Mỹ "mất trắng" 6 tỷ USD trong 35 ngày chính phủ đóng cửa

Google News

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard & Poor (S&P) vừa công bố báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tổn thất ít nhất 6 tỷ USD trong 35 ngày đóng cửa một phần chính phủ.
 

Đây là đợt đóng cửa chính phủ gây thiệt hại nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đáng nói là con số thiệt hại trên cao hơn mức chi gây tranh cãi 5,7 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump đề xuất để xây bức tường tại biên giới với Mexico, vốn là nguyên nhân dẫn tới việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần.
Bức tường ngăn cách giữa Mexico và "miền đất hứa" Mỹ được cho là có thể giúp ngăn chặn 144.000 người nhập cư từ Trung Mỹ vào Mỹ và tăng thu nhập của lao động tay nghề thấp thêm 58 cent/năm, trong khi mỗi người dân Mỹ sẽ chỉ phải bỏ ra 15 USD để xây bức tường này. Tuy nhiên, nếu so với những thiệt hại, thì những mối lợi kể trên không thấm vào đâu.
My
Người dân biểu tình phản đối tình trạng đóng cửa Chính phủ một phần tại Chicago, Mỹ, ngày 18/1. Ảnh: THX/TTXVN 
Theo các nghị sĩ Dân chủ, bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico sẽ gây tổn hại lớn cho nền kinh tế, khiến thu nhập của những lao động có tay nghề cao giảm 7,6 USD/năm và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm hơn 4 tỷ USD/năm. Phe Dân chủ cho rằng thay vì dùng hàng tỷ USD để xây bức tường này, Mỹ nên tăng cường triển khai công nghệ và bổ sung nhân viên an ninh ở khu vực biên giới để ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Rất may là đợt đóng cửa dài nhất trong lịch sử Mỹ này (kể từ ngày 22/12/2018) đã kết thúc vào ngày 25/1, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ nhượng bộ đảng Dân chủ tại Quốc hội, đồng ý ký dự luật hỗ trợ ngân sách cho chính phủ tạm thời hoạt động trở lại trong 3 tuần. Dự luật nói trên tuy không bao gồm khoản ngân sách xây dựng bức tường biên giới gây tranh cãi, song đặt ra thời hạn 3 tuần, tức là đến ngày 15/2 tới, để các nghị sỹ và Nhà Trắng thảo luận về an ninh biên giới.
Báo cáo của S&P cũng cho biết: "Dù Chính phủ Mỹ đã trở lại hoạt động hoàn toàn nhưng có rất ít thỏa thuận ở Đồi Capitol có thể tác động đến niềm tin kinh doanh và truyền cảm hứng cho thị trường tài chính".
Theo các số liệu thăm dò do Đại học Michigan thực hiện, chỉ số lòng tin người tiêu dùng trong tháng 1 đã giảm từ mức 98,3 của tháng trước xuống mức 90,7 - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016. Sự sụt giảm mạnh này là dấu hiệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng sẽ giảm và kéo tụt mức tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới.
Theo Bích Liên/TTXVN

>> xem thêm

Bình luận(0)