đến những căng thẳng thương mại trên thế giới vừa qua, Tổng thống Nga Putin trong một tuyên bố trước báo giới đã chỉ trích “Chính sách nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, cho rằng, những “cuộc cạnh tranh thương mại không trung thực” đang đi liền với những lệnh trừng phạt khắc nghiệt và biện pháp bảo hộ thương mại. Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam phi cũng phát đi một tuyên bố chung chỉ trích tình trạng bảo hộ thương mại đang đi ngược lại tinh thần và quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Những căng thẳng và bất đồng giữa các nước G20 tại hội nghị lần này khiến giới phân tích dự báo, các bên khó có thể đưa ra được tuyên bố chung khi hội nghị kết thúc. Trong trường hợp các bên có thể giải quyết được căng thẳng thương mại thì vẫn còn một vấn đề gai góc khác khó có thể đạt đồng thuận, chính là vấn đề biến đổi khí hậu. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi diễn ra hội nghị đã không dấu diếm khi phản đối hành động tập thể về vấn đề này.
Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì nói rằng, ông sẽ từ chối ký thỏa thuận thương mại với khối thương mại Mercosur Nam Mỹ, nếu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong một phát biểu trước báo giới đã nhận xét rằng, G20 khó có thể tạo sự đột phá trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo Hồng Nhung/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)