Theo Reuters, các thành viên Đảng Dân chủ và một nhóm nghị sĩ bảo thủ của Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Trước mắt, ông Patrick McHenry, thành viên Đảng Cộng hòa, sẽ là quyền Chủ tịch Hạ viện.
Theo quy định, ông này bị hạn chế về quyền hành và không thể tiến hành các hoạt động lập pháp thông thường. Nhiệm vụ chính của ông McHenry là tiến hành bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện mới.
Theo hãng tin Bloomberg, ông McHenry công bố kế hoạch tổ chức cuộc bỏ phiếu này vào ngày 11-10. Cho đến khi có lãnh đạo mới, Hạ viện không thể bỏ phiếu về các dự luật, trong đó có dự luật chi tiêu trong tài khóa 2024.
Nếu tiến trình bầu chọn bế tắc, Hạ viện có thể cấp quyền có thời hạn cho ông McHenry để chủ trì tiến trình tranh luận và bỏ phiếu về các dự luật thông thường. Tuy nhiên, quyết định đó sẽ cần đa số hạ nghị sĩ ủng hộ.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy phát biểu sau khi bị phế truất hôm 3/10 Ảnh: REUTERS
Đảng Dân chủ dự kiến tiếp tục đề cử ông Hakeem Jeffries, người từng đối đầu với ông McCarthy trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện hồi tháng 1. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa có thể mất nhiều thời gian hơn để tìm ứng viên nổi bật sau khi ông McCarthy tuyên bố không ra tranh cử vị trí này lần nữa.
Thách thức hàng đầu là nội bộ đảng này đang chia rẽ sâu sắc với các phe nhóm khác nhau theo đuổi những ưu tiên, mục tiêu khác nhau. Chẳng hạn như nhóm nghị sĩ bảo thủ đang đòi hỏi cắt giảm chi tiêu liên bang mạnh mẽ.
Chưa hết, tiến trình bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện mới, nếu diễn ra, cũng có thể mất không ít thời gian. Trong lần bỏ phiếu hồi tháng 1 vừa qua, ông McCarthy phải trải qua 15 vòng, một con số cao kỷ lục, mới được ngồi vào chiếc ghế nóng này.
Cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm ông McCarthy diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua dự luật cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ.
Diễn biến mới nói trên sẽ làm tăng thêm sự bất ổn liên quan đến vấn đề chi tiêu của chính phủ, bao gồm hàng tỉ USD để viện trợ cho Ukraine và đáp ứng các nhu cầu quốc tế khác. Chính phủ Mỹ đối mặt nguy cơ đóng cửa vào ngày 17-11 tới nếu quốc hội không kịp thỏa hiệp về vấn đề chi tiêu.
"Hạ viện sẽ bị tê liệt, chúng ta có thể thấy những cuộc bỏ phiếu không có kết quả hết tuần này sang tuần khác trong khi cũng không thể thực hiện những công việc khác" - nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom McClintock lên tiếng cảnh báo về viễn cảnh sắp tới.
Một số thành viên khác lo ngại sự hỗn loạn ở Hạ viện có thể làm suy yếu vị thế đàm phán của đảng này trong các cuộc tranh luận sắp tới, nhất là về vấn đề chi tiêu.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng tình trạng bế tắc nói trên có thể gây hậu quả về kinh tế, nhất là khi nỗi lo về nguy cơ chính phủ đóng cửa vẫn còn đó. Ông Brian Gardner, chuyên gia của Ngân hàng Stifel (Mỹ), nhận định các thị trường có thể phản ứng tiêu cực trước những gì đã xảy ra.