Mỹ, phương Tây hợp sức “dồn ép” Nga
Một cuộc chiến ngoại giao mới giữa Nga và phương Tây bắt đầu nhen nhóm vào đầu tháng 3/2018 khi cựu điệp viên Nga Skripal cùng con gái Yulia được phát hiện bất tỉnh nghi do bị đầu độc ở Salisbury, Anh.
Ngay sau đó, London một mực cáo buộc Moscow đứng sau vụ đầu độc dù chưa có bằng chứng cụ thể và áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, bao gồm việc trục xuất 23 nhà ngoại giao nước này. Hàng chục quốc gia khác cũng quyết định trục xuất nhà ngoại giao Nga, trong đó Mỹ đã yêu cầu 60 nhà ngoại giao Nga phải “khăn gói” hồi hương.
Có thể nói, đây là vụ trục xuất tập thể nhân viên ngoại giao Nga lớn nhất trong lịch sử và cũng là “cú sốc” đối với Moscow.
|
Nghi án đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal "thổi bùng" căng thẳng mối quan hệ Nga-Anh. Ảnh: Sky News. |
Trong khi nghi án đầu độc cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal vẫn chưa “ngã ngũ” thì một vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học lại xảy ra ở thị trấn Douma (Syria) khiến hàng trăm dân thường thương vong hôm 7/4. Ngay sau đó, Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây “tố” Quân đội Syria là thủ phạm đứng sau vụ việc và quy trách nhiệm cho cả Nga.
Căng thẳng leo thang khi Mỹ, Anh và Pháp điều tàu chiến đến vị trí sẵn sàng và đe dọa sẽ tiến hành một cuộc không kích nhằm vào quốc gia Trung Đông này để trả đũa Damascus.
Sau những sự kiện dồn dập tưởng chừng sẽ bất lợi cho Nga, Moscow đã phản ứng một cách bình tĩnh và khéo léo. Diễn biến gần đây đang diễn ra theo chiều hướng có lợi cho Nga và nước này dường như nắm phần thắng trong cuộc chiến ngoại giao với Mỹ-phương Tây.
Mời độc giả xem thêm video: Sức mạnh của tên lửa Tomahawk Mỹ không kích căn cứ Syria hồi năm 2017 (Nguồn: VTC1)
Moscow “lật ngược thế cờ”
Theo chia sẻ của Giáo sư chính trị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Vasily Krivokhizha, cuộc chiến ngoại giao giữa phương Tây và Nga đã khiến giới chuyên gia chính trị và truyền thông quốc tế lo ngại một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ bùng nổ. Tuy nhiên, những gì Moscow làm được cho tới thời điểm này cho thấy Nga rõ ràng đang chiếm ưu thế.
Đến nay, Anh vẫn không thể chứng minh rằng chất độc hóa học được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal là do Nga sản xuất. Khoảng 160 quốc gia đã yêu cầu Anh đưa ra bằng chứng cụ thể cho cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc. Điều đó có nghĩa là, họ không tin lời nói một phía từ Anh, hay nói rộng hơn là Liên minh Châu Âu (EU), mà cần phải dựa trên chứng cứ xác thực.
Ở một diễn biến khác, căng thẳng liên quan tới tình hình Syria sau nghi án tấn công hóa học tại Douma cũng có những dấu hiệu “giảm nhiệt”.
|
Mỹ dọa sẽ không kích Syria nhưng đến nay vẫn "án binh bất động". Ảnh: Slate.com. |
Mặc dù triển khai nhiều tàu chiến đến Địa Trung Hải và đe dọa sẵn sàng khai hỏa nhằm vào Syria nhưng đến nay Mỹ vẫn “án binh bất động” còn Tổng thống Donald Trump khẳng định chưa quyết định thời điểm tiến hành cuộc tấn công.
Ngày 12/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thừa nhận quân đội nước này không có bằng chứng chứng minh chất độc sarin hoặc clo được sử dụng trong vụ tấn công tại Douma hồi cuối tuần trước.
Hôm 13/4, Moscow cho hay một đường dây liên lạc khủng hoảng giữa Nga và Mỹ, được thiết lập nhằm tránh đụng độ giữa hai bên tại Syria, đang được sử dụng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Mỹ và Nga có thể đạt được một giải pháp nếu như đối thoại với nhau, đồng thời khẳng định mong muốn hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, trong đó nhà lãnh đạo Paris kêu gọi thúc đẩy các cuộc đối thoại với Moscow nhằm duy trì những nỗ lực thúc đẩy việc khôi phục nền hòa bình và sự ổn định tại đất nước Syria.